với cách mạng trên địa bàn tỉnh Bình Dương
3.2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường tuyên truyền và phổ biến pháp luật đối với người có công với cách mạng
Hoàn thiện hệ thống pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng: Sự
chăm lo của chính sách NCC vẫn có hạn, chưa chu cấp đáng kể cho NCC và thân nhân của họ, đặc biệt là chưa đồng bộ và đều khắp cho NCC, mặc dù mới được sửa đổi, bổ sung năm 2012 tuy nhiên Pháp lệnh ưu đãi NCC đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như đã nêu ở phần thực trạng do đó trong thời gian tới yêu cầu tất yếu phải có sự sửa đổi, tác giả nêu ra một số giải pháp bổ sung, điều chỉnh Pháp lệnh NCC và các văn bản hướng dẫn thi hành qua việc
nghiên cứu thực trạng QLNN đối với NCC trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ thể là:
Điều chỉnh những bất cập trong việc công nhận cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, có thể sẽ bổ sung các nội dung liên quan đến thân nhân cán bộ Lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa. Họ cũng là người hy sinh và được so sánh với các anh hùng liệt sĩ thì thân nhân của họ cũng phải được hưởng chính sách như thân nhân liệt sĩ, để đảm bảo công bằng cho họ. Đây là những người giác ngộ cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến, dù hiện nay còn sống hay đã từ trần thì sự cống hiến của họ cũng như nhau. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì người còn sống có lý lịch mới xác nhận, trong khi những người đã hy sinh, từ trần thì lại được công nhận bằng các căn cứ khác như: Lịch sử đảng bộ địa phương, các giấy tờ, tài liệu lưu trữ khác. Như vậy thì không hợp lý, không công bằng đối với họ, vì vậy đề xuất căn cứ của họ như nhau và mở rộng căn cứ để xác nhận: lý lịch, lịch sử đảng bộ địa phương, tài liệu lưu trữ, các giấy tờ khác có liên quan.
Đối với Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho NCCvề nhà ở, theo quy định đó, những NCC khó khăn về nhà ở mà không tự khắc phục được thì Nhà nước hỗ trợ, trong đó có thân nhân liệt sĩ, trong quá trình thực hiện đã gặp nhiều bất cập. Đối với thân nhân liệt sĩ, đây là một nhóm đối tượng khá rộng, hiện này ngân sách đang hạn chế, nguồn vốn không đảm bảo, tạo sự so bì giữa các địa phương và các đối tượng với nhau. Mặt khác người tham gia trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, nhưng họ không có Huân chương, Huy chương kháng chiến nhưng cuộc sống khó khăn, họ không được nằm trong nhóm hỗ trợ, do đó cần bổ sung thêm nhóm đối tượng này để thực hiện hỗ trợ giảm bớt gánh nặng, kho khăn về nhà ở cho họ.
Điều chỉnh mức trợ cấp cho người HĐCM, HĐKC bị địch bắt tù, đày cho phù hợp với công trạng và thời gian ở tù của từng người, có thể bổ sung thêm quy định về người HĐCM, HĐKC bị địch bắt, tù đày sau năm 1975. Theo quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP và Thông tư 05/2013/TT- BLĐTBXH thì đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày 01/9/2012, đối với những trường hợp được trả trợ cấp 01 lần (tức là truy lĩnh từ ngày 01/9/2012). Nhưng có trường hợp vừa mới xác nhận hồ sơ của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ra quyết định thì tạo sự so bì giữa các đối tượng được hưởng chính sách. Cần điều chỉnh lại mức trợ cấp phù hợp cho đối tượng bị tù đày, về thời gian bị tù đày nhiều (5 năm, 10 năm) và thời gian bị tù đày 01 tháng, 02 tháng, có trợ cấp tù đày giống nhau, thiệt thòi cho những người bị tù đày nhiều năm. Đối với nhân dân, không trực tiếp tham gia HĐKC, nhưng do nuôi chứa, che dấu cán bộ họ bị địch bắt, tù đày hiện nay chưa có quy định giải quyết cho đối tượng này. Chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc đó là truyền thống của dân tộc ta, bình thường họ không tham gia kháng chiến, nhưng khi cần thì họ sẵn sàng hy sinh bản thân để che dấu cho cán bộ, họ bị địch bắt, giam cầm nhưng quyết không khai, vì vậy họ xứng đáng là người anh hùng và xứng đáng được hưởng vì sự hy sinh đó. Vì vậy cần có giải quyết chế độ tù đày cho những đối tượng này với những trình tự phù hợp, không thể khắt khe như người trực tiếp tham gia kháng chiến.
