7. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
3.1.1. Sự biến đổi các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe
a. Biến đổi khí hậu và thiên tai thảm hoạ
Biến đổi khí hậu là một chủ đề nóng mang tính toàn cầu do hậu quả của hiệu ứng nhà kính. Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận không khí sạch, nước sạch, an ninh lương thực và nơi ở an toàn, qua đó có tác động tới sức khỏe. Biến đổi khí hậu cũng làm thay đổi môi trường và điều kiện phát triển của các tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh, tăng tần suất tác động của thiên tai và gia tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong do một số bệnh có liên quan.
Là thành phố ven biển, Đà Nẵng đang đối mặt tình trạng nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực ở Đà Nẵng xảy ra nhiều hơn. Sự đe dọa của mực nước biển dâng lên các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển là thường xuyên hơn. Kéo theo đó, người dân sống dọc ven biển luôn rơi vào trạng thái lo lắng bởi nạn xâm thực của sóng biển. Cứ vào mỗi mùa mưa bão, nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản khác bị sóng cuốn ra biển. Mặt khác, với vị trí nằm ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn khiến Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của ngập lụt, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Nếu không có các giải pháp ứng phó quyết liệt, diện tích đất bị hoang mạc hóa sẽ mở rộng, tài nguyên rừng, đất, nước, sinh
vật hoang dã, khoáng sản sẽ bị xâm lấn và hủy hoại, các hệ sinh thái tự nhiên, cây trồng, vật nuôi, làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, gia tăng sức ép lên con người, giảm khả năng đề kháng và tăng các bệnh về đường ruột, vi rút, ký sinh trùng như sốt xuất huyết và sốt rét.
Bên cạnh các tác động của biến đổi khí hậu, hằng năm, Việt Nam phải hứng chịu khoảng 8 – 10 cơn bão, lũ. Nhiều cơn bão có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp cùng với lũ lụt và triều cường gây thiệt hại về người, tài sản như nhà cửa, hoa màu, cơ sở hạ tầng, đường sá,.. Bên cạnh thiệt hại trực tiếp về người, thiên tai cũng có thể gây nên các dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăn sóc sức khỏe của người dân. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, thành phố Đà Nẵng chịu ảnh hưởng trực tiếp 1- 2 cơn bão lớn. Gần đây, nhiều cơn bão có sức gió trên cấp 12, giật cấp 13-14, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân.
b. Tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa
Năm 2001, Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Từ đó đến nay, Việt Nam đã quá trình công nghiệp hoá cũng đang diễn ra nhanh chóng, thể hiện trên nhiều tiêu chí như thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo, giảm tỷ lệ nghèo đói, giảm bất công bằng,... Bên cạnh đó, quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá để lại nhiều tác động đến môi trường tự nhiên, gây nên ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí cũng như kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.
Sau hơn 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và hơn 10 năm trở thành đô thị loại 1, Đà Nẵng đã có những bước tiến vượt bậc về tốc độ phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa công nghiệp. Song song với quá trình phát triển đó, Đà Nẵng đã phải đối mặt với khá nhiều
thách thức, đặc biệt là vấn đề môi trường như tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực ở mức đáng báo động, các điểm nóng về môi trường tại các khu công nghiệp, bãi biển, hồ chứa nước, kênh mương, các điểm dân cư ngập úng đã xuất hiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, không gian công cộng, mảng kiến trúc xanh trong đô thị dần mất đi và môi trường tự nhiên cũng bị ảnh hưởng theo; các vấn đề về nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, chất thải rắn làm tổn hại đến môi trường, gây mất cân bằng về sinh thái; quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo sự gia tăng dân số gây tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí. Với tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện với môi trường, tháng 10-2008, UBND thành phố phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng-Thành phố môi trường”. Đề án được xây dựng với mục tiêu hướng đến năm 2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí trên toàn thành phố được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng. Sau nhiều năm thực hiện, đề án đã đem lại nhiều thay đổi cho bộ mặt của thành phố, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường còn tồn tại chưa giải quyết được, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân.
c. Vấn đề giá hóa dân số
Vừa mới bước qua giai đoạn dân số vàng, chúng ta đã phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục từ 7,1% năm 1989 lên 8,7% năm 2009 và 10,2% năm 2014. Chỉ số già hoá dân số tăng nhanh, từ 18,2% năm 1989 lên 44,6% năm 2014 và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới. Với tốc độ già hóa dân số nhanh hơn so với các nước khu vực, Việt Nam chỉ mất khoảng 20 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang
giai đoạn cấu trúc dân số già, nhanh nhất trên thế giới. Tỷ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng bệnh tật và tử vong càng lớn. Điều này đặt ra những gánh nặng đối với gia đình, xã hội và hệ thống y tế trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc kéo dài, tốn kém cho người cao tuổi.
Cùng với xu hướng chung của cả nước, Đà Nẵng đang đi về cuối giai đoạn “dân số vàng” và đứng trước nguy cơ già hóa dân số nhanh chóng. Vì vậy vấn đề già hóa dân số tại thành phố Đà Nẵng là vấn đề trong tương lai gần, đặt ra nhiều yêu cầu trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.