ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA LAN KHAI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN
2.3.3. Những tình huống cụ thể trong việc khắc họa tâm lý nhân vật
Tình huống có vai trò quan trọng trong tác phẩm. Sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để tạo nên những tình huống truyện khác nhau đã làm nên đặc trưng riêng cho nhà văn trên con đường chiếm lĩnh hiện thực đời sống. Nhà văn nhạy cảm và có tài cần phải biết phát hiện các tình thế đời sống và tái tạo nó thành các tình huống. Nghĩa là cần phải đặt nhân vật của mình vào những tình huống nhất định mà trong đó “một tính cách nhất
định được thể hiện ra một cách đầy đủ và thích hợp nhất” [9, tr.236]. Sự đa dạng và phong phú của cuộc sống diễn ra trong những tình thế rất khác nhau. Bởi vậy, nhà văn cũng tạo nên trong tác phẩm những tình huống khác nhau để phản ánh đời sống một cách trung thực, khách quan và sâu sắc nhất. Tìm hiểu các dạng thức tình huống đặt ra trong sáng tác của nhà văn là công việc cần thiết trong quá trình tìm hiểu phong cách nghệ thuật của họ.
Trong mỗi tiểu thuyết tâm lý xã hội, Lan Khai đều tạo được những tình huống để nhân vật bộc lộ tính cách của mình. Đặt nhân vật trong tình huống éo le, gay cấn hay trong quan hệ tình yêu – hôn nhân là hai trong những tình huống tiêu biểu trong các tác phẩm của ông.
Ở mỗi tác phẩm, Lan Khai đều tạo ra những thời khắc, tình huống khác nhau, nhưng chung quy là để số phận tính cách nhân vật được hiện lên một cách rõ nét. Đặt nhân vật trong tình huống éo le gay cấn là một trong những đặc điểm cơ bản trong tiểu thuyết của ông. Quá trình vật lộn giữa con người và hoàn cảnh cũng là quá trình con người làm xuất hiện những quy luật mới của đời sống. Bằng cách tạo ra những tình huống éo le gay cấn, Lan Khai xây dựng thành công thế giới nhân vật trong từng hoàn cảnh cụ thể như: Khải (Mực mài nước mắt), cô Dung (Cô Dung), Tép (Lầm than),...
Nỗi dằn vặt của nhà văn Khải trong Mực mài nước mắt xoay quanh gánh nặng cơm áo gạo tiền cho cả gia đình. Bản thân Khải bị mắc bệnh suyễn, thường xuyên tái phát “mỗi mùa đông lại, hoặc phải khi mưa nắng thình lình” [66, tr.4]. Những cơn đau chết dở, sống dở luôn hành hạ chàng. Nhà đã túng lại càng thêm quẫn bách “nợ cũ chỉ chồng chất thêm nợ mới; những câu cục cằn, những lời bỉ thử váng lên như ong... Chàng luôn luôn tự hỏi: “Làm cách nào cho ra tiền ? để càng thấy quẫn bách hơn
lên. Cả những lúc mệt quá ngủ chợp đi, Khải cũng vẫn thường bị các mộng ảnh ghê gớm, các hoảng hốt bất thần, ấy là chưa kể các cơn ho nó dựng phắt dậy” [66, tr.4-5]. Trong hoàn cảnh đó, Kim - vợ Khải - đã hơn trăm lần đay đi đay lại về cái việc Khải đòi tăng tiền nhuận bút, nó đã khiến cho nhà Nghệ thuật tuyệt giao với chàng dẫn đến cảnh túng quẫn như hiện tại làm chàng thêm khổ sở, chán nản. Nhưng cũng trong hoàn cảnh đó, Khải vẫn không từ bỏ nghiệp văn chương. Đối với Khải, văn chương là cuộc sống, là hơi thở, là tín ngưỡng của chàng.
