Cảm hứng lãng mạn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 31 - 35)

ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA LAN KHAI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN

2.1.1. Cảm hứng lãng mạn

Giai đoạn 1930 – 1945 được coi là “thời đại vàng” của văn học Việt Nam với sự phát triển mạnh mẽ của cả văn học lãng mạn, văn học hiện thực và văn học cách mạng. Sáng tác chủ yếu trong giai đoạn này, Lan Khai là một trong những trường hợp đặc biệt mà sự nghiệp sáng tác có dấu ấn của rất nhiều trào lưu và khuynh hướng văn học với một chút lãng mạn, một chút hiện thực. Trước khi viết tiểu thuyết lịch sử, năm 1928, với việc cho ra đời tiểu thuyết diễm tình Nước hồ Gươm, Lan Khai ngay lập tức được xếp vào nhóm tác giả theo chủ nghĩa lãng mạn.

Cảm hứng lãng mạn được thể hiện trong tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai ở sự đề cao tình yêu đôi lứa, ở sự cảm thông, vị tha trong tình yêu. Tình yêu và sự kì diệu của tình yêu luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà văn nhà thơ. Trong các cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai, chúng tôi nhận thấy ít có cuốn nào vắng bóng tình yêu đôi lứa. Tình yêu đôi lứa luôn tồn tại ở mọi không gian và thời gian. Tình yêu của Liếp Ly và Trâm trong Liếp Ly, Thuật và Tép trong Lầm than, tình yêu của cô

Dung, tình yêu và lòng vị tha trong Tội và thương,...

Liếp Ly là người con gái Lào xinh đẹp, không những thế nàng còn là nữ chúa của một tộc người hùng mạnh đầy bí ẩn. Nàng yêu Trâm và sẵn sàng từ bỏ tính mạng và cả ngôi vị để được ở bên chàng. Ngược lại, Trâm cũng rất yêu và say mê vẻ đẹp không gì có thể so sánh với nàng. Chàng rất hạnh phúc khi có được trái tim của Liếp Ly. Hai người đã trải qua hiểu lầm, sự toan tính, đố kỵ và cả sự hi sinh mới được ở bên nhau. Tiểu thuyết Liếp

Ly đã thể hiện được sự sáng tạo của Lan Khai khi đề cập đến tình yêu đôi

lứa. Đó là một tình yêu vượt biên giới và chấp nhận những hi sinh cao cả.

Với Lầm than, ngoài bức tranh chân thực về môi trường sống và

làm việc khắc nghiệt, cuộc đời lầm than của những người thợ mỏ, Lan Khai cũng đan xen vào đó tình yêu thật cao thượng của Thuật dành cho Tép, tình yêu và cả sự kính trọng của Tép đối với Thuật. Trong khi mọi người dè bỉu thậm chí xúc phạm Tép, Thuật chỉ thấy Tép đáng thương vì anh biết được tấm lòng hiếu thảo của cô “Không như bọn kia, Thuật không khinh Tép, không chửi Tép là đồ nhà thổ. Trái lai, Thuật cảm thấy một thương xót vẩn vơ đối với cô gái mà người ta đương rè bỉu như một vật cực kỳ ghê gớm” [49, tr.96]. Từ sự cảm thông, Thuật dần dần dành cho Tép một tình cảm đặc biệt “Trong cái mờ sáng của ngọn đèn dầu sở, Thuật nhìn chỗ nào cũng thấy phảng phất nụ cười của Tép nó khiến anh trở nên mơ màng như một nhà làm thơ” [49, tr.122]. Để rồi cuối cùng Thuật đã xin phép bố mẹ cưới Tép làm vợ. Thuật đã cảm thông và yêu, muốn gắn bó cả đời với một người phụ nữ mà bọn con trai đều khinh rẻ, xúc phạm cho thấy Thuật là một người có một nhân cách cao thượng, giàu lòng vị tha. Tình yêu của Thuật và Tép xuyên suốt tác phẩm như nguồn sáng, nguồn hi vọng cho cuộc đời lầm than dằng dặc của những người thợ mỏ.

