Nguyên nhân của những hạn chế trên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thừa thiên huế (Trang 90 - 94)

2.4.3.1. Nguyên nhân khách quan

- Rủi ro do môi trường kinh tế:

Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn có những diễn biến phức tạp, làm cho hoạt động kinh doanh của KH gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng nặng nề. Giá nguyên vật liệu đầu vào (điện, nước, xăng dầu, vật tư...) biến động thất thường, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao nhanh chóng khiến cho các doanh nghiệp không lường trước được dẫn đến thiếu vốn trong quá trình triển khai các phương án, dự án đầu tư. Việc cấp thêm vốn làm cho tỷ lệ vốn tự có tham gia vào phương án, dự án của doanh nghiệp giảm xuống, HUEDCGF đối mặt với việc gia tăng RRTD.

- Rủi ro do môi trường pháp lý:

+ Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, vì vậy hệ thống pháp luật chung cho toàn bộ nền kinh tế chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và thiếu những đạo luật quan trọng. Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động tín dụng giữa TCTD với doanh nghiệp còn bất cập đã gây bó buộc hoạt động của các doanh nghiệp, vừa tạo khe hở để các doanh nghiệp lợi dụng.

+ Các định hướng của Nhà nước thường xuyên thay đổi, điều chỉnh cơ chế chính sách làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Cơ chế chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về cho vay, bảo đảm tiền vay, xử lý nợ xấu…. còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tế, đổi mới và chỉnh sửa bổ sung còn chậm. Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng có điểm quy định thiếu cụ thể, nên khi triển khai thực hiện còn vướng mắc, còn nhiều cách hiểu khác nhau để dẫn đến rủi ro.

+ Khung pháp lý quy định việc tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương nói chung và HUEDCGF nói riêng còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện. Quy định về cho vay đầu tư của Quỹ còn mang tính chất chắp vá, vay mượn từ mô hình Ngân hàng chính sách và Công ty tài chính. Hệ thống các quy định pháp luật, hành lang pháp lý quy định về Quỹ Đầu tư phát triển địa phương chưa nhiều, chưa vững chắc và thường xuyên thay đổi.

+ Hệ thống các quy định về tín dụng và quản trị RRTD tại các ngân hàng thương mại đều được bộ phận pháp chế ở Hội sở xây dựng trên cơ sở các Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn; cán bộ tín dụng tại các ngân hàng thương mại có trách nhiệm tuân thủ đúng các quy định này trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, do chỉ hoạt động trên cơ sở Nghị định quy định việc tổ chức và hoạt động, không có cơ quan nào hướng dẫn về nghiệp vụ nên tại các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương nói chung và tại HUEDCGF nói riêng, các Chuyên viên đều phải tự xây dựng các quy định của mình trên cơ sở tham khảo, vận dụng các quy định của các ngân hàng thương mại; dẫn đến tình trạng chất lượng văn bản chưa cao, chưa phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị mình, thường xuyên phải sửa đổi.

2.4.3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nguyên nhân từ phía HUEDCGF:

+ Bộ máy của HUEDCGF chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng và quản trị RRTD. Hiện nay, HUEDCGF gồm có 10 người (trung bình các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương trên cả nước là 20 người). Trong đó có 04 người chuyển từ các Sở, Ban ngành cấp tỉnh nên chỉ có kinh nghiệm chung về kinh tế, tài chính, ngân hàng, chưa có kinh nghiệm thực tiễn hoạt động tín dụng; 06 người còn lại là các sinh viên mới ra trường có tuổi đời còn khá trẻ từ 24 tuổi đến 27 tuổi (sinh năm 1991 đến 1994) được HUEDCGF tiếp nhận nên vừa đào tạo, vừa triển khai hoạt động cho vay đầu tư dẫn đến còn nhiều lúng túng trong hoạt động tín dụng nói riêng và các hoạt động nói chung của HUEDCGF.

Bên cạnh đó, số lượng Chuyên viên chưa đủ để đáp ứng công tác thẩm định và quản lý KH trong điều kiện HUEDCGF đang tích cực thực hiện các giải pháp tăng quy mô cho vay đầu tư. Với khối lượng công việc lớn, lại chịu áp lực về thời gian dẫn đến việc Chuyên viên khó có đủ thời gian để thu thập thông tin đầy đủ, phân tích sơ sài không đánh giá đúng thực trạng KH.

+ Sự hợp tác giữa HUEDCGF với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh và các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương khác còn lỏng lẻo gây khó khăn trong quá trình trao đổi và cung cấp thông tin về KH. Bên cạnh đó, HUEDCGF vẫn chưa có sự liên thông với các cơ quan khác như thuế, hải quan…để kiểm chứng những thông tin tài chính do KH cung cấp.

- Rủi ro do nguyên nhân từ phía KH:

+ Các doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm ngặt chế độ báo cáo tài chính, bản thân họ không thấy tầm quan trọng của báo cáo tài chính nên các báo cáo tài chính gửi HUEDCGF thường có chất lượng kém, thiếu thông tin và sai lệch thông tin. Thông tin thiếu sẽ gây khó khăn cho HUEDCGF trong việc phân tích, đánh giá thực trạng của KH, gây phiền toán mất thời gian do Chuyên viên phải đến tận doanh nghiệp để xác minh lại thông tin. Ngoài ra, rất ít các doanh nghiệp hiện nay thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính. Vì thế, HUEDCGF khó có thể phát hiện ra sai sót

trong việc chấp hành chế độ kế toán của những doanh nghiệp này, dẫn đến việc đưa ra quyết định cấp tín dụng đôi khi không chuẩn xác.

+ Năng lực của KH còn nhiều hạn chế làm cho KH không có những kế hoạch mang tính chiến lược, thiếu các biện pháp giải quyết phù hợp khi có những biến động của thị trường, của đối thủ cạnh tranh...

+ Ngoài ra, năng lực lập và trình bày dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế. Một số KH lập phương án kinh doanh còn sơ sài, mang tính chủ quan hoặc dựa trên kinh nghiệm thuần túy, làm khó khăn trong công tác thẩm định tín dụng.

Kết luận chương 2

Trong thời gian qua, HUEDCGF đã đạt được những thành tích đáng khích lệ trong hoạt động tín dụng và công tác phòng chống RRTD. Dư nợ tín dụng và thu nhập từ hoạt động tín dụng đã có sự tăng trưởng; các khoản nợ cho vay đầu tư tại HUEDCGF đều chưa xuất hiện nợ quá hạn, nợ xấu, đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc xây dựng được các chính sách quan trọng liên quan đến công tác quản trị RRTD và việc tuân thủ các chính sách đó đã góp phần ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra trong việc cấp tín dụng của HUEDCGF trong những năm qua. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác quản trị RRTD của HUEDCGF còn tồn tại một số hạn chế như: Chưa thành lập bộ phận quản trị rủi ro độc lập, nguồn thông tin để phân tích và thẩm định tín dụng còn hạn chế; các quy định về hoạt động tín dụng và quản trị RRTD chất lượng chưa cao; cơ sở vật chất hỗ trợ công tác quản trị RRTD chưa được đầu tư đúng mức. Chương 3 sẽ trình bày những phương hướng và giải pháp hoàn thiện công tác quản trị RRTD tại HUEDCGF.

Chương 3

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ BẢO LÃNH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thừa thiên huế (Trang 90 - 94)