Những kết quả đã đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ chế tự chủ tài chính tại bệnh viện phổi trung ương (Trang 89 - 92)

Sau 10 năm thực hiện nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Bệnh viện Phổi Trung ương đã đạt được những kết quả nhất định đó là đã có sự đổi mới và từng bước hoàn thiện quy trình xử lý công việc, tăng cường trách nhiệm của giám đốc bệnh viện và cán bộ, viên chức Bệnh viện. Trên hết đó là Bệnh viện đã đạt được những kết quả tốt như có sự chuyển biến về hiệu quả và chất lượng hoạt động, chủ động khai thác các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp và hoạt động dịch vụ nhằm tăng thu, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí. Những kết quả đã đạt được thể hiện qua những mặt sau:

- Về thực hiện nhiệm vụ Nhà nước: Nhìn chung trong thời gian từ năm 2016 đến 2018, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn của Bệnh viện năm sau đều vượt so với cùng kỳ năm trước. Tình hình chấp hành chính sách, chế độ và các quy định của Nhà nước là tương đối tốt như: Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đúng yêu cầu với nghị định 43/2006/NĐ-CP, thực hiện đúng các chế độ chính sách cho cán bộ, viên chức tại bệnh viện.

- Về triển khai thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP: Bệnh viện đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và đã tiến hành sửa đổi hàng năm cho phù hợp với nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Việc chi tiêu và trích lập các quỹ của đơn vị đều căn cứ trên các điều của quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Phần lớn cán bộ đã nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và vai trò của cơ chế tự chủ tài chính, không còn hoàn toàn trông chờ vào Ngân sách Nhà nước cấp mà chính những nỗ lực, cố gắng của họ trong việc thực hiện chuyên môn, nhiệm vụ, chủ động tìm cách tăng nguồn thu, tiết kiệm chi sẽ mang lại thu nhập tăng thêm cho chính bản thân, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng tinh thần đoàn kết trong Bệnh viện, gây dựng niềm tin và tạo sự mong muốn gắn bó lâu dài với Bệnh viện.

- Về thay đổi phương thức quản lý: Thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ- CP, mối quan hệ giữa đơn vị sự nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước đã có sự thay đổi theo hướng trao quyền tự chủ về quản lý biên chế, lao động, quản lý tài chính. Các cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của đơn vị.

Hàng năm, Bộ Y tế giao dự toán cho đơn vị gồm kinh phí không thường xuyên không thực hiện tự chủ, chỉ được thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ giao, còn kinh phí thường xuyên thực hiện tự chủ thì đơn vị được phép chủ động chi tiêu theo quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế chi tiêu nội bộ là căn cứ pháp lý để thủ trưởng đơn vị điều hành, quyết toán kinh phí và kiểm soát chi tại kho bạc Nhà nước.

- Tích cực khai thác, đa dạng hóa các nguồn thu: việc thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP đã làm cho ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức được nâng cao. Mỗi khoa, phòng trong Bệnh viện đều chủ động trong việc khai thác các nguồn thu nhằm mang lại lợi ích cho Bệnh viện trong nhiều mặt. Bên cạnh đó, còn tạo các điều kiện pháp lý và khuyến khích cho bệnh viện phát triển các dịch vụ phụ trợ, tăng nguồn thu, bổ sung kinh phí hoạt động của Bệnh viện. Đảm bảo thu đúng, thu đủ đối với các khoản thu viện phí, lệ phí theo quy định của Pháp luật.

- Quản lý, sử dụng nguồn tài chính tiết kiệm, có hiệu quả hơn. Đồng thời với việc khai thác các nguồn thu, Bệnh viện đã áp dụng các giải pháp tích cực để tiết kiệm chi. Đối với hoạt động khám chữa bệnh, bệnh viện đều xây dựng một quy trình khám chữa bệnh gọn nhẹ, giảm bớt các chi phí trung gian không cần thiết. Các khoản chi thường xuyên như văn phòng phẩm, vật tư tiêu hao, Bệnh viện đã xây dựng định mức cụ thể cho các khoa phòng. Việc tiết kiệm các khoản chi thường xuyên sẽ tạo thêm một nguồn để Bệnh viện có thể tiếp tục tái đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế, trích lập các quỹ, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên.

- Đổi mới trong định hướng sử dụng nguồn nhân lực. Khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Ban giám đốc Bệnh viện đã nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ mới thu hút được bệnh nhân đến khám và điều trị, góp phần nâng cao nguồn thu cho bệnh viện. Do đó, Bệnh viện đã chủ động cơ cấu lại tổ chức và đặc biệt chú trọng cử cán bộ đi học đào tạo nâng cao nghiệp vụ và ứng dụng kỹ thuật mới. Các cán bộ được cử đi học đều được Bệnh viện hỗ trợ kinh phí, điều này được thể hiện rõ trong quy chế chi tiêu nội bộ của Bệnh viện.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã có nhiều giải pháp để tạo thương hiệu, uy tín, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế trên địa bàn trong việc cung cấp dịch vụ công.

- Quyền hạn và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị tăng lên: Thủ trưởng đơn vị là cá nhân đại diện cho đơn vị quản lý, điều hành chung mọi hoạt động. Việc trao quyền tự chủ cho các đơn vị đồng nghĩa với việc giám đốc Bệnh viện có quyền quyết định cao hơn trong vận hành Bệnh viện, giúp cho Bệnh viện có sự chủ động hơn trong quá trình hoạt động. Vai trò của giám đốc Bệnh viện không dừng lại ở việc ra quyết định thực hiện mà còn có khả năng quyết định làm như thế nào và làm ra sao. Tuy nhiên cần nhận thức rõ giao quyền tự chủ phải gắn với trách nhiệm, tự chủ trong khuôn khổ.

Phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính: trong quá trình thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP cần phải chú trọng đến việc công khai minh bạch tài chính. Đối với hoạt động tài chính hàng năm của Bệnh viện đều được Bộ Y tế kiểm tra, quyết toán tại đơn vị. Các báo cáo quyết toán công khai minh bạch. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP, cán bộ viên chức có quyền đóng góp ý kiến dân chủ, công khai thông qua các cuộc họp sơ kết, tổng kết, hội nghị cán bộ viên chức của Bệnh viện để việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính ngày càng hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ chế tự chủ tài chính tại bệnh viện phổi trung ương (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)