Công tác chỉ đạo, hướng dẫn ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật: Trên cơ sở kế hoạch triển
khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật các năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017 của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch số: 34/KH-UBND ngày 12/3/2013, 67/KH-UBND ngày 07/6/2014 và 59/KH-UBND ngày 18/5/2015, 87/KH-UBND ngày 06/6/2016, 89/KH-UBND ngày 21/4/2017, 30/KH-UBND ngày 22/02/2018 về việc triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Kết quả thực hiện TGPL cho người khuyết tật:
Số vụ việc TGPL: Sau 05 năm triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, Trung tâm TGPL tỉnh đã thực hiện TGPL 149 vụ việc, trong đó: Dân sự: 24; Hôn nhân gia đình: 21; Đất đai, nhà ở: 33; Lao động việc làm: 20; Chế độ chính sách: 47; Hành chính: 02; Các lĩnh vực khác: 02.
Công tác TGPL lưu động: Trung tâm TGPL tỉnh phối hợp với Hội Người khuyết tật tỉnh và Hội người khuyết tật các huyện xây dựng kế hoạch và thực hiện khảo sát nhu cầu TGPL tại các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc và Thị xã Hương Thủy. Trong 05 năm (2013 - 2017), Trung tâm đã xây dựng và thực hiện 06 Kế hoạch TGPL lưu động, kết quả đã tổ chức TGPL lưu động cho 16 xã thuộc các huyện Phong Điền và Phú Lộc. Thông qua các đợt TGPL, Trung tâm TGPL đã lồng ghép phổ biến cho Hội người khuyết tật các văn bản liên quan đến người khuyết tật như Luật người khuyết tật, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP và tư vấn về các vấn đề hội viên Hội người khuyết tật quan tâm như: quyền được chăm sóc sức khỏe (khám chữa bệnh, phục hồi chức năng), trợ cấp xã hội, học nghề và việc làm.
Tuy nhiên, nhiều người khuyết tật chưa biết đến quyền được TGPL hoặc biết nhưng không có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ này do điều kiện khách quan, họ chỉ sinh hoạt ở môi trường hạn hẹp, giao tiếp ở mức tối thiểu với
người xung quanh nên khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về dịch vụ TGPL. Đa phần người khuyết tật đều có thái độ mặc cảm, thiếu tự tin trước đám đông, không thể tự mình chủ động tiếp cận với tổ chức thực hiện TGPL khi có nhu cầu hoặc khi đã tiếp cận thì không thể tự trình bày mà cần phải có người khác giúp đỡ. Do vậy, phần nào ảnh hưởng đến việc nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của người yêu cầu TGPL. Người thực hiện TGPL chưa được tập huấn các kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu trong việc thực hiện TGPL cho người khuyết tật. Do ngân sách địa phương hạn hẹp, chưa bố trí kinh phí riêng nên hoạt động TGPL cho người khuyết tật chưa mang tính chuyên sâu. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác TGPL cho người khuyết tật [47].