Nhân vật Trọng – chồng của Liên trong Tội và thương cũng là một minh chứng cho tình yêu cao thượng. Trọng biết vợ ngoại tình nhưng vì còn yêu vợ, vì con chàng đã thuê một người phụ nữ tống tiền Liên với mong muốn Liên sẽ thú thật và quay về với gia đình, mặt khác Trọng cũng nhiều lần thể hiện mình sẵn lòng tha thứ nếu vợ thú thật. Khi thấy Liên bị dồn vào đường cùng phải chọn cái chết để tìm kiếm sự thanh thản, Trọng thú thật tất cả:

Tôi có ngờ đâu mình sợ hãi đến như vậy... Tôi chỉ muốn làm cho mình nhớ đến bổn phận của mình mà thôi... Tôi chỉ muốn mình trở lại cùng tôi và các con chúng ta... Tôi

chẳng đã tỏ cho mình thấy nhiều lần rằng tôi sẵn sàng tha thứ đấy ư?... Nhưng mình có hiểu đâu... Tôi thấy mình khổ cực, tôi đau đớn lắm... Tôi vẫn theo mình từng bước... ấy chính vì các con mà tôi ao ước mình quay về... Bây giờ thì xong xuôi cả rồi...[68, tr.58].

Trọng yêu thương vợ con hết mực và cũng luôn mong muốn có được tình yêu. Vì thế, Trọng đã đau đớn vì Liên trong một thời gian dài. Sự bất an, sầu khổ của Liên như được đo đếm bằng sự đau đớn và lo lắng của Trọng. Lời thú nhận của Trọng đã nâng cao hơn tấm lòng vị tha của anh. Chấp nhận tha thứ cho Liên là Trọng cũng đang cho mình cơ hội để có được một gia đình hạnh phúc, yên ấm.

Trong tác phẩm Cô Dung, Lan Khai cũng đề cập đến tình yêu đôi

lứa song với sắc thái khác, hoàn cảnh khác. Kính và Nhuận đều là học trò của ông đồ Khoan – cha Dung. Cả hai người đều thầm yêu Dung, nhà Nhuận rất giàu còn Kính thì ngược lại, vì thế Kính rất mặc cảm với Dung, biết Dung yêu mình nhưng không dám tiến tới. Những giày vò, mặc cảm của Kính phần nào thể hiện được tình yêu của chàng đối với Dung:

... Lấy Dung ư? Kính chỉ e mình nghèo thì Dung suốt đời sẽ khổ sở. Lánh xa Dung? Kính chắc sẽ đau đớn, sẽ tiếc hận vô cùng, khi chính mắt chàng phải thấy Dung lọt vào tay kẻ khác, như Nhuận chẳng hạn. Thực tình, Kính không hiểu tại sao mình có thể đau đớn, tiếc hận, nếu Dung sẽ lấy Nhuận, nghĩa là Dung sẽ được sung sướng, vẻ vang. Yêu Dung, Kính chẳng vẫn ước mong, cầu khẩn cho Dung một cảnh đời may mắn hơn cảnh đời của bà mẹ Dung đó ư? [64, tr.19].

Dung cũng yêu Kính, một tình yêu rất sâu nặng nhưng không thể vượt lên trên chữ hiếu, nàng chấp nhận hi sinh tình yêu để làm tròn chữ

hiếu. Sau khi Nhuận mất, Kính có ý muốn chắp nối lại tình nghĩa xưa với Dung nhưng cô không đồng ý vì muốn “hết đạo làm dâu và cố lo đầy đủ cho cái phận sự của người mẹ”. Đồng thời, cô có ý mai mối Kính với Hạnh, muốn Kính lấy Hạnh vì “Anh lấy người ấy tức là anh cứu cho ba cuộc đời khỏi chìm đắm: đời vợ anh, đời anh và đời của em” [64, tr.64]. Việc Dung mai mối Hạnh cho Kính đã tô thêm những nét đức tính đáng quý ở Dung.

