Sử dụng và đánh giá giảng viên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng đội ngũ giảng viên của trường đại học nội vụ (Trang 29 - 31)

Bố trí, sử dụng giảng viên là quá trình sắp xếp giảng viên vào các vị trí công việc phù hợp chuyên môn đào tạo nhằm phát huy tối đa năng lực và khả năng chuyên môn nghiệp vụ hiện có của giảng viên theo yêu cầu công việc của Nhà trường. Bố trí, sử dụng ĐNGV cần thực hiện một cách có kế hoạch đáp ứng một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, việc sử dụng giảng viên phải có quy hoạch, có xác định trước, tương ứng với vị trí được xác định trước khi tuyển dụng và có trao đổi về năng lực, sở trường của người giảng viên, sao cho hài hòa

Thứ hai, việc sử dụng giảng viên phải đảm bảo nguyên tắc “dùng người đúng chỗ, đúng việc, đúng năng lực”. Do mỗi vị trí giảng viên tại các cơ sở đào tạo giảng dạy một chuyên ngành khác nhau, nên có bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn mà họ được đào tạo, đồng thời tính đến thời gian họ đảm nhiệm lên lớp, nếu chương trình giảng dạy quá dày đặc, cần tính đến yếu tố sức khỏe của người giảng viên và chất lượng giảng dạy.

Thứ ba, sử dụng giảng viên cần đúng với cấp học. Đối với cấp đào tạo cao đẳng, trình độ giảng viên cần có kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành phù hợp. Tuy nhiên đối với đào tạo đại học, trên đại học cần ĐNGV có đủ kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời nắm bắt được các nội dung của môn học, chuyên ngành học để có cái nhìn khái quát, truyền đạt tốt hơn kiến thức cho học viên.

Tiếp theo là công tác đánh giá giảng viên, “Đánh giá thực hiện công việc được hiểu là sự đánh giá có hệ thống và chính thức tình hình thực hiện công việc của người lao động trong quan hệ so sánh với các tiêu chuẩn đã được xây dựng từ trước và có thảo luận về sự đánh giá đó với người lao động”. Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quân, Nguyễn Tấn Thịnh, đánh giá giảng viên cần thực hiện định kỳ theo quy định dựa trên các tiêu chuẩn đã được xây dựng, bao gồm: đảm bảo số giờ giảng, giờ hướng dẫn khóa luận, luận văn, đề tài nghiên cứu khoa học, số bài báo đăng trên tạp chí khoa học, bài tham luận hội thảo... Mục đích của đánh giá giảng viên là căn cứ để tiếp tục bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng hoặc kỷ luật, thực hiện chế độ, chính sách đối với giảng viên.

Mục tiêu của việc đánh giá gồm:

+ Giúp giảng viên nhận thức rõ ưu, nhược điểm của mình trong quá trình làm việc để có những điều chỉnh phù hợp thực hiện công việc tốt hơn;

+ Giúp người quản lý có thể ra được các quyết định sử dụng nhân sự đúng đắn hơn;

+ Giúp nhà trường ngày càng hoàn thiện hơn hoạt động của quản lý. Các tiêu chí để đánh giá một người giảng viên có thể đề cập tới như:

Một là, kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ của người giảng viên được lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa giao theo kế hoạch, đột xuất. Năng lực giảng dạy của người giảng viên có thể là một tiêu chí quan trọng nhằm đánh giá chất lượng giảng viên. Một giảng viên dạy giỏi là người biết kích thích trí tuệ của sinh viên, người giúp sinh viên phát triển những kỹ năng và phân tích tình huống, qua đó phát huy được sức trẻ của học viên.

Có thể đánh giá năng lực của giảng viên thông qua các thành tích trong giảng dạy, có thể là các công trình nghiên cứu, các báo cáo khoa học, các bài viết tại hội thảo chuyên ngành của cơ sở đào tạo, tham gia hướng dẫn học viên, sinh viên thực tập…

Hai là, việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp. Đối với nội dung đánh giá đạo đức nghề nghiệp, các tiêu chí và điều kiện để đánh giá thường mang

tính định tính hơn là định lượng. Đạo đức nghề nghiệp với nhà giáo, giảng viên có thể xem xét, đánh giá ở phương diện như: tận tụy với nhiệm vụ, công việc; công bằng trong giảng dạy, giáo dục và thực hiện chuẩn mực của người giảng viên khi truyền đạt kiến thức, đồng thời thể hiện thái độ nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất năng lực của học viên.

Ba là, tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy, tinh thần, thái độ hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường, ứng xử đối với người giảng viên…Ứng xử tốt giữa các giảng viên với nhau trong môi trường đào tạo sẽ tạo nên tinh thần đoàn kết, giữ vững hình ảnh của người nhà giáo luôn thể hiện mẫu mực, nhân từ.

Từ những vấn đề trên cho thấy việc sử dụng, đánh giá giảng viên trong trường đại học có vai trò rất quan trọng, không chỉ phán ánh thành tích đạt được liên quan đến tư cách đạo đức và trách nhiệm của người giảng viên mà còn giúp cho người quản lý có thông tin toàn diện để sắp xếp sử dụng ĐNGV một cách hiệu quả nhất, đảm bảo phân công đúng người, đúng việc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng đội ngũ giảng viên của trường đại học nội vụ (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)