Nội dung quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa trên địa bàn phường cửa nam quận hoàn kiếm thành phố hà nội (Trang 31 - 37)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa

1.2.4. Nội dung quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa

Dịch vụ văn hóa là một lĩnh vực phức tạp, đa chiều, nhà nước phải có được một hình thức quản lý hiệu lực và hiệu quả nhất. Quản lý theo hình thức

pháp luật là một trong những hình thức cơ bản nhất trong quản lý dịch vụ văn hóa trên phương diện lý luận và thực tiễn.

Về cơ bản, QLNN về dịch vụ văn hóa là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của nhà nước bằng hệ thống pháp luật và bộ máy nhà nước nhằm phát triển dịch vụ văn hóa, điều chỉnh hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong dịch vụ văn hóa và liên quan.

Nội dung của quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa bao gồm:

1.2.4.1. Quy hoạch dịch vụ văn hóa

Công tác quy hoạch dịch vụ văn hóa trên phạm vi cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng địa bàn là yêu cầu cần thiết, thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với loại hình này.

Quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và cơ sở, trong đó chú trọng đến các yêu cầu giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống, nhu cầu phát triển du lịch, nhu cầu và điều kiện sinh hoạt văn hóa của nhân dân ở từng khu vực khác nhau, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn dân cư.

Quy hoạch dịch vụ văn hóa phải đi đôi với việc tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra dịch vụ văn hóa để đảm bảo cho văn hóa phát triển đúng định hướng của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Trên thực tế cho thấy bên cạnh những mặt tích cực, dịch vụ văn hóa về karaoke, vũ trường, trò chơi điện tử, băng, đĩa - hình, internet, Quảng cáo… trong thời gian qua có phát sinh những tiêu cực, nhất là đối với hoạt động karaoke và vũ trường, quảng cáo tấm lớn. Tuy nhiên, Chính phủ xác định karaoke và vũ trường là những hoạt động không khuyến khích kinh doanh. Do vậy, cần tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hơn so với các loại hình khác.

1.2.4.2. Chính sách, pháp luật đối với dịch vụ văn hóa

Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, thực hiện sự quản lý của mình đối với xã hội nói chung và trên lĩnh vực văn hóa nói riêng, chủ yếu bằng pháp

luật và theo pháp luật. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính chất bắt buộc chung, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và cộng đồng xã hội, do Nhà nước đặt ra, thực thi và bảo vệ, nhằm bảo toàn và phát triển xã hội theo các đặc trưng đã định.

Ở nước ta, toàn bộ hệ thống các cơ quan Nhà nước đều có chức năng quản lý Nhà nước. Hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý Nhà nước ở lĩnh vực dịch vụ văn hóa, không chỉ là những văn bản pháp luật do các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa ban hành, mà còn bao gồm những văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực và các cơ quan Nhà nước khác ban hành. Chính sách ở lĩnh vực dịch vụ văn hóa là một trong các công cụ chủ yếu mà Nhà nước sử dụng để quản lý, nó có chức năng chung là tạo ra những kích thích cần thiết để biến đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực, góp phần thống nhất tư tưởng và hành động của mọi người trong xã hội.

Các quyết định quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực dịch vụ văn hóa chủ yếu được thể hiện dưới hình thức văn bản. Trong hoạt động quản lý, văn bản vừa là sản phẩm, vừa là phương tiện. Vì vậy, không một cơ quan Nhà nước nào không dùng đến văn bản. Các văn bản quản lý Nhà nước với các chức năng thông tin, chức năng pháp lý, chức năng quản lý, chức năng thống kê, nhằm đảm bảo thông tin cho hoạt động quản lý và là phương tiện truyền đạt các quyết định quản lý đến các đối tượng quản lý. Mặt khác nội dung của văn bản còn là cơ sở để tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức và cá nhân.

1.2.4.3 Xây dựng bộ máy tổ chức quản lý dịch vụ văn hóa

Việc tổ chức dịch vụ văn hóa không có nghĩa là khoán trắng cho toàn xã hội, Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chỉ đạo, định hướng cho dịch vụ văn hóa phát triển. Dịch vụ văn hóa phát triển càng mạnh, thì cần phải tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước. Ở một số quốc gia (Nhật Bản, Thái Lan), người ta

đặt các hoạt động văn hóa theo khuôn khổ pháp lý, quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu các tài sản văn hóa trong việc giữ gìn bảo quản và phổ biến trong toàn xã hội cũng như việc phối hợp với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ để làm công tác này.

Với việc mở rộng các thành phần trong xã hội trực tiếp tham gia sáng tạo, cung cấp, phổ biến văn hóa, thì nhân dân là lực lượng đông đảo nhất, ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cá nhân có nhiệt tình đầu tư góp sức, góp công vào xây dựng và tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hóa. Chính sự đa dạng này đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội cùng tham gia và vì vậy cũng tạo nên sự đa dạng của các loại hình dịch vụ văn hóa, các thiết chế, các phương tiện và nội dung hoạt động.