Tình yêu đôi lứa có muôn hình vạn trạng. Với Lan Khai, ông đề cao tình yêu cao thượng, sự vị tha trong tình yêu: Thuật dành cho Tép trong

Lầm than hay Trọng đối với Liên trong Tội và thương; sự hi sinh tình yêu

cho những điều cao cả hơn ở tác phẩm Cô Dung, đó là những cách Lan

Khai chọn nói về tình yêu đôi lứa - góp phần làm nổi bật cảm hứng lãng mạn trong các tác phẩm của ông.

Ngoài ra, cảm hứng lãng mạn trong tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai còn được thể hiện ở sự đề cao những giá trị đạo đức vốn có của dân tộc ta, đặc biệt là người phụ nữ. Hiện lên trong Lầm than là nhân vật

Tép không chỉ đẹp người, Tép còn rất cần cù, chăm chỉ và hiếu thảo. Vì muốn có tiền để thuốc thang cho mẹ, cô đã trở thành nạn nhân cho cai Tứ lấy lòng quan trên. Từ đó, mọi người dần xa lánh, khinh rẻ và dè bỉu Tép. Cô cảm thấy đau đớn, tủi nhục cho thân phận mình. Nhiều lúc cô đã nghĩ đến cái chết nhưng vì hiếu thảo, Tép chấp nhận cảnh sống địa ngục cả về thể xác lẫn tâm hồn để có tiền chăm lo cho mẹ. Vì thế, khi biết được Thuật yêu mình, cô không dám tin vào điều đó vì cô cảm thấy bản thân mình nhơ nhớp, không xứng với Thuật. Có được tình yêu của Thuật và sự đồng ý của cha mẹ Thuật, Tép rất hạnh phúc, cô cảm thấy mình vẫn còn được may mắn sau biết bao tủi nhục, đau đớn. Cô trân trọng tình cảm Thuật và gia đình đã dành cho mình. Sau khi về làm dâu nhà Thuật, Tép là một nàng dâu hiền thảo, luôn hết lòng vì cha mẹ chồng, vì chồng, vì con.

Nhân vật cô Dung trong tiểu thuyết cùng tên cũng góp phần tô đậm những nét phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Cô là người con gái hết sức hiếu thuận, đảm đang. Cô chấp nhận hi sinh tình yêu để làm tròn chữ hiếu. Sau khi về nhà chồng, Dung làm tròn trọng trách của nàng dâu hiền thảo, người vợ đảm đang. Cô nuôi con chồng không một lời than trách, chăm sóc như con ruột của mình. Sau khi chồng mất, cô có quyền đi tiếp bước nữa nhưng cô vẫn chọn ở vậy để chăm sóc con chồng được đầy đủ, lo cho mẹ chồng cho vẹn đạo dâu con. Ở đây, Dung đã đặt tình yêu sau chữ hiếu, hạnh phúc cá nhân sau trách nhiệm của bản thân và sự yên ấm của gia đình. Dung là một con người cam phận, nhẫn nại hi sinh vì cha, vì chồng, vì những tín niệm truyền đời bất di dịch. Cô là người đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Như trên đã nói, giai đoạn 1930 – 1945 là giai đoạn văn học lãng mạn phát triển rất mạnh. Tuy cảm hứng lãng mạn là một trong những cảm hứng chủ đạo của tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai nhưng ta không thấy ở đó sự thoát li thực tế để đề cao, tuyệt đối hóa tình yêu hay sự lãng mạn mà luôn xen lẫn vào đó là hiện thực, là sự đề cao những giá trị đạo đức vốn có của dân tộc ta, đặc biệt là người phụ nữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)