7. Cấu trúc của luận văn
3.3.2. Kết cấu theo mạch liên tưởng
Bên cạnh kiểu kết cấu xâu chuỗi sự kiện là kiểu kết cấu theo mạch liên tưởng. Đây là kiểu kết cấu đặc trưng, phù hợp nhất của thể loại ký sự. Yếu tố quan trọng vào bậc nhất ở ký sự là cảm xúc của nhà văn trước sự kiện nào đó, cảm xúc không tuân thủ theo nguyên tắc, khuôn khổ nào, cảm xúc được tự do nên tính tùy hứng cũng phát huy rõ rệt, điều này lý giải tại sao tác giả ký sự lại sử dụng kết cấu liên tưởng trong các tác phẩm của mình. Các sự kiện được gợi ra theo cảm xúc của nhà văn, sự kiện này xen lẫn sự kiện kia, hiện tại có thể được trộn lẫn với quá khứ hoặc tương lai, hoặc có lúc cả ba trộn lẫn trong một câu văn, đoạn văn. Sự không trật tự, không lôgic, không tuân thủ theo một nguyên tắc nào lại đưa lại hiệu quả nghệ thuật cao hơn bất cứ loại kết cấu nào. Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng làm được điều này, nó đòi hỏi trình độ nghệ thuật của nhà văn phải cao, có kinh nghiệm trong viết lách, đặc biệt có khả năng miêu tả và biểu cảm một cách hấp dẫn. Để đạt được điều đó nhà văn cần sử dụng nhiều thao tác như quan sát, liên tưởng, tưởng tượng ở hình ảnh nghệ thuật chứ không chỉ ở hình ảnh sự kiện. Điều này cũng đòi hỏi
sự tinh ý của người đọc, vì sáng tạo và tiếp nhận văn học cả nhà văn và người đọc đều phải vào cuộc.
Trong Ký sự nhân vật người viết không bao giờ chỉ đơn thuần kể một
câu chuyện, thể hiện đơn thuần một dòng cảm xúc, mà thường xuyên lồng chuyện, cảm xúc gợi cảm xúc, cái này liên tưởng cái kia một cách phong phú, sinh động. Tiêu biểu như tác phẩm Đời người xuyên thế kỷ, mở đầu những trang văn là khoảng thời gian hiện tại mà ở đó nhân vật tìm đến nhà văn làm thế nào để gặp được bác sĩ Doray? Doray là một chuyên gia Pháp, đến Việt Nam nghiên cứu những chấn thương tâm lý do hậu quả chi ến tranh. Tiếp đó, tác giả lại lồng vào câu chuyện lúc trước mình làm phóng viên viết về “một
nữ chiến sĩ công an được bác Hồ thưởng huy hiệu…” đã từng gặp một người
trên trăm tuổi với hình ảnh “Cụ bà nhắm nghiền sống đời sống thực vật chỉ
còn lại trong tôi ấn tượng về sự sống đau đớn ít ý nghĩa” [11, tr.16]. Theo lối
đó mà hình ảnh của Trần Thủ Độ dưới mắt nhìn của nhà văn cũng được hiện ra. Rồi nhà văn mới quay trở về hiện tại “Hôm nay, dường như sự xuất hiện
của ông đã mang không khí huyền thoại”. Tác giả không lý giải ngay việc vì
sao ông Hoàng Đạo gặp bác sĩ, mà muốn người đọc quay trở về với những năm đầu cách mạng và hiểu cả cuộc đời ông: “Quay về tận cái nơi sóng biển
xanh đã vang tiếng nổ từ năm 1950 ngoài khơi Thanh Hóa…”[11, tr.17]. Trên
đây chỉ là khái quát của những phân đoạn ngắn của tác phẩm, xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm thì kiểu kết cấu này khá phổ biến. Đời người xuyên thếkỷ là tác phẩm có sự lồng ghép giữa hai ngôi kể, nên các sự kiện diễn biến không chỉ phụ thuộc vào dòng suy nghĩ, cảm xúc của tác giả mà đó còn là của nhân vật.
