Thực trạng số lƣợng công chức, viên chức cơ hữu của trƣờng
2.2.1. Về thu hút và tuyển dụng giảng viên
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã thường xuyên bổ sung thêm ĐNGV có trình độ qua công tác thu hút, tuyển dụng giảng viên. Là đơn vị trực thuộc sự quản lý của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT; thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Trường đã được Bộ Nội vụ đã phân cấp quyền tự chủ một số lĩnh vực cho Nhà trường; để khắc phục tình trạng thiếu giảng viên, Nhà trường luôn xác định công tác thu hút, tuyển dụng giảng viên là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu.
Quy trình tuyển chọn được tiến hành công khai, minh bạch, đánh giá đúng năng lực của người dự tuyển theo đúng các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước và của Nhà trường;
Trường đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn tuyển chọn giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên ngành: Có năng lực về chuyên môn; Có phẩm chất đạo đức tốt; Có sức khoẻ tốt; Có khả năng sư phạm, yêu thích nghề giáo;
Tốt nghiệp đại học (hệ chính quy) loại khá trở lên; Ưu tiên những người đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ đúng ngành hoặc gần ngành với ngành dự tuyển; Có trình độ tin học văn phòng; ngoại ngữ giao tiếp được; Hình thức ưa nhìn; không nói ngọng, nói lắp.
Trường đã thành lập được Hội đồng tuyển chọn giảng viên đáp ứng nhiệm vụ chọn giảng viên theo quy định. Thành viên tham gia hội đồng tuyển dụng tại trường (vòng 1) gồm: Chủ tịch Hội đồng là Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch hội đồng là Phó hiệu trưởng được Hiệu trưởng ủy quyền cùng các thành viên khác là các Phó hiệu trưởng, trưởng các khoa liên quan, phòng Tổ chức cán bộ.
Quy trình tuyển chọn giảng viên trước đây thực hiện theo Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ Về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Từ năm học 2012-2013 công tác tuyển dụng thực hiện theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lí viên chức và Thông tư số 15/TT/BNV ngày 21/12/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo bồi dưỡng đối với viên chức.
Trường đã thực hiện đúng quy trình và đảm bảo thời gian của từng bước theo quy định hiện hành.
Bước 1. Thông báo tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán thông báo tại trường về những nội dung sau: Chỉ tiêu, tiêu chuẩn, hồ sơ, hình thức, ưu tiên tuyển dụng, thời gian…
Bước 2. Thu hồ sơ. Nhà trường tiến hành thu và sàng lọc các hồ sơ đủ tiêu chuẩn theo thông báo về tiêu chí, vị trí tuyển dụng, tiến hành loại các hồ sơ không đủ tiêu chuẩn, giảm tải việc xử lý các trường hợp trúng tuyển nhưng không đủ tiêu chuẩn theo hồ sơ.
Bước 3. Duyệt hồ sơ. Sau khi thu nhận hồ sơ và tiến hành sàng lọc, nhà trường lập danh sách các hồ sơ đủ điều kiện và có thông báo công khai tại trường và Website của trường về danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi.
Bước 4. Thành lập Ban ra đề thi. Việc thành lập Ban ra đề thi đảm bảo tính khách quan, công bằng. Các câu hỏi trong đề thi được tuyển chọn, xem xét kỹ lưỡng về
tính phù hợp, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng đúng người, đúng vị trí đảm nhận nhiệm vụ sau khi người dự tuyển trúng tuyển. Bộ đề thi được lưu giữ và đảm bảo tính bí mật cao, theo đúng quy định của pháp luật.
