1.1. Tổng quan về hộ kinh doanh cá thể
1.1.6.1. Đặc điểm của thương mại – dịch vụ
Dịch vụ là loại sản phẩm vô hình, không sờ mó, nhìn thấy được nhưng lại được cảm nhận qua tiêu dùng trực tiếp của khách hàng. Quá trình sản xuất
và tiêu dùng sản phẩm dịch vụ diễn ra đồng thời, nhưng hiệu quả của dịch vụ đối với người tiêu dùng lại rất khác nhau. Có loại xảy ra tức thì, nhưng có loại chỉ đem lại hiệu quả sau nhiều năm, chẳng hạn dịch vụ giáo dục phải sau 5-10 năm mới có thể đánh giá đầy đủ. Do đó, việc đánh giá hiệu quả TM-DV phức tạp hơn so với thương mại hàng hóa.
Thương mại – dịch vụ có phạm vi hoạt động rất rộng, từ dịch vụ cho tiêu dùng cá nhân đến dịch vụ sản xuất, kinh doanh, quản lý trong tất cả các ngành của nền kinh tế quốc dân, thu hút đông đảo người tham gia với trình độ cũng rất khác nhau, từ lao động đơn giản như giúp việc gia đình, bán các hàng lưu niệm ở khu du lịch đến lao động chất xám có trình độ cao như các chuyên gia tư vấn, chuyên gia giáo dục…, do đó đây là một lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển và tạo được nhiều công ăn việc làm, rất có ý nghĩa về kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay. [46]
Thương mại – dịch vụ hiện nay đang có sự lan tỏa rất lớn, ngoài tác dụng trực tiếp của bản thân dịch vụ, nó còn có vai trò trung gian đối với sản xuất và thương mại hàng hóa, nên phát triển TM-DV có ảnh hưởng gián tiếp lên tất cả các ngành của nền kinh tế quốc dân, do đó tác dụng của TM-DV là rất lớn. Người ta tính rằng, nếu thương mại dịch vụ được tự do hóa thì lợi ích của nó còn cao hơn thương mại hàng hóa hiện nay và xấp xỉ bằng lợi ích thu được khi tự do hóa thương mại hàng hóa hoàn toàn cho cả hàng hóa nông nghiệp và hàng hóa công nghiệp. [46]
Thương mại – dịch vụ khi lưu thông qua biên giới gắn với từng con người cụ thể, chịu tác động bởi tâm lý, tập quán, truyền thống văn hóa, ngôn ngữ và cá tính của người cung cấp và người tiêu dùng dịch vụ, điều này khác với thương mại hàng hóa, sản phẩm là vật vô tri vô giác, đi qua biên giới có bị kiểm soát nhưng không phức tạp như kiểm soát con người trong TM-DV, vì thế mà thương mại - dịch vụ phải đối mặt nhiều hơn với những hàng rào
thương mại so với thương mại hàng hóa. Các cuộc thương lượng để đạt được tự do hóa thương mại - dịch vụ thường gặp nhiều khó khăn hơn tự do hóa thương mại hàng hóa, nó còn phụ thuộc vào tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa của nước cung cấp và nước tiếp nhận dịch vụ đó. [46]
1.1.6.2. Vai trò của thương mại – dịch vụ trong nền kinh tế
Tạo việc làm: Nhằm giải quyết một số lượng lớn người lao động nhàn rỗi hoặc người lao động đang trong tình trạng thất nghiệp. Hiện nay số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ ngày càng tăng so với các lĩnh vực khác và theo xu hướng chuyển dịch kinh tế, thì lao động trong các lĩnh vực khác sẽ có sự dịch chuyển sang thương mại - dịch vụ ngày càng cao.
Thúc đẩy và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế: Thực tế đã chứng minh rằng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại - dịch vụ là tiền đề quan trọng thúc đẩy đối với sự phát triển kinh tế, ngược lại sự phát triển kinh tế, sự năng động chính sách kinh tế ngày càng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn các ngành dịch vụ và thương mại dịch vụ. Thương mại – dịch vụ không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, vì tỷ trọng đóng góp vào GDP trong nền kinh tế của thương mại – dịch vụ ngày càng cao so với các thành phần kinh tế khác. Ví dụ tỷ trọng ngành dịch vụ nước ta đến cuối năm 2016 là 40.92% (theo Tổng cục Thống kê) và định hướng tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP (theo Nghị quyết 24/2016/QH14)
Thúc đẩy phân công lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ và thương mại dịch vụ đã đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy phân công lao động xã hội trong phạm vi quốc tế và phạm vi quốc gia, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, đồng thời làm gia tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành thuộc
khu vực dịch vụ. Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang dần chuyển dịch sang công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.
Góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân: Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại – dịch vụ trong việc góp phần sản xuất, cung cấp những nhu cầu thiết yếu, đa dạng cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần; đồng thời giúp cho người dân được vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc, qua đó nhằm giúp cho người dân phát triển về thể chất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực tế ở nền kinh tế nước ta đã chứng minh sự phát triển của TM-DV góp phần quan trọng thúc đẩy đối với sự phát triển của kinh tế trong nhiều năm qua; đồng thời sự điều chỉnh hợp lý và phù hợp của các chính sách đối với kinh tế ngày càng thúc đẩy sự phát triển của các ngành TM-DV.
1.2. Quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