Giải pháp về hoàn thiện tổ chức bộ máy

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 79 - 82)

Thực hiện Nghị định số 26/2013/NĐ-CP, ngày 14 tháng 5 năm 2013 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Chỉ thị số 11/2013/CT-UBND về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo đó, giao Giám đốc Sở Xây dựng lập đề án kiện toàn tổ chức, hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng và xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và thị trấn trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Trong những năm qua, Thanh tra xây dựng huyện Đông Anh đã hoạt động rất tích cực, khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong nhiệm vụ quản lý và xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Thanh tra xây dựng huyện Đông Anh được thành lập vào ngày 01 tháng 11 năm 2002 theo Quyết định 100/2002/QĐ-TTg ngày 24/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập lực lượng thanh tra xây dựng thành phố Hà Nội. Sau 15 năm hoạt động với nhiều lần chuyển đổi mô hình theo quy định của pháp luật, Thanh tra xây dựng huyện Đông Anh đã nhanh chóng thay đổi, tích cực học hỏi để thích nghi với mô hình hoạt động mới theo Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng.

Tuy nhiên, hiện nay, Thanh tra xây dựng huyện Đông Anh vẫn còn một số vấn đề cần phải hoàn thiện hơn trong công tác tổ chức và hoạt động

chuyên môn, nghiệp vụ như: tổ chức hoạt động trong điều kiện lực lượng còn ít; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ thanh tra còn chưa đồng đều; trình độ nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế... Mặt khác, do có nhiều những thay đổi về chính sách trong quản lý nhà nước về xây dựng với nhiệm vụ nhiều hơn, yêu cầu đòi hỏi cao hơn nên lực lượng thanh tra xây dựng cần phải có sự thay đổi tích cực để ngày càng nâng cao năng lực hoạt động trong công tác quản lý trật tự xây dựng nhằm đáp ứng tình hình mới hiện nay.

Về cơ cấu tổ chức: Cần hoàn thiện chi tiết hơn, cùng với đổi mới cải cách hành chính, tổ chức hoạt động của thanh tra cần sắp xếp theo vị trí việc làm: căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể của thanh tra xây dựng, theo các nhóm nhiệm vụ:

+ Lãnh đạo;

+ Công tác thanh tra;

+ Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; + Công tác phòng, chống tham nhũng;

+ Công tác tổng hợp, rút kinh nghiệm

Về việc bố trí cán bộ: Do biên chế của thanh tra được tính vào biên chế

của Sở, nên việc bố trí lực lượng thanh tra xây dựng cơ sở là còn nhiều bất cập và hạn chế. Vì vậy phạm vi, nội dung công việc sẽ bị thu hẹp và vẫn thực hiện theo nguyên tắc mỗi cá nhân đảm nhận thực hiện nhiều việc; chủ động xử lý, giải quyết công việc được giao. Tuy nhiên, kế hoạch kiện toàn lực lượng thanh tra xây dựng về lâu dài sẽ cần tuyển chọn những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, đủ điều kiện để bổ sung cho lực lượng thanh tra xây dựng.

Công khai, minh bạch trong công tác xử phạt vi phạm trật tự xây dựng. Đây là nguyên tắc quan trọng trong việc xử phạt các công trình xây dựng vi phạm. Các quy trình, thủ tục liên quan đến hoạt động xây dựng cần được cơ quan chức năng phổ biến rộng rãi, công khai tạo điều kiện để người dân có

thể tiếp cận với các văn bản và thông tin của chính quyền. Công khai, minh bạch các thủ tục, quy định về xây dựng cũng góp phần phòng, ngừa những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, hạch sách, gây khó khăn đối với người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng.

Dưới góc độ quản lý nhà nước thì công khai, minh bạch là một nội dung hết sức quan trọng, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả phòng, ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi tham nhũng, có dấu hiệu bao che những công trình vi phạm pháp luật về xây dựng.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cấp xã theo hướng đổi mới, dân chủ và hiệu quả hơn. Chính quyền cấp xã cần đổi mới tích cực, có tính chuyên môn hóa cao để tạo điều kiện chuyên sâu nghiên cứu, chỉ đạo, quản lý trong hoạt động của nhà nước nói chung và kiểm tra, giám sát, xử phạt các vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng nói riêng trên địa bàn. Hiện nay, với đặc thù văn hóa làng, xã lâu đời nên chính quyền cấp xã phải thể hiện đầy đủ quyền lực của mình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý. Đồng thời, phải mềm dẻo, linh hoạt trong tiếp xúc, làm việc với dân, làm sao để vừa đúng pháp luật lại vừa phù hợp với truyền thống và điều kiện của mỗi địa phương. Chính quyền cấp xã phải thực hiện hoạt động quản lý một cách dân chủ, hiệu quả phù hợp với đặc điểm, tình hình dân cư của địa phương và phát huy được truyền thống tự quản của thôn, làng.

Ủy ban nhân dân cấp xã có thể giải quyết những vi phạm pháp luật nhỏ về xây dựng mà tính chất nguy hiểm ở mức độ thấp, nếu vi phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn thì cần phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền cao hơn để nhanh chóng giải quyết. Do đặc điểm về địa lý, dân cư và đặc điểm khác nhau của mỗi địa phương mà tình hình xây dựng có nhiều diễn biến khác nhau. Thực tế đòi hỏi hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát tình hình trật tự xây dựng cần tăng cường những cán bộ có trình độ chuyên trách về xây dựng trong Ủy ban nhân dân.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Hiện nay, cán bộ, công chức cấp xã chủ yếu xuất thân từ nông dân, lớn lên và trưởng thành trong môi trường nông thôn nên năng lực và trình độ còn nhiều hạn chế. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, hoạt động quản lý ngày càng phức tạp thì buộc cán bộ, công chức cấp xã phải nâng cao trình độ, có kỹ năng thực hành tổng hợp và phải có kiến thức ở diện rộng để có thể nắm được cách giải quyết nhiều thủ tục, vấn đề khác nhau. Mỗi địa phương khác nhau có thể tổ chức bộ máy quản lý phù hợp với những đặc thù của địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo những nguyên tắc chung về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của một Ủy ban nhân dân xã.

Mặt khác, cơ quan cấp trên cũng cần có sự phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan cấp dưới. Đồng thời, đề cao vai trò hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong việc tham gia giám sát, kiểm tra tình hình xây dựng trên địa bàn. Hàng tháng, hàng quý, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức giao ban với lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các phòng ban ngành có liên quan để đánh giá kết quả xử phạt các trường hợp vi phạm trên địa bàn, tìm ra các giải pháp để giải quyết các vụ việc còn tồn đọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện đông anh, thành phố hà nội (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)