Yêu cầu năng lực của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng khung năng lực của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh quảng trị (Trang 41 - 46)

1.3.4.1. Yêu cầu năng lực người lãnh đạo cho tổ chức

Yêu cầu về năng lực là những tiêu chuẩn quy định gắn với từng cá nhân, nhóm người cụ thể làm việc trong tổ chức. Tùy thuộc vào tính chất của tổ chức, nhóm người đề quy định tiêu chuẩn năng lực cụ thể.

Lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước các cấp nói chung và UBND cấp huyện nói riêng là một bộ phận quan trọng CBCC làm việc cho khu vực nhà nước. Và trên nguyên tắc, yêu cầu về năng lực phải đáp ứng những tiêu chuẩn do nhà nước quy định theo các nhóm: tiêu chuẩn chung cho người làm việc cho tổ chức (nhà nước); tiêu chuẩn cho vị trí làm việc cụ thể (bao gồm vị trí chủ tịch)

Năng lực là một trong những tiêu chí quan trọng được nghiên cứu gắn với hệ thống các tiêu chuẩn (chất lượng) mà một người phải đáp ứng. Và khi không đáp ứng đủ tiêu chuẩn năng lực để thực thi công việc gắn với vị trí việc làm, nguồn nhân lực đó không thể giúp tổ chức đạt được mục tiêu đề ra của tổ chức đó.

Năng lực cần phải có, phải đáp ứng của một cá nhân khi được đặt vào một vị trí việc làm cụ thể trong tổ chức (chuyên môn hay chức danh quản lý) là tất cả yếu tố liên quan đến kiến thức, kỹ năng, hành vi ứng xử của cá nhân phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn (chất lượng) năng lực gắn với vị trí việc làm đó. Tư duy này mô tả ở sơ đồ 1.1.

Tiêu chuẩn năng lực gắn với từng vị trí việc làm là nền tảng cơ bản để tổ chức tuyển chọn nhân sự và vị trí việc làm cũng như bổ nhiệm chức danh quản lý.

Nếu tổ chức không quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng năng lực cụ thể gắn với từng vị trí việc làm để chọn người, tổ chức đó sẽ thất bại để có thể đạt được mục tiêu đề ra mặc dù tốn kém ngân sách cho tuyển dụng. Điều này giống như đội bóng đá 11 người, chỉ chọn toàn sao “tiền đạo”, ưu tú nhất thế giới, nhưng lại có thủ môn rất tồi, có thể sẽ thất bại ngay với đội bóng không có nhiều sao, nhưng lại có thủ môn đủ năng lực để làm thủ môn.

Trong quản lý nguồn nhân lực, tiêu chuẩn năng lực thường được đưa ra ở mức “tổi thiểu” để có thể đảm nhận được công việc. Khi năng lực của chính người đó được nâng cao, ví dụ yếu tố kỹ năng, sẽ đem lại hiệu quả cho tổ chức. Mức độ thành thạo với công việc khi tuyển vào chỉ đáp ứng cấp độ 2,3. Sau một thời gian làm việc, kỹ năng đạt đến cấp độ 5,6. Người đảm nhận công việc sẽ làm tốt hơn, hiệu quả hơn, mất ít thời gian hơn. Và chất lượng của nhân sự đã được nâng cao.

Để đánh giá chất lượng theo nhóm năng lực của người đảm nhận vị trí việc làm, cần thực thi một số hoạt động sau:

Trước hết, đánh giá tiêu chuẩn năng lực chung của một người có trên tất cả các lĩnh vực;

Hai là, xác định tiêu chuẩn năng lực cần có để thực thi công việc theo vị trí việc làm;

Ba là, đánh giá so sánh năng lực thực có của người đảm nhận so với năng lực quy định;

Bốn là, so sánh kết quả đạt được so với kết quả yêu cầu; Năm là, phân tích nguyên nhân.

Hoạt động 5 bước trên mô tả ở sơ đồ 1.2.