Với yêu cầu đó, cần có sự góp sức chung của cả hệ thống chính trị để tham gia tổ chức và quản lý hoạt động dịch vụ văn hóa: cơ quan của Đảng và Nhà nước các cấp, cơ quan chủ quản ngành văn hóa các cấp, các chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cơ quan, đơn vị sản xuất, lực lượng vũ trang cùng toàn thể nhân dân. Trong đó, nội dung rất quan trọng là phải tổ chức cơ cấu bộ máy hợp lý của ngành văn hóa để đáp ứng yêu cầu và tính đặc thù của lĩnh vực này, kể cả phải tính đến yêu cầu về công tác cán bộ, nhân viên chuyên trách văn hóa ở cơ sở xã, phường, thị trấn, tổ chức lực lượng cộng tác viên, tự quản, tự nguyện tham gia quản lý dịch vụ văn hóa.

1.2.4.4. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và trang bị phương tiện phục vụ cho công tác quản lý dịch vụ văn hóa

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phải thay đổi các cách thức quản lý để có tác động thúc đẩy dịch vụ văn hóa phát triển năng động hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu đòi hỏi của xã hội.

Vấn đề quan trọng là nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Trước đây, khi còn trong thời kỳ bao cấp, người cán bộ làm công tác văn hóa thường giữ vai trò quyết định các hoạt động văn hóa ở cơ sở có hiệu quả hay không hiệu quả. Do được bao cấp gần như nhau, có nơi phong trào phát triển khá, có nơi phong trào chững lại, thậm chí yếu kém. Trong nền kinh tế thị trường, cùng với việc đổi mới, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách về văn hóa cho phù hợp, đồng thời lại đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ văn hóa giỏi, năng động, luôn bám sát thực tiễn cuộc sống để giải quyết những vấn đề đặt ra vì sự nghiệp phát triển văn hóa.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và trang bị phương tiện phục vụ cho công tác quản lý dịch vụ văn hóa là yêu cầu cần thiết. Muốn việc thành công hay thất bại, trước hết đều xuất phát từ năng lực nhận thức và hành động của người cán bộ quản lý. Nếu tốt, sẽ làm cho sự vật phát triển, và ngược lại sẽ ngăn cản, thậm chí làm thụt lùi sự vận động của toàn xã hội ở lĩnh vực văn hóa. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cần phải làm thường xuyên và liên tục, bởi vì xã hội luôn vận động và phát triển, hoạt động dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng hơn, phong phú hơn, cũng không kém phần tinh vi hơn để lẩn tránh những quy định của pháp luật. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác này cũng phải được quan tâm, trang bị đầy đủ và đồng bộ cho ngành, cho cơ sở để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đúng theo pháp luật hiện hành.

1.2.4.5. Tổ chức kiểm tra, giám sát dịch vụ văn hóa

Công tác kiểm tra, giám sát các loại hình hoạt động dịch vụ văn hóa trong đặc điểm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta là yêu cầu quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo thể hiện vai trò quản lý Nhà nước, đưa dịch vụ văn hóa theo đúng quy định, định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thực hiện yêu cầu này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2009/NĐ/CP ngày 6/11/2009 ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của chính phủ về việc biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu, nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của chính phủ sửa đổi 1 số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thể thao Du lịch và Quảng cáo; NĐ số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ vũ trường; Quyết định số 41/2016/QĐ- UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trên cơ sở này, Phòng VHTT quận Hoàn Kiếm sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động của đội kiểm tra liên ngành văn hóa trên địa bàn quận theo từng năm và trình lãnh đạo UBND quận phê duyệt và ban hành quyết định thành lập đội kiểm tra liên ngành trong đó Phòng VHTT là cơ quan thường trực, tham gia đội kiểm tra liên ngành có đội Quản lý thị trường, Công an Quận, Phòng Lao động Thương binh và xã hội, Phòng Kinh tế; Phòng Tài chính Kế hoạch; Phòng Y tế; Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận Hoàn Kiếm

UBND các phường trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm căn cứ kế hoạch của quận, xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập tổ kiểm tra liên ngành của phường và phối hợp với đội kiểm tra liên ngành của quận theo quy định.

Ngoài ra, các đội thanh tra, kiểm tra chuyên ngành do Công an quản lý như: Đội An ninh văn hóa, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Đội Quản lý hành chính, Đội Cảnh sát hình sự, đội cảnh sát Ma túy … cũng có chức năng kiểm tra về lĩnh vực dịch vụ văn hóa.

Đối với cấp thành phố, cũng hình thành lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành như: Thanh tra ngành văn hóa thông tin, Công an, Đội Quản lý trật tự xã hội, Phòng chống tệ nạn xã hội và mại dâm ma túy, hình sự, LĐTB&XH … do Công an thành phố quản lý, có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp và hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra cho các cơ sở khi có yêu cầu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa trên địa bàn phường cửa nam quận hoàn kiếm thành phố hà nội (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)