Cơ cấu tổ chức và bộ máy quản trị rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thừa thiên huế (Trang 65 - 67)

Hiện tại HUEDCGF vẫn chưa có bộ phận quản trị RRTD độc lập mà Hội đồng quản lý, Ban Lãnh đạo và mỗi phòng nghiệp vụ thực hiện mỗi chức năng khác nhau với mục tiêu giảm đến mức thấp nhất các rủi ro cho HUEDCGF.

2.3.1.1. Trách nhiệm của Hội đồng quản lý, Ban Lãnh đạo HUEDCGF

- Xây dựng Quy trình nghiệp vụ, Quy chế làm việc của đơn vị và các phòng thuộc HUEDCGF để phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng bộ phận, cán bộ trong quá trình tác nghiệp; đảm bảo chặt chẽ, khép kín khi thực hiện công tác cho vay dự án đầu tư và các cam kết ngoại bảng nhằm hạn chế rủi ro phát sinh.

- Thường xuyên duy trì công tác kiểm soát nội bộ; quy định và bố trí công việc có sự giám sát kiểm soát đan xen lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữa các phòng chuyên môn, trong công tác luân chuyển hồ sơ, chứng từ nhằm kịp thời phát hiện sai sót trong quá trình cho vay để có biện pháp khắc phục, xử lý.

- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định, tín dụng. Nâng cao trình độ quản lý, năng lực giám sát rủi ro và ý thức trách nhiệm cá nhân trong công tác thẩm định, cho vay dự án.

2.3.1.2. Trách nhiệm của Phòng Kế hoạch Thẩm định

- Quản lý rủi ro trong công tác tiếp nhận và quản lý hồ sơ vay:

Xây dựng, ban hành danh mục hồ sơ theo đúng Quy chế cho vay và quy trình tiếp nhận, xử lý, quản lý và lưu trữ hồ sơ phù hợp với nhiệm vụ cho vay trong từng thời kỳ. Việc giải quyết hồ sơ các cá nhân, đơn vị phải được theo dõi, xử lý trong thời hạn đã được quy định.

- Quản lý rủi ro trong công tác thẩm định:

+ Thẩm định và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý về kết quả thẩm định nhằm thực hiện tốt công tác quản lý RRTD trong giai đoạn trước khi cho vay.

+ Trong quá trình thẩm định, các nội dung năng lực chủ đầu tư, dự án, tài sản bảo đảm tiền vay phải được kiểm tra, phân tích cẩn trọng; đảm bảo trung thực, khách quan. Nếu phát hiện rủi ro tiềm ẩn phải báo cáo kịp thời đến các cấp lãnh đạo có thẩm quyền xem xét chỉ đạo.

+ Khi thực hiện nhiệm vụ thẩm định phải tuân thủ chặt chẽ các quy chế: Quy chế cho vay; Quy chế quản lý tài sản bảo đảm tiền vay và các quy chế, quy trình nghiệp vụ khác và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thẩm định của HUEDCGF.

- Quản lý rủi ro trong công tác bảo đảm tiền vay: Tổ chức thực hiện khâu thẩm định giá tài sản.

2.3.1.3. Trách nhiệm của Phòng Nghiệp vụ

- Quản lý rủi ro trong công tác cho vay dự án đầu tư:

+ Tổ chức giám sát, kiểm tra chặt chẽ quy trình giải ngân; kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân; không để KH sử dụng sai mục đích các khoản tiền vay.

+ Định kỳ kiểm tra tiến độ, khối lượng xây dựng dự án trên cơ sở thiết kế, dự toán đã phê duyệt; kiểm tra năng lực quản lý, thực hiện dự án, năng lực tài chính của chủ đầu tư (đối với phần vốn đối ứng). Tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi khi triển khai thực hiện dự án để có biện pháp phối hợp tháo gỡ kịp thời.

+ Trường hợp phát hiện KH có biểu hiện sai trái trong quá trình thực hiện dự án, sử dụng vốn vay không đúng cam kết thì phải báo cáo ngay cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

+ Thực hiện đầy đủ chặt chẽ trình tự các bước, hồ sơ, thủ tục trong quá trình giải ngân và theo dõi quản lý thu hồi vốn vay cho đến khi hợp đồng tín dụng được thanh lý. Nội dung thực hiện phải đảm bảo đúng quy trình tác nghiệp của HUEDCGF.

- Quản lý rủi ro trong công tác bảo đảm tiền vay:

+ Tổ chức thực hiện tốt các hình thức bảo đảm nợ vay trong các khâu: Quản lý theo dõi tài sản, hồ sơ pháp lý của tài sản, thủ tục xử lý tài sản trong các trường hợp cần thiết.

+ Định kỳ kiểm tra hiện trạng tài sản bảo đảm, việc khai thác sử dụng tài sản bảo đảm, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền và đề xuất xử lý khi phát hiện tài sản bảo đảm bị sử dụng sai mục đích, bị sụt giảm giá trị hay vì những lý do khác làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm nợ vay.

+ Thực hiện đúng hồ sơ, thủ tục, các bước công việc về giao nhận tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm và các quy định khác theo đúng Quy chế bảo đảm tiền vay.

- Quản lý rủi ro trong giai đoạn khai thác dự án và thu hồi nợ:

+ Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình hoạt động của dự án, yêu cầu báo cáo định kỳ và tiến hành kiểm tra kết quả hoạt động tài chính, kinh doanh của dự án theo quy định tại Quy chế cho vay và hợp đồng tín dụng đã ký. Qua đó, có biện pháp quản lý nguồn thu sao cho đảm bảo việc thu hồi nợ vay về HUEDCGF.

+ Kịp thời cập nhật những quy định mới, những thay đổi về cơ chế chính sách, pháp luật có liên quan, ảnh hưởng đến dự án đầu tư mà HUEDCGF cho vay. Tư vấn cho KH điều chỉnh, định hướng hoạt động kịp thời, phù hợp với môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý, tránh hoặc giảm thiểu tối đa thiệt hại đến hiệu quả kinh doanh dự án.

+ Xem xét báo cáo tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh từ dự án, thường xuyên có ý kiến góp ý, tư vấn, hỗ trợ cho chủ đầu tư về quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính, trong chính sách bán trả chậm,..., góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính của đơn vị, nhằm để HUEDCGF đạt được mục tiêu, hiệu quả trong công tác cho vay đầu tư.

- Lập dự phòng rủi ro:

Thực hiện nhiệm vụ phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thừa thiên huế (Trang 65 - 67)