Xây dựng môi trường giáo dục toàn diện

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quan niệm lễ của khổng tử với việc giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông tỉnh bình định hiện nay (Trang 89 - 92)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

3.2.4. Xây dựng môi trường giáo dục toàn diện

Giáo dục - đào tạo ở nước ta nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả đáng ghi nhận trong sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật,

sự bùng nổ về công nghệ thông tin, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực…đòi hỏi giáo dục phải đổi mới để đáp ứng nguồn lao động có trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, nghĩa là phải hội tụ đầy đủ yếu tố “tài” và “đức”.

Nếu như trước đây, mục tiêu giáo dục toàn diện thường được hiểu là: Học sinh phải học đầy đủ tất cả các môn học từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, thể dục thể thao…và mục tiêu chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức càng nhiều càng tốt, chú trọng dạy chữ chứ chưa chú trọng nhiều đến dạy người; việc học chỉ dừng lại ở lý thuyết là chủ yếu và ít yêu cầu thực hành kiến thức…dẫn đến tình trạng chung là vừa thừa, vừa thiếu trong việc đào tạo con người. Do vậy, hiện nay, giáo dục toàn diện là phải đào tạo người học phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, có nghĩa là giáo dục phải tạo ra những con người hội tụ được những phẩm chất, năng lực cơ bản như: trung thực, sáng tạo, sống có lý tưởng phục vụ Tổ quốc. Đồng thời, phải phát huy được tiềm năng của bản thân, có nhận thức và xây dựng những kỹ năng cơ bản để sống và làm việc đạt hiệu quả…

Xuất phát từ thực tế tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay, học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức ngày càng nhiều, đối tượng học sinh vi phạm các chuẩn mực đao đức không chỉ dừng lại ở học sinh có học lực yếu, thường xuyên bỏ học, trốn tiết mà còn xuất hiện ở những học sinh được đánh giá là chăm ngoan, học giỏi, được bạn bè trong lớp, nhà trường và gia đình yêu mến. Biểu hiện của những hành vi lệch chuẩn đạo đức này là: không biết nói lời cảm ơn khi bạn bè, người khác giúp đỡ mình; biết mình làm sai nhưng không nói lời xin lỗi với bạn bè, thầy cô; gặp thầy cô đang giảng dạy mình hoặc thầy cô giáo cũ không chào hỏi; không có tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ bạn bè; không dám bảo vệ điều đúng cho bạn mình trước mọi người; sống thờ ơ, thiếu trách nhiệm với gia đình, người thân… Điều này cho thấy, học sinh đang

thiếu hụt nghiêm trọng những phẩm chất đạo đức cần thiết, kỹ năng sống cơ bản để làm người. Do vậy, để xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, cần phải chú trọng đến giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống lành mạnh cho học sinh.

Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, việc đổi mới, xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cần phải có sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những giá trị kiến thức và văn hóa, đạo đức tiến bộ của nhân loại đã đạt được để giáo dục cho học sinh. Trong đó, quan niệm “Lễ” của Khổng Tử vẫn có những giá trị tốt đẹp có thể được nhà trường áp dụng để hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh. Thực tế cho thấy, việc xây dựng trật tự kỷ cương trong nhà trường có vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng dạy và học, trật tự nề nếp học đường. Do đó, Ban giám hiệu các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định cần phải chú ý xây dựng nề nếp, trật tự kỷ cương không chỉ đối với học sinh mà còn ở cả giáo viên. Giáo viên phải là người mẫu mực trong lời nói và hành động, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc để cùng tiến bộ, có lối sống lành mạnh, không sa vào các tệ nạn xã hội, gia đình luôn hòa thuận. Đối với học sinh, nhà trường cần phải lấy phương châm ngăn ngừa và giáo dục là chính như: cho học sinh học nội quy nhà trường và viết bản cam kết không vi phạm nội quy nhà trường có chữ ký cam kết của cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh vào đầu năm học; giáo dục Luật an toàn giao thông và phòng chống tệ nạn xã hội. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ giáo viên, nhân viên, Đoàn thanh niên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm những học sinh vi phạm. Bên cạnh đó, để công tác giáo dục học sinh đạt kết quả tốt thì cần tăng cường vai trò của giám thị trong kiểm tra, giám sát việc học sinh thực hiện nội quy, quy chế của nhà trường.

Như vậy, xây dựng môi trường giáo dục toàn diện có vai trò quan trọng không những giúp học sinh có hiểu biết đầy đủ về kiến thức văn hóa mà còn hình

thành nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Để làm được điều này cần phải có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự kết hợp chặt chẽ về mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục giữa Sở giáo dục và đào tạo với Ban giám hiệu các trường THPT, đội ngũ giáo viên, nhân viên…trên địa bàn tỉnh Bình Định trong việc giảng dạy và giáo dục học sinh.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) quan niệm lễ của khổng tử với việc giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông tỉnh bình định hiện nay (Trang 89 - 92)