Phân tích chủ yếu tập trung vào những nguyên nhân tại sao tiêu chuẩn năng lực theo vị trí việc làm của cá nhân không đáp ứng được yêu cầu? Ba khả năng xảy ra như đã mô tả ở sơ đồ 1.2: Đáp ứng, không đáp ứng và đáp ứng vượt trội.

Trong trường hợp không đáp ứng, có thể do các nguyên nhân: - Do tuyển dụng, bổ nhiệm không tuân thủ tiêu chuẩn;

Người làm việc cho nhà nước là một nguồn nhân lực đặc biệt, khác với tất cả những người làm việc cho bất cứ tổ chức nào. Tính đặc biệt này sinh ra từ ngay chính bản thân của nhà nước và hệ thống các cơ quan cấu thành bộ máy nhà nước. Và mỗi một vị trí trong cơ quan nhà nước đòi hỏi phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất để chọn người đưa vào vị trí đó.

1.3.4.2. Yêu cầu năng lực của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Chủ tịch UBND các cấp trên nguyên tắc theo pháp luật quy định đều là người làm việc cho nhà nước. Chủ tịch UBND các cấp nói chung và UBND cấp huyện nói riêng là cán bộ, do được bầu cử theo nhiệm kỳ. Do đó, họ phải đáp ứng cả những tiêu chuẩn để được bầu vào Hội đồng nhân dân cấp huyện.

Để bầu người vào một vị trí chức danh nhất định trong bộ máy nhà nước, về nguyên tắc họ phải đáp ứng những tiêu chuẩn về năng lực để trước hết được chọn làm ứng viên cho chức danh được bầu đó.

Theo quy định của Việt Nam, chủ tịch UBND là cán bộ. Những người đảm nhận các chức danh này được HĐND cùng cấp bầu. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện chưa đưa ra quy định hệ thống tiêu chuẩn cần phải có cho những ai được giới thiệu để HĐND bầu chức danh chủ tịch.

Quy trình bầu cử chức danh chủ tịch, phó chủ tịch các cấp đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công tác cán bộ là công tác Đảng, do đó Đảng lựa chọn, giới thiệu người để HĐND bầu. Như trên đã nêu nguyên tắc “Đảng cử, HĐND bầu”.

* Yêu cầu về phẩm chất chính trị và đạo đức

- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và chủ nghĩa cá nhân. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm - Gương mẫu về đạo đức, lối sống. Bản thân cán bộ và gia đình phải gương mẫu chấp hành đúng pháp luật, không lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng.

* Yêu cầu về kiến thức, chuyên môn

- Cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp huyện trở lên nói chung phải tốt nghiệp đại học và có trình độ cao cấp lý luận chính trị; đối với cán bộ dưới 45 tuổi thuộc diện quy hoạch chức danh chủ chốt thì phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung, đủ năng lực để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Có kiến thức về khoa học lãnh đạo và quản lý. Đã học tập có hệ thống ở các trường của Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân; trải qua hoạt động thực tiễn có hiệu quả.

- Năng lực thực tiễn, thể hiện ở kết quả và hiệu quả công việc, tinh thần chủ động, sáng tạo, mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Ham học hỏi, cầu tiến bộ

* Yêu cầu về kỹ năng

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có năng lực dự báo và định hướng sự phát triển, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật; thuyết phục và tổ chức nhân dân thực hiện. Có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Có tác phong dân chủ, khoa học, có khả năng đoàn kết, tập hợp, quy tụ cán bộ;

- Có năng lực tổ chức, điều hành để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

- Năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có nhiều triển vọng phát triển.

* Yêu cầu về sức khỏe

- Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, ban lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung phải đủ tuổi để có thể công tác từ hai nhiệm kỳ trở lên hoặc ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ; những đồng chí tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hiện giữ nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ hoặc ít nhất được 1/2 nhiệm kỳ; những trường hợp này cần xem xét con người và hoàn cảnh cụ thể để quyết định; không máy móc, cứng nhắc về độ tuổi.

- Đủ sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng khung năng lực của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh quảng trị (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)