Bước 5. Tổ chức thi tuyển, gồm 2 vòng:
- Vòng 1: Thi soạn giáo án, giảng 1 bài: 45 phút và trả lời phỏng vấn. Hội đồng đánh giá và thống nhất, thông qua kết quả và thông báo công khai danh sách trúng tuyển. Phòng Tổ chức Cán bộ làm văn bản đề nghị Hội đồng thi tuyển Bộ Nội vụ cho phép các thi sinh được dự thi tuyển viên chức (thi vòng 2)
- Vòng 2: Thi bài viết về chuyên môn - quản lý nhà nước. Thi Ngoại ngữ và tin học. Kết quả thi vòng 2 cộng điểm ưu tiên (nếu có) là căn cứ để xét trúng tuyển. Mỗi phần thi tính theo thang điểm 100. Kết quả lấy từ cao xuống thấp hết chỉ tiêu nhưng mỗi môn thi không dưới 50 điểm.
Bước 6. Thông báo kết quả thi vòng 2. Kết quả thi được thông báo rộng rãi, công khai tại nơi tổ chức thi, trên trang Web của nhà trường và có gửi kết quả cho thí sinh là ứng viên dự thi.
Bước 7. Sau khi gửi kết quả thi, các ứng viên dự thi có quyền thực hiện kiến nghị về việc thanh tra, phúc khảo (nếu có).
Bước 8. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội ra quyết định trúng tuyển và gửi danh sách trúng tuyển để thông báo cho thí sinh và làm quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm vào ngạch.
* Kết quả trong 6 năm (2011-2016) Trường đã tuyển được 81 giảng viên, chất lượng tuyển chọn được nâng cao.
Hàng năm Nhà trường đều tuyển dụng thêm giảng viên, lượng giảng viên được tuyển chọn trong 5 năm gần đây nhiều hơn các trường Đại học khác. Số lượng tuyển dụng cụ thể các năm được như sau: năm 2011 tuyển được 18 giảng viên; năm 2012: 06 giảng viên, năm 2013: 18 giảng viên, năm 2014: 28 giảng viên, năm 2015: 03 giảng viên và năm 2016: 08 giảng viên. Đồng thời, Nhà trường vẫn mời thêm các giảng viên thỉnh giảng. Điều đó minh chứng số lượng giảng viên của Nhà trường vẫn còn thiếu và chất lượng vẫn được cần nâng cao hơn.
Chất lượng giảng viên được tuyển dụng được nâng cao. Số lượng giảng viên tuyển dụng trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ cao nhất, số lượng tiến sĩ và phó giáo sư về trường còn rất ít. Cụ thể trong 5 năm (2011-2016) đã tuyển được: Cử nhân 26 người, thạc sĩ 49 người, tiến sĩ 14 người, phó giáo sư 2 người; nam chiếm 37%, nữ chiếm 63%. Chính sách thu hút có sự phân loại theo nhóm đối tượng nhằm bảo đảm sự công bằng trong tuyền dụng giảng viên. Tuy nhiên, đối với việc ưu tiên xét tuyển thẳng công chức, viên chức với các nhóm đối tượng như “tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi từ các trường công lập chính quy” đôi khi mang tính hình thức, máy móc khi chưa có cơ sở để phân loại các trường. Tự quá trình sàng lọc ngay từ đầu vào và trong suốt chương trình học của các trường đã bảo đảm chất lượng cho đầu ra chứ không phải danh hiệu giỏi hay xuất sắc. Rõ ràng, đây cũng là một điểm cần phải được nghiên cứu kỳ lưỡng hơn, khi các sinh viên tốt nghiệp loại khá nhưng học từ các trường đại học danh tiếng mà lại không được ưu tiên trong tuyển dụng.
Nhà trường vẫn chưa xây dựng được kế hoạch xây dựng ĐNGV trung và dài hạn.Vì thế, việc tuyển dụng giảng viên vẫn bị động, lấp chỗ thiếu ngay tại thời điểm cần giảng viên mà chưa chủ động lên kế hoạch theo từng năm. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ và cao hơn vẫn còn thấp dẫn đến chất lượng ĐNGV chưa đảm bảo so với yêu cầu đào tạo.