7. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Yêu cầu khách quan
Thứ nhất, do yêu cầu phát triển đời sống KT-XH
Trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ kỹ thuật, nền kinh tế thị trường và xu hướng dân chủ hóa đời sống xã hội đã buộc Nhà nước ở các quốc gia trên thế giới một mặt nâng cao trách nhiệm quản lý xã hội, một mặt phải thu hút sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào công tác quản lý nhà nước. Đây là một động lực thúc đẩy tiến trình CCHC nhằm tiến tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, hướng tới hiệu quả phục vụ, đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội và công dân. XHH DVC không chỉ diễn ra ở các nước đang phát triển mà hiện nay đó là một xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới, nhu cầu XHH DVC về đo đạc và bản đồ cũng không nằm ngoài xu hướng đó, là một nhu cầu tất yếu khách quan như một nội dung trong đổi mới phương thức hoạt động của Chính phủ.
Cần xác định đúng và đủ các đối tượng chính sách xã hội thụ hưởng DVC để đảm bảo công bằng cho các đối tượng, hạn chế sự lạm dụng nguồn lực nhà nước đối với các DVC mang tính xã hội, đảm bảo những chính sách, ưu đãi của Nhà nước kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng ở những vùng khó khăn.
Lĩnh vực đất đai nói chung và đo đạc và bản đồ nói riêng là lĩnh vực tương đối phức tạp và nhạy cảm (theo kết quả điều tra có đến 80,38% khách hàng cho biết
pháp luật đo đạc và bản đồ phức tạp và rất phức tạp(xem phụ lục 2)), nó đụng chạm đến quyền lợi của mọi công dân đặc biệt là nông dân. Với mục tiêu xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ để phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả, bảo vệ môi trường (BVMT) để phát triển bền vững, phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm công bằng xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, do đặc điểm của nền kinh tế thị trường
Cho đến nay, loài người vẫn chưa tìm được hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nào có hiệu quả hơn là kinh tế thị trường[41]. Một đặc điểm quan trọng của nền kinh tế thị trường là hướng sự chú ý tới khách hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, trong khi đó khu vực tư là khu vực linh hoạt hơn khu vực công trong cung ứng dịch vụ về thời gian, giá cả, phương thức thanh toán,... cũng như phương thức quản lý như tuyển dụng, trả lương, huy động các nguồn tài chính,...Vì vậy, sự mở rộng tham gia của các chủ thể khác ngoài Nhà nước trong việc cung ứng DVC nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu cao nhất của khách hàng, điều này phù hợp theo kết quả điều tra có đến 76,64% khách hàng cho biết rằng cần phải XHH để nâng cao hiệu quả cung ứng DVC về đo đạc và bản đồ (xem phụ lục 2).
Thông qua nhiều cơ chế, chính sách khác, Nhà nước có biện pháp hữu hiệu để giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bình đẳng xã hội trong việc đáp ứng nhu cầu XHH hoạt động cung ứng DVC về đo đạc và bản đồ. Tức là, tạo ra những điều kiện cần thiết để mọi tổ chức, cá nhân đều có cơ hội tham gia, giành thắng lợi và được lựa chọn ngang nhau trên thị trường XHH hoạt động cung ứng DVC về đo đạc và bản đồ; pháp luật phải triệt để ngăn chặn bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có ý đồ hạn chế điều đó. Nhiệm vụ của Nhà nước là phải ban hành pháp luật tạo điều kiện cho tự do cạnh tranh một cách hoàn hảo trên lĩnh vực XHH hoạt động cung ứng DVC về đo đạc và bản đồ.
Thứ ba, sự thay đổi tương quan giữa khu vực công với khu vực tư
Một là, sự phát triển ngày càng cao của khoa học và công nghệ dẫn đến khu vực tư có khả năng tiếp nhận một số dịch vụ trước đây chỉ thuộc về Nhà nước như công nghệ thông tin, đo lường, phương tiện kiểm tra, giám sát,.... Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cung ứng DVC về đo đạc và bản đồ bao gồm nội dung rất rộng, rất đa dạng như khảo sát, lập đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình đo đạc và bản đồ; kiểm tra, nghiệm thu chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ; xây dựng lưới trọng lực, thiên văn, tọa độ, độ cao; chụp ảnh, quét địa hình từ máy bay; đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình; đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình đáy biển; đo vẽ, thành lập bản đồ địa chính; thành lập bản đồ hành chính; đo vẽ, thành lập bản đồ địa giới hành chính; xây dựng CSDL đo đạc và bản đồ; xây dựng CSDL địa lý; thành lập bản đồ chuyên đề, Atlas địa lý; khảo sát địa hình; đo đạc công trình; kiểm định các thiết bị đo đạc....
Hai là, mức sống của người dân ngày càng cao đòi hỏi sự phục vụ ngày càng cao cả về chất lượng lẫn số lượng. Xã hội càng phát triển lên bao nhiêu, nhu cầu của con người càng đa dạng bấy nhiêu. Nhà nước dần dần không thể tự mình trực tiếp cung ứng nhiều DVC về đo đạc và bản đồ đa dạng đó của tổ chức, cá nhân. Một xu hướng khách quan đang ngày càng tăng lên ở các xã hội phát triển là việc cung ứng các DVC về đo đạc và bản đồ được chuyển dần cho khu vực tư nhân trong khuôn khổ pháp luật cho phép và nhận cung ứng DVC về đo đạc và bản đồ cho mọi đối tượng theo hợp đồng được thỏa thuận giữa hai bên.
Ba là, sự kém hiệu quả của khu vực công so với với khu vực tư. Khu vực công chỉ chú ý đến việc cung ứng dịch vụ theo yêu cầu chứ không phải người thụ hưởng dịch vụ; chỉ chú ý đầu vào chứ không chú ý đến hiệu quả; cung ứng cho khách hàng cái mà họ có chứ không phải cái mà khách hàng lựa chọn; thiếu sự gắn kết giữa người cung ứng dịch vụ và người dân.