Trong Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống, ngay tại mục một, mở đầu
tác phẩm là vào lúc hiện tại với thời gian và địa điểm cụ thể : “Bảy giờ kém
phía sau”[12, tr.11] để chuẩn bị đón tàu về Hải Phòng mang đồng đội về quê
nhà thì được các phóng viên Nhật của hãng NDN đang quay lại toàn bộ cảnh anh xuống tàu với túi xách có bộ hài cốt của Hòa. Rồi lần theo sự hồi tưởng của Bản đã kể về những năm trước đó “Mấy năm trước, anh cũng đã đưa kiên
về”, Kiên cũng là đồng đội cùng quê hương với Bản và cùng nhau “đi B” vào
Nam chiến đấu, “chỉ còn lại mỗi anh về”. Bản đã thuật lại việc tìm kiếm hài cốt của Hòa cũng không hề dễ dàng, “Riêng với bộ hài cốt của Hòa người
bạn đang nằm trong cái túi đem theo đây, Bản đã đi lại khảo sát tới mười lần mới có buổi ra quân năm mươi đội viên xung kích chữ thập đỏ bữa ấy cho nhà báo Nhật đi cùng”[12, tr.13]. Tại nơi tìm ra dấu vết của Hòa, gợi lại trận
đánh của tiểu đoàn với Sư 25: “Nơi này vào tháng 6 -1969 tiểu đoàn anh đánh
nhau dữ dội với Sư 25 nổi tiếng của Mỹ”. Tiếp đó lại đề cập đến nhà báo Nhật
Buyno Ishikawa cũng đã từng theo Sư đoàn 25 này hoạt động như thế nào. Sau đó lại quay về với mảnh vườn nhà ông Út Đủ với việc tìm kiếm Hòa. Tại đây, Bản lại tiếp tục kể về những trận đánh mà “các liệt sĩ anh lấy hài cốt này
đã chiến đấu, hy sinh” theo đề nghị của nhà báo Nhật: “Lính xuống từ lộ lớn, từ đồng cao. Đó là năm 1969, Mỹ cử ba đại đội của Sư 25 từ phía bót Trung An xuống. Chúng cho bom, pháo dội tan nát rồi mới đổ quân. Bộ đội ngụy trang công sự kín, bám trụ chiến đấu, chờ địch đi sát vừa tầm bắn mới nổ súng…”[12, tr.19-20]… Sự kiện này cứ nối tiếp sự kiện kia, làm cho mạch
cảm xúc tưởng như không bao giờ dứt. Tuy nhiên, đó không phải là sự tản mạn, lan man mà các sự kiện đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ hiện tại trở về với quá khứ, từ quá khứ trở về hiện tại theo dòng cảm xúc của nhân vật, đã cho độc giả thấy được hình ảnh dũng cảm của các chiến sĩ đã hi sinh với những cuộc đụng độ với kẻ thù đầy ác liệt. Cùng với đó là hình ảnh người bác sĩ Trần Văn Bản, hy sinh lặng thầm trong suốt hành trình tìm
kiếm những người lính đã ngã xuống nơi trận mạc được trở về quê hương của mình.
Trong ký sự bố cục tuân theo dòng suy nghĩ, sự liên tưởng và cảm xúc của tác giả. Mà ở đó, nhà văn để cho nhân vật thả trôi theo dòng cảm xúc của mình một cách tự nhiên nhất từ đó thuật lại tất cả những vấn đề, sự kiện liên quan đến câu chuyện mà nhân vật muốn hướng tới. Những vấn đề đó sẽ được nhà văn sẽ ghi chép lại một cách trung thực nhất và đảm bảo được tính khách quan của tác phẩm.
Như vậy, kết cấu thuộc hình thức của tác phẩm, đó là sự tổng hợp các hình thức nghệ thuật để tạo thành một hệ thống. Nhờ kết cấu mà các yếu tố nghệ thuật được làm nổi bật và từ đó người đọc tiếp cận với nội dung tác phẩm được dễ dàng hơn. Lựa chọn kiểu kết cấu cho tác phẩm trong một giai đoạn là kết quả nhận thức thẩm mỹ của lớp nhà văn.