Nhân vật Dung trong tiểu thuyết Cô Dung là một người phụ nữ
nông thôn đẹp người, đẹp nết, đặc biệt là rất hiếu thảo với cha mẹ. Cô yêu Kính rất nhiều, cô luôn nghĩ rằng mình sẽ là vợ Kính. Nhưng nhà Kính quá nghèo nên cha cô không đồng ý cho cô lấy Kính. Không phải cha cô tham giàu mà ông sợ Dung nếu lấy Kính sẽ phải khổ như người vợ đã qua đời của ông. Ông mong mỏi Dung lấy Nhuận, một người vừa tốt vừa giàu có. Trong hoàn cảnh cha già đau yếu, mắt sắp lòa, Dung không còn sự lựa chọn nào khác là nghe theo sự sắp đặt của cha. Cô chấp nhận vì mong muốn những ngày cuối đời của cha sẽ được hạnh phúc, thanh thản, và trước nhất là sẽ có tiền lo thuốc thang chu đáo cho cha. Nhưng dù có lẩn tránh vào nghĩa vụ, Dung vẫn không thôi đau đớn và hổ thẹn. Dù vậy, sự lựa chọn cuối cùng của cô là chữ hiếu, là trách nhiệm đối với người cha của mình. Sau này, khi chồng của Dung qua đời, Kính mong muốn Dung đến với mình nhưng cô không đồng ý vì điều ưu tiên nhất trong đời cô là trọn hiếu với cha, vẹn đạo làm dâu, trách nhiệm làm vợ và cả bổn phận của người mẹ.
Mọi biến động, đổi thay trong xã hội đều tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống của con người. Sống trong xã hội bất công vô nhân đạo, số phận người lao động lại càng khổ cực muôn phần. Trong Lầm
than, ngoài Tép thì Thuật cũng là nạn nhân của xã hội bất công lúc bấy
giờ. Thuật là một chàng trai quê thật thà, chất phác. Đến với vùng mỏ là việc bất khả kháng của Lộc. Là người nhạy cảm, anh sớm nhận thức được nguyên do nỗi khổ đau của con người và không tin vào số mệnh. Khi yêu Tép, anh dám đấu tranh thẳng thắn với những thành kiến để cưới Tép. Khi anh và Tép đến được với nhau thì ai cũng những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với anh từ đây. Nhưng cai Tứ và chủ Tây vẫn không tha cho Tép. Khi bị cai Tứ dùng lời ngon ngọt để lừa anh đem vợ dâng cho chủ Tây, anh đã bình tĩnh nhận rõ bộ mặt lòng lang dạ sói của cai Tứ. Sự phản kháng của anh trong hoàn cảnh éo le, gay cấn tuy bằng lời lẽ mộc mạc nhưng rất sắc bén:
- Vợ ông, ông còn muốn giữ thì vợ tôi, tôi cũng tiếc chứ lại! Cớ sao ông lại đem cái điều chính ông không thích mà xui tôi làm?...
Cai Tứ ngồi nhỏm dậy:
- Cái ấy đã hẳn. Một thằng khố rách như anh ví với tôi thế nào được!
- Một thằng khố rách nhưng nó là người thì nó không bao giờ lại ví được với giống mặt người dạ chó! [49, tr.225].
Qua hành động chống lại cai thầu và chủ, Thuật đã chứng tỏ bản lĩnh của bản thân nói riêng và của tầng lớp những người lao động nghèo khổ nói chung. Tuy hành động này là tự phát nhưng nó nói lên ý thức về quyền sống và hạnh phúc của người lao động đã thức tỉnh. Những người như Thuật chắc chắn sẽ là những người đầu tiên hòa mình vào phong trào cách mạng trong một ngày không xa.
Với việc đặt nhân vật trong những tình huống éo le, gay cấn khác
nhau, Lan Khai chỉ ra được những mâu thuẫn phức tạp trong tâm hồn nhân vật một cách chân thực, sinh động. Đồng thời, qua đó người đọc cũng nhận ra được những phẩm chất, tính cách đặc trưng của các nhân vật ấy.
Bên cạnh việc đặt nhân vật trong những tình huống éo le, gay cấn thì Lan Khai còn đặt nhân vật trong quan hệ tình yêu – hôn nhân để khắc họa tâm lý nhân vật.
