Nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống thông tin quản trị rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thừa thiên huế (Trang 108 - 110)

3.2.5.1. Nâng cao kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và xây dựng hệ thống quản lý thông tin khách hàng

Một trong những nguyên nhân gây nên rủi ro trong công tác cho vay là vấn đề thông tin bất cân xứng. Thông tin tốt sẽ giúp HUEDCGF đưa ra các quyết định đúng đắn và hợp lý, tiết kiệm thời gian cũng như chi phí cho HUEDCGF và KH, tránh những sai sót có thể xảy ra trước, trong và sau khi cho vay. Vì vậy, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin là vấn đề đặc biệt quan trọng.

Thông tin phục vụ hoạt động cho vay phải chính xác, đầy đủ và kịp thời, tạo điều kiện cho Chuyên viên phân tích KH và có quyết định cho vay đúng đắn. Vì vậy, việc thu thập thông tin đánh giá KH phải thường xuyên và liên tục. Ngoài việc yêu cầu các thông tin phải có xác nhận về nguồn cung cấp, các số liệu có kiểm toán, có chứng thực của các cơ quan liên quan, HUEDCGF cần đôn đốc cán bộ thường xuyên phỏng vấn KH, nâng cao khả năng nhạy bén và phán đoán khi trò chuyện với KH để biết được tính trung thực của tài liệu mà KH cung cấp. Để tăng cường lượng thông tin, cán bộ tín dụng phải có sự nghi ngờ tương đối và kỹ năng đặt câu hỏi khá tốt làm sao có thể khai thác thông tin hiệu quả mà vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp.

Ngoài việc thu thập và xử lý thông tin , việc quản lý thông tin KH là vô cùng quan trọng. Việc xây dựng và vận hành hệ thống thông tin KH tốt sẽ giúp các Chuyên viên có đầy đủ thông tin để cải thiện việc ra quyết định trong hoạt động tín dụng, góp phần phòng ngừa và hạn chế RRTD. HUEDCGF cần xây dựng bảng dữ liệu trong đó lập danh sách các KH hiện tại và các KH mới đã tiếp cận, trong đó cần có thông tin về pháp lý, tình hình kinh doanh và tình hình tài chính cập nhật qua các năm. Đồng thời, nguồn dữ liệu này cũng bao gồm cả các KH mà HUEDCGF đã tiếp cận nhưng không quyết định cấp tín dụng. Từ nguồn dữ liệu này, các Chuyên viên sẽ có cơ sở để khai thác và đánh giá KH, đặc biệt là các Chuyên viên mới sẽ không mất thời gian trong việc phân tích trùng lặp KH không đủ điều kiện vay vốn. Ngoài ra, HUEDCGF còn cần phải xây dựng quy trình, phương pháp lưu trữ thông tin khoa học, đảm bảo thuận tiện cho việc tra cứu và tìm kiếm thông tin.

3.2.5.2. Xây dựng mối quan hệ với các cơ quan hữu quan

HUEDCGF cần xây dựng các mối liên kết với các hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế, Câu lạc bộ CEO Thừa Thiên Huế,... nhằm nắm bắt thông tin về doanh nghiệp như tình hình sản xuất kinh doanh, nhu cầu về vốn, các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó, HUEDCGF sẽ gặp rất nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận KH, xác định đúng nhu cầu về vốn của doanh nghiệp; từ đó có những quyết định đúng đắn nhất về số tiền vay, thời hạn vay, phương thức cho vay phù hợp. Bên cạnh đó, với mối liên hệ thường xuyên này, HUEDCGF có thể nhận được các thông tin chính xác hơn về doanh nghiệp như tình hình tài chính, năng lực quản lý của cấp lãnh đạo, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường, các biến động ảnh hưởng đến doanh nghiệp; từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời đối với khoản vay của doanh nghiệp tại HUEDCGF, tránh xảy ra nợ xấu.

Bên cạnh đó, HUEDCGF cần tăng cường mối quan hệ với các cơ quan kinh tế trên địa bàn tỉnh như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn); các cơ quan công chứng Nhà nước, Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm, Sở Tài nguyên và

Môi trường để thực hiện nhanh chóng, chính xác thủ tục tài sản bảo đảm; cơ quan công an, tòa án, xã phường để phối hợp chặt chẽ trong khâu thu hồi nợ.

3.2.5.3. Đẩy mạnh việc hợp tác với các tổ chức tín dụng trên địa bàn

HUEDCGF chưa có tài khoản của KH như ngân hàng để quản lý nên còn hạn chế trong việc giám sát dòng tiền của KH khi tiến hành vay vốn. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới HUEDCGF cần tăng cường hợp tác, liên kết, trao đổi với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong việc cung cấp thông tin cho nhau về KH, góp phần hỗ trợ trong việc ra quyết định tín dụng chính xác đồng thời sẽ làm giảm thiểu RRTD. Việc thực hiện hợp tác này có thể thông qua việc tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm; đối với một số dự án khi KH đã có quan hệ tín dụng trên địa bàn, các ngân hàng và HUEDCGF có thể trao đổi chia sẻ thông tin trong quá trình thẩm định để đảm bảo giảm thiểu rủi ro khi ra quyết định cho vay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thừa thiên huế (Trang 108 - 110)