Tác động mạnh đến sự tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trong một số lĩnh vực cụ thể như: công nghiệp, thương mại, các ngành dịch vụ…; thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại; thúc đẩy thương mại, tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển (ODA).
Tiếp thu được khoa học công nghệ mới và những kỹ năng quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nguồn nhân lực có chất lượng và có trình độ, năng lực ngày càng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình hội nhập.
Tạo ra nhiều việc làm hơn, tăng thêm thu nhập cho người lao động; khi tiếp thu được khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập so với các sản phẩm nhập khẩu. Góp phần giúp cho việc hoàn thiện các chế định về pháp luật, về kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế; tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế thị trường, hoàn thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.
Giúp cho Nhà nước định hướng được chính sách phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tăng hàm lượng công nghệ và giá trị sản xuất; giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và tham gia vào việc cung ứng sản phẩm ra toàn thế giới.
Nhìn chung, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam ngày càng năng động tiếp thu khoa học, công nghệ, kỹ năng quản lý, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nguồn nhân lực. Đồng thời, từng bước đưa hoạt động của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vào môi trường cạnh tranh, tạo tư duy làm ăn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.