Trong Lầm than, tình yêu Tép dành cho Thuật vừa là sự kính trọng, hàm ơn vừa là tình cảm đôi lứa sâu sắc. Khi về nhà Thuật, Tép được sống hạnh phúc với một gia đình hòa thuận trong thế giới lầm than ấy. Thế nhưng, hạnh phúc không kéo dài được lâu. Khi biết tên chủ Tây vẫn còn để ý đến mình, Tép cảm nhận được tai họa đang chực đổ ập xuống gia đình mình. Vì thế, cô lo lắng không yên khi nghe chồng đánh lại cai Tứ và chủ Tây. Không khác với dự cảm, gia đình cô rơi vào hoàn cảnh đổ vỡ, cô một lần nữa đối diện với nỗi đau đớn, mất mát. Trong đơn côi, lạc lõng cô lại tưởng tưởng ra những mất mát mình sắp gặp phải. Khi Tép bị dồn đến đường cùng, thì sức mạnh tinh thần của người phụ nữ nhỏ bé đã được nhân lên gấp bội, cô đã lột trần bản chất lòng lang dạ sói của tên cai thầu - kẻ thù của mọi sự bình yên hạnh phúc “Mẹ anh, chị anh, em gái hay vợ nhớn vợ bé anh, anh để làm gì ! Bước ngay đi đồ chó !...” [49, tr.250]. Hành động của Tép là hành động của bản năng bảo vệ hạnh phúc gia đình, là sự phản kháng của người phụ nữ có tình yêu thương chồng con vô hạn, là kết quả của quá trình bị dồn nén đến uất ức, của sự thức tỉnh ý thức phẩm giá làm người. Tép là chân dung người phụ nữ lao động nghèo khổ nhưng tâm hồn trong sáng lương thiện, biết tìm ra hạnh phúc và giữ gìn hạnh phúc, nhưng thế lực đen tối đã cướp đi nguồn hạnh phúc nhỏ bé của Tép và đẩy cô vào cảnh vợ lìa chồng, con lìa cha.
Trong Tội và thương, tác giả tập trung khai thác vấn đề khác trong
quan hệ hôn nhân - gia đình. Liên có một gia đình sung túc, đầy đủ với chồng là trạng sư được trọng vọng, hai đứa con rất đáng yêu. Nhưng Liên lại ngoại tình và Trọng - chồng của Liên - biết được. Trọng yêu thương Liên hết mực, luôn sẵn sàng tha thứ, luôn mở rộng vòng tay để Liên trở về với sự yên ấm, hạnh phúc của gia đình nếu Liên thú nhận tất cả. Vì thế, Trọng đã thuê một người phụ nữ tống tiền Liên và nhiều lần bóng gió muốn Liên thú nhận. Nhưng Liên không nhận ra điều đó. Khi bị người phụ nữ kia dồn vào đường cùng, nàng đã chọn cái chết vì nàng không đủ can đảm thú nhận với chồng. Trọng cứu được Liên và tha thứ cho Liên tất cả. Tác giả đã đặt Liên và Trọng vào sóng gió của gia đình và mỗi người có cách ứng xử khác nhau. Qua đó nhân vật cũng thể hiện rõ tính cách của mình. Liên là người phụ nữ trọng danh dự nhưng lại đánh mất nó vì mạo hiểm phiêu lưu, vượt ra ngoài khuôn phép đạo đức. Ngược lại, Trọng là một người chồng mẫu mực, hết sức bao dung và vị tha, luôn vì hạnh phúc của gia đình.
Đặt nhân vật trong quan hệ tình yêu – hôn nhân, Lan Khai đem đến cho người đọc một quan niệm mới về tình yêu đích thực, lòng vị tha vô bờ bến. Chính những điều đó đã tạo động lực cho con người phản kháng hay sẵn sàng tha thứ. Đó cũng chính là một quan niệm đẹp, có ý nghĩa nhân bản, mang giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.
Tiểu kết: Qua những phân tích, tìm hiểu ở trên chúng tôi nhận thấy trong các tiểu thuyết tâm lý xã hội, Lan Khai đã có những cảm hứng sáng tạo hấp dẫn, có sự tìm tòi trong việc tìm kiếm đề tài mới. Đặc biệt, thế giới nhân vật hết sức phong phú. Việc đặt nhân vật vào các tình huống khác nhau để phân tích tâm lý cũng thể hiện sự đổi mới, khả năng nắm bắt tâm lý sắc sảo của Lan Khai.
Chương 3