Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với nhiều điều kiện đặc thù về địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, do vậy Thừa Thiên Huế được quy hoạch phát triển kinh tế theo hướng CNH-HĐH. Trong đó lấy ngành
công nghiệp làm động lực, phát triển công nghiệp đa dạng về cơ cấu phù hợp với thế mạnh kinh tế của tỉnh. Trên cơ sở đó, Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển KT-XH và quy hoạch tổng thể đến năm 2020, tạo cơ sở cho việc quy hoạch chi tiết về lãnh thổ các KKT, KCN, khu đô thị và quy hoạch đất đai, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Đồng thời, Thừa Thiên Huế cũng đã đề ra là phải “Nâng cao năng lực điều hành và QLNN về hợp tác đầu tư”. Xác định đầu tư FDI đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những đột phá phát triển kinh tế, vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành xây dựng cơ sở dữ liệu, tập trung phân tích lợi thế so sánh, định hướng phát triển để xác định những ngành, những thị trường và đối tượng cụ thể cần tập trung kêu gọi đầu tư.
Năm 2017, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư. Theo đó, trong năm nay, tỉnh phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 300 - 400 triệu USD, tương đương từ 6.000 tỷ - 8.000 tỷ đồng, trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt ưu tiên các dự án vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như: du lịch - dịch vụ, công nghệ thông tin, y tế, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp nhẹ, phát triển đô thị và khu kinh tế.
Về đối tác đầu tư, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ các thị trường truyền thống như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Về định hướng phát triển các KKT, KCN, cụm công nghiệp: Thừa Thiên Huế đã có Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2853/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh). Theo đó, tỉnh sẽ có nhiều chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư để lấp đầy các dự án tại các KCN, KTT, cụm công nghiệp trên địa bàn. Cụ thể là:
- KKT: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho KKT Chân Mây - Lăng Cô, KKT cửa khẩu A Đớt để kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Trong đó:
+ KKT Chân Mây - Lăng Cô: đầu tư phát triển KCN và khu dịch vụ hậu cần cảng quy mô 540ha và khu công nghệ cao trong KKT Chân Mây - Lăng Cô
quy mô 400 ha; bố trí các nhà máy sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao, với mục tiêu thu hút các dự án công nghiệp trọng điểm, đầu tàu động lực phát triển công nghiệp của tỉnh. Sau năm 2020, KKT Chân Mây - Lăng Cô phấn đấu trở thành vùng công nghiệp lõi của tỉnh.
+ KKT cửa khẩu A Đớt: phát triển KCN Hương Lâm với quy mô 140ha, tập trung các ngành nghề chế biến nông lâm sản, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may - da giày và các loại hình công nghiệp khác; gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực và cửa ngõ giao thương quốc tế với Lào.
- KCN: Hình thành các KCN chức năng, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành nghề và sản phẩm chủ yếu vào các KCN theo đúng chức năng chính của các KCN như sau:
+ KCN Phú Bài giai đoạn 1, 2, 3 và 4: đầu tư các ngành Kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, cơ khí lắp ráp ô tô xe máy, nước giải khát; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may,...
+ KCN Tứ Hạ: ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện, điện tử, dệt may, da giày, cơ khí; không phát triển thêm ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không phù hợp với khu vực lân cận đô thị và có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
+ KCN Phong Điền: ưu tiên các ngành gắn với vùng nguyên liệu silicat; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm sản; công nghiệp dệt - nhuộm - may, công nghiệp may thời trang, công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may. Riêng Khu B và khu B mở rộng (147ha) giành riêng cho đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến cát thạch anh, silicat.
+ KCN La Sơn: các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản (ti tan, zircon,...), lâm sản (các sản phẩm chế biến từ gỗ), cơ khí chế tạo, điện tử,...
+ KCN Quảng Vinh: các ngành chế biến thủy sản, nông sản; công nghiệp dệt - nhuộm - may, công nghiệp dệt may; sản xuất nông ngư cụ.
+ KCN Phú Đa: chế biến thức ăn nuôi trồng thủy hải sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến thủy hải sản, nông sản; may mặc, công nghiệp điện tử, sản phẩm điện gia dụng và các ngành công nghiệp khác
- Cụm công nghiệp: phát triển cụm công nghiệp chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu di dời các cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu vực dân cư và các dự án đầu tư sản xuất các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và các dự án có quy mô nhỏ gắn với vùng nguyên liệu và nguồn lao động của địa phương.