Điều chỉnh nội dung liên quan đến người HĐKC được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến. Theo quyết định số 24/2016/QĐ- TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với người tham gia kháng chiến còn những người có công giúp đỡ cách mạng
được tặng bằng khen, tuy nhiên chưa có quy định giải quyết chế độ này, vì vậy đề nghị nên có những chế độ cho họ vì ít hay nhiều thì đấy cũng là NCC.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn nhân dân đối với từng cơ sở phường, xã, thị trấn đi đôi với đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ tạo lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với NCC và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Các cơ quan thông tin, báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương cần tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC; làm nổi bật sự cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cả nước đã làm nên thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Qua đó, khẳng định đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cũng như sự trân trọng, biết ơn và chăm lo của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân đối với NCC; biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tôn vinh những NCC, gia đình thân nhân liệt sĩ từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm để NCC hưởng đầy đủ về vật chất, vui vẻ về tinh thần.
Công tác vận động từ nguồn xã hội hóa "Ðền ơn đáp nghĩa" ngày càng lan tỏa, huy động được nhiều nguồn lực, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tuyên truyền những tấm gương thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ tiêu biểu trong cuộc sống vươn lên lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương đất nước. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tổ
chức thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC để nhân rộng đến toàn dân hướng tới những hoạt động thiết thực và hiệu quả nhằm ủng hộ NCC và các hoạt động QLNN đối với NCC.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chính sách ưu đãi NCC thường xuyên đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương và thông qua các cuộc sinh hoạt, tổ chức các sự kiện, hoạt động của các cơ quan, đoàn thể, hội quần chúng.
Thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền có nội dung hết sức cảm động, mang tính nhân văn sâu sắc như: "Đi tìm đồng đội", "Trở về từ ký ức" của Đài truyền hình Việt Nam; cuộc thi viết về “Ký ức người lính” do Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân tổ chức; chuyên đề giải đáp chính sách ưu đãi NCC của Đài tiếng nói Việt Nam; cuộc thi viết về đề tài thương binh - liệt sĩ do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức; cuộc thi viết nhân kỉ niệm ngày “Thương binh - Liệt sĩ” do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức. Hàng năm, tổ chức Hội nghị biểu dương NCC nhằm tuyên truyền về truyền thống đấu tranh cách mạng oanh liệt, hào hùng của dân tộc; đề cao sự cống hiến, hy sinh to lớn của những gia đình có công trong các cuộc kháng chiến trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3.2.2. Hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác QLNN đối với NCC, đây là một nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, trong mọi lĩnh vực, đặc biệt quan trong trong lĩnh vực chính sách đối với NCC. Cán bộ, công chức phải đảm bảo số lượng, chất lượng thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Chuẩn
hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.
Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các Cấp ủy, tổ chức Đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Ðảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, MTTQVN các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Sức mạnh của Ðảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân; phải thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ công chức thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương phải luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị phục vụ trong công tác giải quyết chế độ chính sách đối với NCC.
Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cán bộ làm công tác tại Sở LĐ- TB&XH và đặc biệt là Phòng Người có công, phòng LĐ-TB&XH cấp huyện. Đây là công tác vô cùng quan trọng nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức LĐ-TB&XH. Xây dựng đề án vị trí việc làm cụ thể cho từng vị trí, thực hiện đúng với nhiệm vụ trong bản mô tả công việc và khung năng lực của từng cán bộ công chức, nhằm thực hiện tốt chức trách cũng như nhiệm vụ của mình được giao. Phải công bằng, khách quan, minh bạch trong tuyển chọn, đánh giá, đề bạt cán bộ, công chức theo đúng năng lực thực tế.
