phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện Đông Anh
Hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện Đông Anh có một số hạn chế sau:
Một là, về công tác kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính về
xây dựng của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn còn chưa dứt điểm, chưa kịp thời, chưa nghiêm minh theo pháp luật hiện hành dẫn tới việc xử phạt một số công trình gặp nhiều khó khăn hay phải huy động nhiều lực lượng để tiến
hành cưỡng chế các công trình lớn, gây tốn kém thời gian, vật chất của nhà nước, tài sản của công dân.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm ở một số xã chưa kiên quyết, chưa triệt để dẫn đến tình trạng công trình vi phạm xây dựng vẫn tồn tại, có hành vi tái phạm làm giảm tính răn đe, kịp thời của pháp luật.
Hai là, sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng còn chưa tốt. Nghị định
26/2013/NĐ-CP, Nghị định 121/2013/NĐ - CP đã quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng và sự tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, trong thực tế thì việc thực hiện phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, sự phối hợp giữa các đơn vị còn chậm so với yêu cầu về thời gian cần xử lý, ảnh hưởng đến quy trình xử phạt vi phạm.
Công tác hoàn thiện hồ sơ xử phạt còn chậm, cán bộ địa chính chưa phối hợp chặt chẽ với Thanh tra xây dựng để lập hồ sơ vi phạm về đất đai khi xử phạt vi phạm xây dựng.
Ba là, về lực lượng Thanh tra xây dựng:
Ở các xã, thị trấn vẫn còn nhiều cán bộ thanh tra xây dựng làm việc thụ động, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như việc chịu trách nhiệm không cao, thiếu tính chủ động, sáng tạo và chưa có sự đầu tư nâng cao chuyên môn nên vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về xây dựng trên địa bàn.
Thanh tra xây dựng khi thanh tra, kiểm tra tại công trình xây dựng, vì tính chuyên môn cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra nên yêu cầu cần phải có cán bộ có trình độ chuyên môn có thể đọc được bản vẽ thiết kế, kiểm tra hồ sơ, giấy phép đăng ký đối với từng nhóm công trình cụ thể. Tuy nhiên, thực tế trong lực lượng thanh tra xây dựng hiện nay ở các xã, thị trấn hay kể cả ở cấp huyện thì số lượng cán bộ thanh tra có trình độ chuyên môn các chuyên ngành nói trên cũng rất ít, thiếu rất nhiều nguồn nhân lực có
trình độ chuyên môn về xây dựng. Ví dụ như: khi đã cấp phép đối với công trình do Ủy ban nhân dân huyện cấp phép thì huyện có gửi một bản giấy phép xây dựng về cho lực lượng thanh tra xây dựng ở xã cấp phép quản lý kiểm tra, nhưng khi đến kiểm tra không phải thanh tra nào cũng đủ kiến thức, trình độ chuyên môn để đọc bản vẽ xem công trình xây dựng đúng giấy phép không, có sai chỗ nào không và nếu công trình xây dựng sai phép thì không phải công trình nào cũng xử lý bằng cách tháo dỡ. Đây cũng là một trong những hạn chế của lực lượng thanh tra xây dựng cần phải quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn về xây dựng.
Thanh tra xây dựng trong quá trình thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thường chỉ tập trung kiểm tra các trường hợp xây dựng không phép, sai phép mà hạn chế trong việc kiểm tra việc các công trình xây dựng có đáp ứng đủ các yêu cầu về vệ sinh môi trường, an toàn lao động, chất lượng công trình xây dựng, vấn đề xử lý phế thải xây dựng hay bụi bẩn trong quá trình thi công và vận chuyển vật liệu rơi vãi... Do vậy, nhiều công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng chưa bị xử lý và vẫn tồn tại gây bức xúc trong sinh hoạt của người dân khu vực xung quanh.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện Đông Anh
Một là, do sự hạn chế, bất cập trong hệ thống quy phạm pháp luật về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Nhiều quy định pháp luật trước đây, nay đã được bãi bỏ, thay thế do không còn phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ như: dựa trên quy định của Luật Xây dựng 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 180/2007/NĐ-CP, quy định biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Khoản 2, Điều 4:”Đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm”, nhưng Luật Xây dựng 2014 đã bãi bỏ quy định
này. Nghị định số 180/2007/NĐ-CP không còn hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Cùng với đó, Luật Xây dựng 2014 đã có hiệu lực, thay thế Luật Xây dựng 2003.
Những hạn chế, bất cập còn thể hiện tại Khoản 9, Điều 13 của Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Trong đó, quy định: “Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”. Quy định này không phù hợp với Luật xử phạt vi phạm hành chính, dễ tạo ra tiền lệ “phạt cho tồn tại”, không thể hiện được tính nghiêm minh, tính răn đe của pháp luật.
Thực tế hiện nay, có rất nhiều công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và huyện Đông Anh nói riêng đã bị xử phạt nhưng vẫn còn tồn tại, không thể tháo dỡ , bởi các vùng đó chưa có quy hoạch được duyệt... Vì vậy, việc tiếp tục kế thừa các quy định của các Nghị định, Luật ra đời trước đó là cần thiết. Bên cạnh đó, cần bổ sung các điều khoản mới phù hợp với tình hình thực tiễn và bãi bỏ, thay thế các quy định cũ không còn phù hợp với thực tế tình hình vi phạm trật tự xây dựng.
