dựng Đảng tỉnh
Luân chuyển cán bộ là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; nhất là tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ. Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh, toàn diện và vững vàng, đáp ứng yêu cầu đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành vừa có kiến thức, vừa có kinh nghiệm thực tiễn; từng bước điều chỉnh, bố trí lại cán bộ cho phù hợp, tăng cường cán bộ cho những nơi có yêu cầu cấp bách, nhất là cơ sở và các cơ quan, đơn vị, địa bàn trọng điểm, khó khăn.
Tuy nhiên, cũng trong quá trình này cho thấy việc thực hiện luân chuyển cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do chúng ta chưa nhận thức đúng đắn về luân chuyển cán bộ. Có nơi do lợi ích cục bộ, tâm lý khép kín đã không nhiệt tình tạo những điều kiện tốt nhất để ủng hộ, giúp đỡ cán bộ được luân chuyển tới cơ quan, đơn vị mình. Thực tế không phải không có trường hợp, cán bộ lãnh đạo vì không ưa cán bộ nào đó mà tìm cách “đẩy” họ đi luân chuyển. Mặt khác, người được luân chuyển trong một số trường hợp chỉ tính tới phương án “an toàn” hơn là tạo ra những bước “đột phá” trong thực thi nhiệm vụ mới, mà chỉ chờ được đề bạt, bổ nhiệm ở vị trí lãnh đạo cao hơn khi hết thời gian luân chuyển. Những lệch lạc đó của một số cơ quan đưa và nhận
cán bộ luân chuyển và cả của cán bộ được luân chuyển, sẽ làm cho công tác luân chuyển không còn ý nghĩa.
Để thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ phải lựa chọn đúng cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc, đồng thời có chế độ, chính sách hợp lý. Luân chuyển cán bộ phải có sự đồng thuận và nhất trí cao giữa nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nghiêm khắc xử lý những tiêu cực trong luân chuyển, không để xảy ra tình trạng cô lập cán bộ luân chuyển. Chống tư tưởng cục bộ, khép kín trong mỗi địa phương, đơn vị; đồng thời chống tư tưởng lợi dụng luân chuyển để trù dập cán bộ. Để tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ, trong thời gian đầu cần thành lập tổ công tác của cấp ủy để theo dõi, giúp đỡ cán bộ luân chuyển tiếp cận nhanh với công việc mới. Quan tâm động viên và có chính sách hợp lý đối với cán bộ luân chuyển nói chung và cán bộ nữ, dân tộc nói riêng. Thực hiện tốt việc đánh giá sau luân chuyển để bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng cán bộ đúng với mục đích luân chuyển.