Nền hành chính nước ta là của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, mọi nỗ lực cải thiện chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đều nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Do đó, việc lấy ý kiến của nhân dân trong công tác đánh giá công chức là điều hết sức cần thiết. Mặt khác, việc làm này còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Lấy ý kiến của nhân dân đóng góp vào bản nhận xét, đánh giá công chức là ta đã tạo điều kiện để người dân được tham gia một phần vào nền hành chính của đất nước. Họ là những người trực tiếp tiếp xúc với công chức và hưởng các dịch vụ công nên sẽ có những ý kiến thiết thực, bổ ích trong đánh giá công chức, từ đó góp phần nâng cao chất lượng của các dịch vụ công được cung cấp cho người dân.
Có thể ghi nhận ý kiến đóng góp của nhân dân bằng cách:
Trước hết, UBND huyện Triệu Phong phải tăng cường thực hiện công khai mọi quy trình, thủ tục hành chính đối với người dân thông qua nhiều
kênh khác nhau như: công khai ở bảng tin cơ quan, phòng tiếp dân, trên website chính thức của huyện, phổ biến về địa phương thông qua các cuộc họp tổ dân phố,… Thực hiện công khai thủ tục hành chính cũng cần phải chú ý đến khâu phân tích, giải thích cho người dân hiểu sâu hơn về các nội dung này, kịp thời giải đáp những thắc mắc của nhân dân để nâng cao hiểu biết của họ, có như vậy ý kiến đánh giá của họ sau này về quá trình thực thi công vụ của công chức sẽ chính xác hơn vì dễ dàng có sự so sánh, đối chiếu.
Sau đó, ta tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quá trình thực thi công vụ của các công chức trong Ủy ban. Việc lấy ý kiến này có thể thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, vì vậy nên tiến hành đồng thời nhiều phương thức nhằm lấy ý kiến của đông đảo nhân dân, tạo điều kiện để mọi người đều được nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Tại phòng tiếp dân của UBND huyện, thiết kế mẫu phiếu đánh giá về chất lượng phục vụ nhân dân của các công chức để khảo sát mức độ hài lòng của người dân. Phiếu khảo sát này sẽ đánh giá chung về 12 cơ quan chuyên môn trong UBND huyện Triệu Phong và chia nhỏ từng nội dung công việc trong các cơ quan này. Bởi mỗi công chức sẽ đảm nhiệm một nhiệm vụ hay nội dung công việc cụ thể nên làm như vậy ta sẽ dễ dàng đánh giá đúng kết quả làm việc của công chức. Đồng thời, khi thiết kế phiếu đánh giá cần chú ý các câu hỏi đưa ra phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn để người dân dễ hiểu và không làm mất thời gian, sự kiên nhẫn của họ. Tại phòng tiếp dân của Ủy ban cũng cần bố trí các công chức làm nhiêm vụ tư vấn cho người dân khi họ có thắc mắc về các nội dung đánh giá này. Việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân thông qua phiếu đánh giá nên tổ chức định kỳ theo thời gian theo tháng, quý và năm nhằm đảm bảo đánh giá sau khi công việc đã hoàn tất để có cái nhìn khách quan.
Để kịp thời ghi nhận những phản ánh của nhân dân, Ủy ban cũng cần thiết lập hệ thống đường dây nóng, hộp thư góp ý hoạt động liên tục vào các
khung giờ hành chính để nhân dân phản ánh về chất lượng phục vụ, thái độ của công chức, thời gian hoàn thành công việc,…
Như vậy, việc đưa ý kiến đóng góp, nhận xét của người dân vào trong công tác đánh giá công chức sẽ giúp ta có cái nhìn đa chiều về mỗi công chức. Tổng hợp từ nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau là cơ sở để kết quả đánh giá được khách quan, chính xác và trung thực.