Những hạn chế cần khắc phục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thừa thiên huế (Trang 88 - 90)

2.4.2.1. Mô hình quản trị rủi ro tín dụng chưa hoàn thiện

Cơ cấu tổ chức của HUEDCGF đang xây dựng hiện tại có một số đặc điểm của mô hình quản trị rủi ro tín dụng tập trung, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thiện. Tuy đã có Phòng Kế hoạch Thẩm định (thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định,...) và Phòng Nghiệp vụ (thực hiện công tác giải ngân, thu hồi nợ, kiểm soát vốn vay,...) nhưng HUEDCGF lại chưa thành lập bộ phận quản trị rủi ro độc lập, không tham gia vào quá trình tạo ra rủi ro để thực hiện công tác quản trị rủi ro. Do đó, công tác quản trị RRTD của HUEDCGF vẫn tiềm ẩn sự kém khách quan.

2.4.2.2. Nguồn thông tin để phân tích và thẩm định tín dụng còn hạn chế

Thực tế, việc thu thập, khai thác và sử dụng thông tin tại HUEDCGF còn hạn chế. HUEDCGF chủ yếu sử dụng nguồn thông tin thu thập từ doanh nghiệp như: Hồ sơ vay vốn, báo cáo tài chính, phỏng vấn trực tiếp. Đối với thông tin từ bên ngoài thì chủ yếu là thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) của Ngân hàng nhà nước. Việc thu thập thông tin về doanh nghiệp thông qua các kênh khác như: Từ các nhà cung cấp của doanh nghiệp, từ các KH của doanh nghiệp, từ cơ

quan thuế, từ thông tin đại chúng, từ các ngân hàng khác còn rất hạn chế nên vẫn chưa có sự xác minh các thông tin bằng việc so sánh, đối chiếu các nguồn thông tin khác nhau.

Bên cạnh đó, chất lượng thông tin thu thập được chưa thực sự đáng tin cậy. Nguồn thông tin từ CIC còn mang tính thời điểm, chưa hoàn toàn cập nhật về doanh nghiệp. Trong khi nguồn thông tin của HUEDCGF về doanh nghiệp lại không thật sự đầy đủ và tin cậy. Hiện tượng các báo cáo tài chính phản ánh không trung thực, thực hiện chế độ hạch toán kế toán không đúng quy định, một doanh nghiệp có nhiều báo cáo khác nhau về tình hình hoạt động cho các bên liên quan sử dụng thông tin (cơ quan thuế, TCTD, hải quan). Chất lượng thông tin không chính xác đã gây khó khăn cho Chuyên viên trong việc đánh giá đúng khả năng trả nợ của KH và tiềm ẩn RRTD.

2.4.2.3. Quy trình quản trị rủi ro tín dụng tuy được xây dựng khá đầy đủ nhưng việc tuân thủ quy trình còn hạn chế

Mặc dù đã có một quy trình quản trị rủi ro tín dụng khá hoàn chỉnh tuy nhiên HUEDCGF vẫn tồn tại và lặp lại tình trạng một số cán bộ, người lao động chưa tuân thủ đầy đủ, chính xác theo đúng quy định.

2.4.2.4. Các quy định về hoạt động tín dụng và quản trị RRTD chưa hoàn thiện, chưa phù hợp với tình hình thực tế

- Chưa có quy định cụ thể về thiết lập hạn mức tín dụng theo danh mục cho vay: Một trong những nguyên tắc để hạn chế rủi ro là cần phải phân tán nguồn vốn theo hướng không tập trung cho vay một hoặc một nhóm KH có liên quan. Tuy nhiên, HUEDCGF chưa có chính sách quy định giới hạn tín dụng nhằm tránh tập trung vốn quá nhiều cho một số ít KH/nhóm KH/các đối tượng được ưu đãi. Cơ cấu cho vay theo ngành kinh tế của HUEDCGF còn quá tập trung trong việc cho vay đối với các dự án thuộc lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp (chiếm đến 58,34% vào năm 2018 trong cơ cấu cho vay của HUEDCGF).

- Chính sách về tài sản bảo đảm của HUEDCGF chưa hợp lý. Hiện nay, chính sách về đảm bảo tiền vay tại các ngân hàng thương mại được xây dựng trên

nguyên tắc mức độ rủi ro hay tính thanh khoản của từng loại tài sản. Việc HUEDCGF áp dụng chính sách về đảm bảo tiền vay gắn với kết quả xếp loại KH theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tạo ra tâm lý không yêu cầu thực hiện biện pháp đảm bảo chặt chẽ đối với các KH xếp hạng tốt. Điều này có thể tiềm ẩn nhiều RRTD cho HUEDCGF.

2.4.2.5. Cơ sở vật chất hỗ trợ công tác quản trị RRTD chưa được đầu tư đúng mức

HUEDCGF chưa xây dựng được phần mềm hỗ trợ công tác thẩm định và tín dụng. Hiện tại, khối lượng công việc, các dự án còn chưa nhiều nên các nhiệm vụ thẩm định, tín dụng chủ yếu được thực hiện thủ công thông qua con người. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi HUEDCGF đẩy mạnh hoạt động cho vay, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn tín dụng thì cách thức xử lý như trước không còn hiệu quả, thậm chí còn dễ xảy ra sai sót do khối lượng công việc lớn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thừa thiên huế (Trang 88 - 90)