Từ năm 2009 trở lại đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã giảm. Bên cạnh yếu tố khách quan là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài giảm quy mô đầu tư, thu hẹp thị trường thì nguyên nhân chủ quan vẫn xuất phát từ những bất cập của nội tại nền kinh tế. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn nội tại chưa được khắc phục như nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, cơ sở hạ tầng và dịch vụ yếu kém so với nhiều nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, còn có khoảng cách giữa chính sách cũng như việc thực thi và nhất là năng suất lao động còn thấp.
Việc xuất hiện những dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đã đã ảnh hưởng nhiều tới ĐTNN. Điển hình là sự cố ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Hưng nghiệp Formusa Hà Tĩnh năm 2016 gây ra. Sau sự cố này, tư duy về thu hút ĐTNN đã có sự thay đổi từ Trung ương tới địa phương. Nhiều địa phương cũng đã thận trọng hơn, có sự chọn lọc hơn trong chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chưa kể về mặt vĩ mô, việc thực hiện Luật Đầu tư (sửa đổi năm 2014) dần dần sẽ xóa bỏ sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong và
ngoài nước. Những ưu đãi cho các nhà ĐTNN sẽ có mức độ hơn, đặc biệt các dự án có trình độ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng chắc chắn sẽ không được khuyến khích và đương nhiên thu hút đầu tư FDI ở những dự án này sẽ giảm đi.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của công nghệ là vô cùng to lớn trong sự phát triển kinh tế cũng như thu hút nguồn vốn nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong công nghiệp hiện đại hóa. Vì lẽ đó, việc thu hút FDI còn gặp nhiều thách thức và khó khăn.