1.2.1. Khái niệm, mục tiêu và nguyên tắc thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho người khuyết tật
1.2.1.1. Khái niệm
Thực hiện chính sách công là toàn bộ quá trình chuyển hóa ý chí của chủ thể chính sách thành hiện thực, là bước đặc biệt quan trọng trong chu trình chính sách: hiện thực hóa chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống. Tổ chức thực thi chính sách là trung tâm kết nối các khâu (các bước) trong chu trình chính sách thành một hệ thống. Hoạch định được chính sách đúng, có chất lượng là rất quan trọng, nhưng thực hiện đúng chính sách còn quan trọng hơn. Có chính sách đúng nếu không được thực hiện sẽ trở thành khẩu hiệu suông, không những không có ý nghĩa, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của chủ thể hoạch định và ban hành chính sách (uy tín của nhà nước). Nếu chính sách không được thực hiện đúng sẽ dẫn đến sự thiếu tin tưởng và sự phản ứng của nhân dân đối với nhà nước. Kết quả thực hiện chính sách phụ thuộc nhiều vào năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) trong thực hiện chính sách. Việc đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống là một quá trình phức tạp đầy biến động, chịu sự tác động của nhiều yếu tố giúp các nhà hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách có kinh nghiệm để đề ra các giải pháp hữu hiệu trong thực hiện chính sách. Tác giả đồng quan điểm với các tác giả Lê Như Thanh và Lê Văn Hòa, cho
rằng: “Thực hiện chính sách công là quá trình đưa chính sách công vào thực tiễn đời sống xã hội thông qua việc ban hành các văn bản, chương trình, dự án thực thi chính sách công và tổ chức thực hiện chúng nhằm hiện thực hóa mục tiêu chính sách công” [35, 97].
Trên cơ sở khái niệm chính sách công, chính sách giải quyết việc làm, thực hiện chính sách công, tác giả hiểu được: “Thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho NKT là quá trình đưa chính sách giải quyết việc làm cho NKT vào thực tiễn đời sống xã hội thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức thực hiện các văn bản đó nhằm đạt mục tiêu của Chính sách này”.
Để thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho NKT, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến NKT nhằm giúp NKT hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, mục tiêu của chính sách này chỉ đạt được khi nó được triển khai thực hiện trong đời sống xã hội. Như vậy, có thể hiểu việc tổ chức thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho NKT là toàn bộ quá trình hoạt động của các chủ thể theo các cách thức khác nhau nhằm thực hiện nội dung của chính sách một cách hiệu quả. Tổ chức thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho NKT là một khâu hợp thành chu trình chính sách, nếu thiếu vắng giai đoạn này thi chu trình chính sách không thể tồn tại. Đây là khâu trung tâm kết nối các bước trong chu trình chính sách thành một hệ thống.
1.2.1.2. Mục tiêu
Chính sách giải quyết việc làm cho NKT được triển khai thực hiện có hiệu quả trong đời sống xã hội sẽ đạt được các mục tiêu:
- Việc làm giúp người khuyết tật có thu nhập, ổn định cuộc sống
Việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động bởi nó giúp họ có được thu nhập, ổn định đời sống. Đối với NKT, việc làm càng có ý nghĩa hơn. Từ xưa đến nay, theo quan niệm truyền thống và đạo đức, người ta thường
nhìn nhận NKT như là một đối tượng yếu thế cần phải có sự trợ giúp. Xã hội, cộng đồng cũng như gia đình cần phải trợ giúp và chăm lo cho họ. NKT sống chủ yếu dựa vào gia đình, xã hội và cộng đồng nên đời sống vật chất tinh thần của họ còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, NKT đôi khi bị tâm lý chán nản vì cho rằng mình là người “ăn bám” gia đình và xã hội. Do đó, nếu NKT có việc làm, đời sống vật chất cũng như tinh thần của NKT sẽ được nâng cao. Họ sẽ có thu nhập để nuôi sống chính bản thân mình, không cần phải sống dựa vào sự giúp đỡ của người khác, thâm chí họ có thể hỗ trợ gia đình và đóng góp cho xã hội theo nhiều hình thức khác nhau. Quan niệm, cũng như cách nhìn nhận về NKT vì vậy sẽ có sự thay đổi. Từ quan điểm nhìn nhận NKT dưới góc độ đạo đức, đó là đối tượng cần trợ giúp sẽ chuyển sang góc độ tiếp cận quyền của NKT, đó là quyền được làm việc, được cống hiến sức lao động của mình để tạo ra thu nhập cho mình và xã hội
- Việc làm giúp NKT hòa nhập cộng đồng và tự tin hơn trong cuộc sống Việc làm không chỉ giúp NKT có thu nhập ổn định đời sống mà quan trọng hơn là nó giúp NKT có thể hòa nhập vào cộng đồng và tự tin hơn trong cuộc sống. Nhiều người mặc dù bị khuyết tật nhưng vẫn ý thức được vai trò và vị trí của họ trong xã hội, tự mình vươn lên trong cuộc sống học tập và lao động như những người bình thường, nhưng cũng có một bộ phận NKT luôn luôn trong trạng thái tự ti, mặc cảm với số phận kém may mắn và phó mặc số phận cho trời quyết định và chỉ biết sống dựa vào gia đình và sự trợ giúp của Nhà nước, do vậy, họ ngại hòa nhập vào cộng đồng. Đây chính là những rào cản khiến họ trở nên không tự tin trong cuộc sống, thu hẹp mình lại, ngại giao tiếp. Việc làm sẽ là điều kiện và cơ hội tốt nhất để NKT trở nên tự tin trong cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng. Môi trường lao động là môi trường có sự tham gia của nhiều người, hoạt động lao động bao giờ cũng là hoạt động mang tính tập thể. Bởi vậy, khi NKT có việc làm, họ sẽ được tiếp xúc với nhiều người và làm việc
trong môi trường tập thể. Điều đó sẽ nhanh chóng giúp họ tái hòa nhập vào cộng đồng. Mặt khác, việc làm tạo ra thu nhập cho NKT nên họ sẽ cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống khi thấy mình cũng làm việc và cũng có ích như những người khác. Đồng thời, nó cũng xây dựng nên lòng tự tin và tạo ra các kênh tương tác xã hội, từ đó mang lại lòng tự hào và nhân phẩm cho NKT.
- Giải quyết việc làm cho NKT với phát triển nguồn nhân lực xã hội Người khuyết tật là một bộ phận cấu thành của xã hội không thể tách rời, họ cũng có trách nhiệm trong việc tham gia vào các hoạt động của cộng đồng và đóng góp công sức của mình vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và cũng có quyền được hưởng đầy đủ những thành quả phát triển của nhân loại. NKT là những người bị suy giảm về thể chất, trí tuệ, tâm thần hoặc giác quan được biểu hiện dưới dạng khuyết tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn và cản trở sự tham gia bình đẳng vào hoạt động xã hội. Nhưng nếu họ được tạo điều kiện cần thiết và tự mình vươn lên thì NKT có thể sống, hoạt động và đóng góp cho xã hội theo sức khỏe và năng lực như những người không khuyết tật. Vì vậy, NKT cũng sẽ là lực lượng lao động của xã hội, là nguồn nhân lực của xã hội. Giải quyết việc làm cho NKT cũng sẽ góp phần giải phóng và phát huy nguồn nhân lực cho xã hội. NKT sẽ cùng với những người không khuyết tật khác phát huy hết khả năng và nguồn lực của mình cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực tế cho thấy, NKT cũng đã có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của đất nước.
1.2.1.3. Nguyên tắc thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho người khuyết tật
- Người khuyết tật được pháp luật bảo đảm thực hiện các quyền như: Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ
giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; Các quyền khác theo quy định của pháp luật. Do đó, nguyên tắc thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho NKT cũng được thực hiện dựa trên quyền của NKT.
- Nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với NKT trong lĩnh vực việc làm Người khuyết tật cũng là con người nên họ cũng có quyền được đối xử bình đẳng và công bằng như những người khác ở mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực việc làm. NKT là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hay chức năng nên có được việc làm đối với họ là vấn đề rất khó khăn. Người sử dụng lao động thường không muốn nhận người lao động là NKT, bởi họ cho rằng năng suất lao động của NKT không cao, thấp hơn so với người không khuyết tật. Hơn nữa, trong một số trường hợp, người sử dụng lao động còn phải đầu tư cơ sở vật chất cũng như điều kiện lao động cho NKT hơn những người lao động không khuyết tật. Dó đó, việc phân biệt đối xử đối với NKT trong lĩnh vực việc làm là vấn đề khó tránh khỏi trong thực tiễn sử dụng lao động. Nguyên tắc này cũng đã được tổ chức lao động quốc tế ILO quy định trong Công ước số 111- Công ước về phân biệt đối xử trong việc làm nghề nghiệp
Phân biệt đối xử bao gồm: phân biệt đối xử trực tiếp và phân biệt đối xử gián tiếp. Phân biệt đối xử trực tiếp là khi có sự phân biệt đối xử không công bằng giữa những người lao động khuyết tật và những người lao động không khuyết tật được quy định trong luật pháp hoặc các thông lệ thực tiễn gây nên sự khác biệt rõ ràng giữa những người lao động này. Phân biệt đối xử gián tiếp là những quy định hoặc thông lệ thực tiễn có vẻ trung lập nhưng thực tế lại dẫn đến việc triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc đối xử giữa những người lao động khuyết tật và không khuyết tật. Tuy nhiên, những cách thức đặc biệt nhằm tạo cơ hội bình đẳng và đối xử bình đẳng giữa những người
lao động khuyết tật với những lao động khác tại nơi làm việc sẽ không bị coi là phân biệt đối xử.
Nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với NKT trong lĩnh vực việc làm thể hiện ở việc NKT và người không khuyết tật đều được đối xử bình đẳng về việc làm, cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như quá trình duy trì và đảm bảo việc làm đó. Điều đó có nghĩa, không có sự phân biệt đối xử đối với NKT từ việc tiếp nhận làm việc (tuyển dụng lao động) đến quá trình sử dụng lao động và bảo đảm việc làm.
NKT gặp phải những dạng tật khác nhau và mức độ khuyết tật không giống nhau cần phải được sự đảm bảo khác nhau. Tương tự, việc ngăn cấm phân biệt đối xử không có nghĩa là quy cho mọi hình thức phân biệt là trái pháp luật. Do đó, dẫn đến khả năng loại trừ một số NKT khỏi danh sách người tham gia làm việc, nhưng những trường hợp như vậy không được coi là phân biệt đối xử. Những yêu cầu trong trường hợp này là hợp pháp và đúng mức.
- Nguyên tắc hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý đối với NKT trong lĩnh vực việc làm Người khuyết tật là một trong những đối tượng lao động đặc thù. Do đặc điểm về thể chất nên tìm kiếm việc làm, duy trì việc làm cũng như đảm bảo việc làm đối với họ thường khó khăn hơn so với những lao động khác. Hơn nữa trong quá trình thực hiện công việc, họ cần có những điều kiện sử dụng lao động riêng cho phù hợp với sức khỏe. Tuy nhiên, NKT có quyền được hưởng việc làm bền vững và cũng có thể làm việc năng suất như những người khác khi có điều kiện lao động phù hợp. Chính vì vậy cần phải có sự hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý cho NKT để họ có thể tìm kiếm việc làm và có được việc làm bền vững, tức là thực hiện được quyền việc làm của mình. Những hỗ trợ đặc biệt nhằm tạo cơ hội bình đẳng và đối xử bình đẳng giữa lao động khuyết tật với những lao động khác tại nơi làm việc sẽ không bị coi là phân biệt đối xử. Và đó cũng không phải là sự ưu tiên hay ưu đãi mà chỉ là tạo điều kiện để NKT
được bình đẳng ngang bằng với những lao động khác, giúp họ tái hòa nhập vào cộng đồng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với nữ lao động khuyết tật, những người thường phải đối mặt với những bất lợi, khó khăn lớn hơn so với người khác vì còn bị phân biệt đối xử thêm về giới.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ, điều chỉnh này không có nghĩa tạo ra gánh nặng cho các đơn vị sử dụng lao động có sử dụng lao động là NKT. Nhà nước với tư cách, vai trò là chủ thể quyền lực phải chịu trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ, điều chỉnh này. Bản thân NKT cũng phải có những cố gắng nhất định và người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm hỗ trợ một phần.
1.2.2. Những yêu cầu cơ bản trong tổ chức thực hiện chính sách giải quyết việc làm cho người khuyết tật