Giải quyết tốt chính sách về tiền lương, chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức LĐ-TB&XH, đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao trách nhiệm, tích cực lao động của cán bộ, công chức đủ mức sống. Đây là một trong
những yếu tố quan trọng để cán bộ, công chức gắn bó và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức” từ năm 2015 đến năm 2021, phải đảm bảo giảm ít nhất 10% biên chế, chính vì vậy chất lượng đội ngũ công chức làm công tác chính sách NCC rất quan trọng, cần tiếp tục cố gắng thực hiện tốt công việc, nhiệm vụ được giao, chủ động học tập, nâng cao chất lượng, tầm nhìn và hiểu biết về NCC để giải quyết các chế độ chính sách một cách có lý và có tình.
Kiện toàn tổ chức bộ máy QLNN gắn với phương thức tổ chức và QLNN đối với NCC theo quy định hiện hành, Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ- TB&XH, phòng LĐ-TB&XH cấp huyện thực hiện chức năng QLNN đối với NCC. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, có liên quan tới các cấp, các ngành và các cấp chính quyền ở cơ sở, có tác động đến chính sách đối với NCC. Về tổ chức bộ máy có sự tinh giản, gọn nhẹ. Tuy nhiên các cấp phải thực hiện nhiều chức năng như: Hướng dẫn triển khai các văn bản nhà nước, thẩm định hồ sơ giải quyết chính sách, quản lý hồ sơ tài liệu, danh sách về NCC, có nhiều chính sách mới và mở rộng đối tượng thụ hưởng. Do đó kiện toàn bộ máy làm công tác này trong chương trình cải cách bộ máy QLNN theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhằm làm cho bộ máy tin gọn nhưng làm việc hiệu quả; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy QLNN làm nhiệm vụ giải quyết các chính sách NCC.
Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy QLNN nói chung và tổ chức bộ máy QLNN đối với NCC nói riêng. Do quá trình giải quyết chính sách còn chậm nên việc đổi mới phương thức cần gắn với đổi mới nền hành chính được nhanh gọn, trực tiếp phản ánh tâm tư nguyện vọng với cơ quan thực thi chính sách của Nhà nước được nhanh gọn, giúp cho NCC an tâm trong cuộc sống.
3.2.3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phân cấp mạnh hơn trong quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng mạnh hơn trong quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng: Ứng dụng công nghệ thông tin trong QLNN đối với NCC là một trong những nhiệm vụ của cả nước trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới. Công nghệ thông tin được đưa vào ứng dụng, trao đổi thông tin trong các cơ quan nhà nước hướng đến Chính phủ điện tử. Tỉnh Bình Dương đã phủ sóng mạng internet cho các cơ quan hành chính nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ của công tác QLNN đối với NCC trên địa bàn tỉnh luôn năng động và phát triển như hiện nay. Về công tác giải quyết chính sách đối với NCC đảm bảo 100% cán bộ, công chức được sử dụng công nghệ thông tin để việc trao đổi, xử lý các chế độ chính sách một cách hiệu quả.
Hồ sơ, lưu trữ được các cán bộ, công chức Sở LĐ-TB&XH lưu trữ trên máy tính, thể hiện được hồ sơ của NCC tại địa phương trong tỉnh, từ đó dễ dàng tìm kiếm, cập nhật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác QLNN đối với NCC có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo các chế độ đối với NCC. Xây dựng phần mềm quản lý NCC và chuyển đến các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố nhập dữ liệu từ đó tạo cơ sở dữ liệu quốc gia về NCC để tạo thuận lợi cho NCC khi di chuyển hồ sơ, đồng thời tạo thuận lợi cho các địa phương khi giải quyết chế độ đối với NCC đặc biệt là các chế độ trợ cấp một lần.
Cần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu về NCC mang tính trọng điểm, phát triển nguồn nhân lực trong sử dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thực hiện được những công tác cơ bản và nâng