Hai là, ý thức pháp luật xây dựng của người dân, tổ chức tham gia xây
Về quy định khi công trình khởi công xây dựng chủ đầu tư công trình phải thông báo bằng văn bản trước 07 ngày cho Ủy ban nhân dân nơi công trình tiến hành xây dựng được biết. Nhưng thực tế rất ít khi chủ đầu tư làm việc này. Nhiều hộ dân canh tác không hiệu quả đã tự ý xây dựng nhà tạm cho thuê, xây dựng lều lán, hàng quán buôn bán, chuyển đổi hình thức sử dụng trái phép trên đất nông nghiệp. Để thực hiện hành vi vi phạm, nhiều hộ dân đã dùng những thủ đoạn che giấu như quây tôn, quây bạt, xây bên trong; xây dựng rải rác, kéo dài mỗi thời gian một ít; lợi dụng ngày lễ, ngày tết để xây dựng; đặc biệt có trường hợp còn thuê thương binh, các đối tượng “xã hội đen” để cản trở, đe dọa gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác cưỡng chế, quản lý, xử phạt vi phạm.
Những công trình xây dựng nhỏ lẻ, tự phát ở sâu trong ngõ, ngách có hành vi lấn chiếm hành lang đất công, hay các hàng quán lắp đặt mái che, mái vẩy, mái tôn không đúng quy định. Các hành vi vi phạm cố ý đổ đất sai quy định trên đất nông nghiệp hay các hộ dân lắp đặt vật dụng kinh doanh vi phạm hành lang an toàn giao thông gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại hành vi đổ chất thải xây dựng trái phép vi phạm vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Nhiều trường hợp còn tái phạm sau khi tổ chức cưỡng chế.
Ba là, trình độ dân trí còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp
cận, nhận thức các loại giấy tờ, thủ tục về xây dựng.
Huyện Đông Anh có số dân cư đông, trình độ dân trí của người dân không đồng đều, phần lớn còn thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về xây dựng nói riêng. Do đặc điểm như vậy nên địa bàn các xã, thị trấn còn tồn tại nhiều vi phạm, người dân thiếu nhận thức đầy đủ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ban hành. Nhiều người không hiểu đúng và có quan điểm tiêu cực về công tác
quản lý của chính quyền dẫn đến tâm lý e ngại, sợ phiền hà, rắc rối khi tiếp cận các quy định của pháp luật về xây dựng.
Ví dụ như: phân biệt “sổ đỏ” và “sổ hồng”. Trên thực tế “sổ đỏ” và “sổ hồng” không phải là loại giấy tờ được pháp luật quy định mà đây chỉ là tên gọi do người dân dựa trên màu sắc của mỗi loại giấy để tự đặt ra để nói cho ngắn gọn cũng như để phân biệt giữa các loại giấy chứng nhận. Tuy nhiên, để thống nhất thành một loại Giấy chứng nhận, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 và ngày 21/10/2009, Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, hai loại Giấy chứng nhận nói trên sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... Ngày 19/05/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để cập nhật, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển của xã hội. Như vậy, “sổ đỏ” hay “sổ hồng” đều là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc quyền sở hữu nhà ở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Thực tế hiện nay vẫn đang lưu hành cả 3 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Điều này gây khó khăn cho người dân với trình độ nhận thức về pháp luật còn thấp sẽ khó có thể phân biệt rõ ràng các loại giấy chứng nhận này.
Bốn là, công tác lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương còn lỏng lẻo, ý
thức trách nhiệm công vụ của nhiều công chức còn kém.
Một số địa phương công tác chỉ đạo của Ủy ban nhân dân còn buông lỏng, cán bộ quản lý trật tự xây dựng, cán bộ địa chính xã còn chưa cao,
thiếu tính trách nhiệm công vụ dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm xây dựng phát hiện chậm, chưa xử phạt dứt điểm ngay từ đầu, gây khó khăn khi xử phạt, gây bức xúc dư luận. Chưa chủ động xây dựng kế hoạch xử lý những công trình vi phạm còn tồn đọng, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi sự việc xảy ra.
Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức Thanh tra xây dựng huyện, xã, thị trấn còn chưa cao, nắm bắt tình hình địa phương chậm, xử phạt còn thiếu cương quyết, không dứt điểm, chưa triệt để, vẫn có tình trạng xử lý việc cá nhân trong giờ hành chính. Công tác phối hợp với các cơ quan liên quan chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ vì thế nên các quyết định xử phạt hành chính có hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Thông tin, báo cáo của các xã còn chậm trễ, chưa kịp thời, nội dung báo cáo còn sơ sài, qua loa; lực lượng chức năng quản lý trật tự xây dựng còn buông lỏng một số trường hợp đã xây dựng nhà kiên cố gây khó khăn trong công tác xử phạt vi phạm, thiếu tính răn đe.
Năm là, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan còn chậm
trễ, chưa hiệu quả gây nhiều khó khăn trong công tác xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng trên địa bàn, không phát huy được ý thức trách nhiệm mối quan hệ phối hợp và năng lực công tác của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Đông Anh. Sự phối hợp giữa cơ quan Công an, Điện lực, công ty cấp nước còn thiếu chặt chẽ vì vậy hiệu quả các quyết định hành chính chưa cao, chưa quyết liệt. Các cơ quan cần có sự hỗ trợ, phối hợp kịp thời để công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng hiệu quả hơn. Ví dụ như: khi cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông thì cần có sự phối hợp của lực lượng Thanh tra giao thông vào cuộc cùng lực lượng Thanh tra xây dựng để đảm bảo quá trình cưỡng chế diễn ra hiệu quả, thể hiện tính nghiêm minh của các văn bản quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện Đông Anh.