kinh tế Việt Nam: [1]
Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, đất nước chúng ta đã từng bước chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Những kết quả đạt được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, đất nước chúng ta cũng đang gặp nhiều mặt hạn chế, khó khăn.
1.2.2.1. Mặt tích cực:
Tác động mạnh đến sự tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trong một số lĩnh vực cụ thể như: công nghiệp, thương mại, các ngành dịch vụ…; thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại; thúc đẩy thương mại, tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển (ODA).
Tiếp thu được khoa học công nghệ mới và những kỹ năng quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nguồn nhân lực có chất lượng và có trình độ, năng lực ngày càng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình hội nhập.
Tạo ra nhiều việc làm hơn, tăng thêm thu nhập cho người lao động; khi tiếp thu được khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập so với các sản phẩm nhập khẩu. Góp phần giúp cho việc hoàn thiện các chế định về pháp luật, về kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế; tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế thị trường, hoàn thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.
Giúp cho Nhà nước định hướng được chính sách phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tăng hàm lượng công nghệ và giá trị sản xuất; giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và tham gia vào việc cung ứng sản phẩm ra toàn thế giới.
Nhìn chung, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam ngày càng năng động tiếp thu khoa học, công nghệ, kỹ năng quản lý, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nguồn nhân lực. Đồng thời, từng bước đưa hoạt động của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vào môi trường cạnh tranh, tạo tư duy làm ăn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
1.2.2.2. Mặt hạn chế, khó khăn:
Với việc gia nhập các tổ chức kinh tế trên thế thới và trong khu vực, nước ta sẽ thực hiện các cam kết đã ký kết khi gia nhập như xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu ảnh
hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Song song đó, nguy cơ rủi ro về kinh tế, tình trạng phá sản doanh nghiệp ngày càng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra.
Do lợi thế nhân công rẻ và chi phí đầu tư thấp nên dẫn đến năng suất lao động tăng chậm; bên cạnh đó, nền kinh tế và các doanh nghiệp nước ta chịu sức cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp và các sản phẩm do quá trình hội nhập gây ra. Ngoài ra, sự ràng buộc của các quy tắc kinh tế đòi hỏi nước ta phải chịu sức ép cạnh tranh bất bình đẳng do các nước lớn áp đặt và cần phải điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô cho phù hợp với sự điều chỉnh kinh tế của các nước phát triển đó.
Khả năng tích lũy vốn (về nhân lực và tiến bộ công nghệ) còn rất khiêm tốn, biểu hiện ở mức năng suất lao động thấp và trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp còn khá lạc hậu. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng chậm được cải thiện.
Đối với khu vực kinh tế tư nhân: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì nhà nước cũng cần có những chính sách, cơ chế giúp phát triển khu vực kinh tế tư nhân và bảo vệ kinh tế tư nhân như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, bản quyền và các thiết kế công nghiệp. Cần phải làm cho chủ các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nhận thức về quá trình hội nhập quốc tế, tuân thủ các quy định về quyền và nghĩa vụ khi tham gia các hoạt động kinh tế, trong đó cần chú ý đến quyền sở hữu trí tuệ để không bị thưa kiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh.