6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.4.3. Năng suất lao động bình quân
Năng suất lao động là chỉ tiêu đo lường số lượng sản phẩm hoặc giá trị sản phẩm mà một người lao động thực hiện trong một đơn vị thời gian (giờ, ngày, tháng, năm), nó thể hiện mức độ hiệu quả của việc sử dụng lao động.
Cách tính: Năng suất lao động bình quân = Tổng doanh thu / Số lao động bình quân năm
Năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng thể hiện tính chất và trình độ của một đơn vị. Việc tăng năng suất ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển doanh nghiệp. Năng suất tăng có thể do chất lượng của lao động tăng lên, giúp cho một giờ làm việc đem lại nhiều sản lượng hơn; thay đổi về thành phần hay chất lượng của vốn khiến cho sử dụng vốn có hiệu quả cao hơn; có thể do tiến bộ công nghệ xuất phát từ công tác nghiên cứu và phát triển,…
Để có thể tăng năng suất lao động, cần phải tác động vào 3 yếu tố cấu thành nên lao động:
- Chủ thể lao động: Một tổ chức muốn tốt thì trước hết, mỗi cá nhân phải tốt, muốn tăng năng suất lao động thì một cá nhân mỗi người lao động trước hết phải là một cá nhân tốt, một cá nhân có chất lượng.
- Công cụ lao động: Trình độ kỹ thuật của sản xuất được biểu hiện thông qua tính năng của công cụ sản xuất, trình độ sáng chế và sử dụng các đối tượng lao động, các quá trình công nghệ sản xuất. Không ai có thể phủ nhận máy móc hiện đại là yếu tố mạnh mẽ làm tăng năng suất lao động. Thật vậy sự phát triển của lực lượng sản xuất thường bắt đầu từ sự thay đổi của công cụ sản xuất, lấy máy móc thay thế cho lao động thủ công, lấy máy móc hiện đại thay thế cho máy cũ.
- Môi trường lao động: Quá trình lao động luôn diễn ra trong một môi trường nhất định, mỗi môi trường khác nhau lại có các nhân tố khác nhau tác động đến người lao động, mỗi nhân tố khác nhau lại có mức độ tác động khác nhau, tổng hợp các nhân tố ấy tạo nên điều kiện lao động. Các nhân tố tích cực tạo ra điều kiện thuận lợi còn nhân tố tiêu cực tạo ra điều kiện không thuận lợi cho con người trong quá trình lao động.