Kinh nghiệm trong chỉ đạo XDNT Mở tỉnh Bình Định

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh phú yên hiện nay (Trang 42 - 45)

7. Kết cấu của luận văn

1.4.1.2. Kinh nghiệm trong chỉ đạo XDNT Mở tỉnh Bình Định

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 134 km; là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng nam Lào, đông bắc Campuchia và Thái Lan. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 01 thành phố và 01 thị xã), 159 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 121 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới), tỷ lệ dân cư nông thôn là 68,97% nhưng tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ chiếm 22,47% đây được xem là một lợi thế để xây dựng nông thôn mới. [38]

Toàn tỉnh có 02 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018 là huyện Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn; Hiện nay, có 77/121 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,6% (vượt 16 xã so với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Định đến năm 2020 có 61 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới); Số tiêu chí bình quân/xã: 16,8 (nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Định đến năm 2020 đạt 16,7 tiêu chí/xã). Có 30 sản phẩm được công nhận theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Kết quả thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến nay như sau: Số xã đạt 19 tiêu chí là 77 xã (chiếm 63,6%), Số xã đạt 15-18 tiêu chí: 02 xã (chiếm 1,7%); Số xã đạt từ 10-14 tiêu chí: 29 xã (chiếm 24,0%); Số xã đạt từ 5-9 tiêu chí:13 xã (chiếm 10,7%). Không còn xã đạt dưới 05 tiêu chí.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình XDNTM tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

- Về giao thông: Thực hiện Chương trình Bê tông giao thông nông thôn, từ năm 2011-2019 toàn tỉnh đã bê tông được 3.593 km đường giao thông nông thôn các loại. Kết quả đến nay 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, với tổng chiều dài 1.505 km; đường trục thôn, xóm bê tông đạt 96,3%, với tổng chiều dài 2.208 km; đường ngõ, xóm bê tông và cứng hóa không lầy lội đạt 93,9%, với tổng chiều dài 2.320 km; đường nội đồng được bê tông và cứng hóa đạt 65,2%, với tổng chiều dài 1.050 km. Có 71,9% số xã đạt tiêu chí số 2.

- Về thủy lợi: Thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương, từ năm 2011-2019 toàn tỉnh đã kiên cố hóa 1.181 km kênh mương các loại, nâng tổng số chiều dài kênh mương được kiên cố hóa là 2.028 km, chiếm 74,6%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động toàn tỉnh đạt 83,4%. Có 81,0% số xã đạt tiêu chí số 3.

- Về điện nông thôn: Từ năm 2010 đến nay, hệ thống lưới điện nông thôn của tỉnh đã được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hành Tái thiết Đức (KFW), Ngân hàng Phát triển Châu Á ( DB), vốn khấu hao của ngành điện, vốn đối ứng của địa phương,…Kết quả đến nay, hệ thống lưới điện trung ấp, hạ áp đã được đầu tư xây dựng đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định cho người dân khu vực nông thôn. Có 97,5% số xã đạt tiêu chí điện. - Về trường học các cấp: Đến năm 2019, toàn tỉnh có 393/653 trường học đạt chuẩn Quốc gia, cụ thể: Bậc Mầm non: 61/216 trường (chiếm tỷ lệ 28,24%), bậc Tiểu học: 187/233 trường (chiếm tỷ lệ 80,26%), bậc THCS: 125/149 trường (chiếm tỷ lệ 83,89%), bậc THPT: 20/54 trường (chiếm tỷ lệ 37,04%). Có 67,8% số xã đạt tiêu chí số 5.

- Về cơ sở vật chất văn hóa: Trung tâm văn hóa - thể thao xã: đến nay, toàn tỉnh có 95/159 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 59,7%; 114 khu sinh hoạt văn hóa-thể thao cấp xã; 140 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng lồng ghép một số hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Nhà văn hóa - khu thể thao thôn: có 840 nhà văn hóa thôn, khu phố, 82 nhà rông làng Bana và làng Chăm, 49 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng H’rê, chiếm tỷ lệ 86,54% (971/1.122 số thôn, khu phố, làng toàn tỉnh); 799 trụ sở thôn có khả năng đảm trách các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Có 64,0% số xã đạt tiêu chí số 6.

- Về trạm y tế xã: Thực hiện Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020; đến nay toàn tỉnh có 156 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (chiếm 98,1%), trong đó: có 88,4% số xã đạt tiêu chí số 15 - Y tế theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua của tỉnh Bình Định:

Một là, Phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể các cấp; đặc biệt là vai trò của Trưởng ban quản lý XDNTM xã phải thật sự tâm huyết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, quyết liệt để huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn cùng tham gia, vận dụng sáng tạo các Nghị quyết, văn bản hướng dẫn của cấp trên để có cách làm phù hợp, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho địa phương.

Hai là, Cần phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đối với các công trình, dự án đầu tư XDNTM trên địa bàn, trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”; có như vậy mới phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong XDNTM, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp từ nhân dân.

Ba là, Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về XDNTM; từ đó tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị về thực hiện Chương trình. Tăng cường củng cố, đào tạo

nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM các cấp, nhất là cán bộ phụ trách nông thôn mới cấp xã.

Bốn là, Cần chú trọng huy động, lồng ghép mọi nguồn lực tập trung cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tạo môi trường thuận lợi và cơ chế ưu đãi để thu hút được nhiều doanh nghiệp về nông thôn, doanh nghiệp nông nghiệp giúp nông dân đầu vào và đầu ra cho sản phẩm hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Năm là, Chương trình xây dựng nông thôn mới là Chương trình mang tính chất tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, gắn với an ninh quốc phòng. Do vậy, cần tránh tâm lý nóng vội chủ quan, chạy theo thành tích, đặc biệt ở các xã khó khăn, có điểm xuất phát thấp.

Sáu là, Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời các địa phương làm tốt, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho Chương trình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh phú yên hiện nay (Trang 42 - 45)