Phương thức thể hiện cốt truyện đậm chất kịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 83 - 89)

ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA LAN KHAI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN KẾT CẤU,

3.2.2. Phương thức thể hiện cốt truyện đậm chất kịch

Để tạo kịch tính cho câu chuyện, Lan Khai đã sử dụng nhiều thủ pháp khác nhau. Xây dựng cốt truyện trong những tình huống đầy xung đột, đầy kịch tính là một trong những thủ pháp đó.

Việc tổ chức cốt truyện cũng không loại trừ việc tổ chức triển khai

hệ thống các biến cố và tạo ra các tình huống trong truyện nhằm làm cho cốt truyện diễn ra kịch tính. Tính kịch là biểu hiện những xung đột của hiện thực đã được chắt lọc lựa chọn. Xung đột bắt buộc phải giải quyết bằng sự đấu tranh gay gắt, quyết liệt. Chính xung đột là nhân tố quan trọng tạo nên độ căng của cốt truyện. Thông qua cuộc đấu tranh để giải quyết xung đột thì các tính cách của nhân vật mới được bộc lộ một cách rõ rệt nhất. Và nhiệm vụ của cốt truyện không chỉ là phản ánh hiện thực mà còn là phát hiện ra ý nghĩa bản chất của hiện thực được che giấu sau các xung đột có kịch tính này.

Đọc những tiểu thuyết như Lầm than, Mực mài nước mắt, Liếp Ly,

Tội nhân hay nạn nhân, Cô Dung…ta thấy những tác phẩm này gây hấp

dẫn bạn đọc, không phải ở số đông nhân vật hay nhiều sự kiện, mà là những kết cấu gọn gàng, đơn giản nhưng đầy kịch tính. Tác giả đã tạo ra nhiều hoàn cảnh để dẫn đến xung đột để dẫn đến kịch tính. Hoàn cảnh người thợ bị áp bức, bóc lột, đè nén trong Lầm than; hoàn cảnh

giáo dục nghiêm khắc của gia đình đặc biệt là người cha trong Tội nhân

hay nạn nhân; hoàn cảnh nghèo khó, cha bị bệnh nặng, mang nặng lòng

hiếu thảo của Dung trong Cô Dung; sự hiểu lầm giữa Liếp Ly và Trâm trong Liếp Ly,... Tất cả những hoàn cảnh ấy đã tạo tình huống có vấn đề cho mỗi tiểu thuyết.

Ví dụ, trong Liếp Ly, nhà văn đã tạo ra tình huống “hiểu nhầm” cho Liếp Ly và Trâm. Thời điểm “hiểu nhầm” được đẩy lên đến đỉnh điểm là khi hai người gặp nhau. Sau đó, nhờ cứu được Liếp Ly khỏi chết đuối lần thứ hai mà mọi hiểu lầm giữa hai người được hóa giải. Hay trong Tội và

thương, cũng nhờ hành động uống thuốc tự tử của Liên mà Trọng đã tha

thứ lỗi lầm, hóa giải những đau khổ, dằn vặt trong Liên.

Hay cốt truyện Lầm than cũng chứa đầy kịch tính. Những kịch tính

được thể hiện qua vở kịch mà cai Tứ dựng lên. Hai lần hắn đến nhà Thuật Tép là hai lần hắn dày công sắp sẵn kế hoạch để đạt được mưu đồ đê tiện của mình bất chấp việc phá vỡ tổ ấm của họ.

Thủ pháp thứ hai tác giả sử dụng để tạo tính kịch là xây dựng tình tiết đậm chất kịch. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Tình tiết còn gọi là

trường đoạn. Tình tiết không nhất thiết hợp với cốt truyện, một yếu tố cốt truyện có thể được trình bày qua nhiều tình tiết” [16, tr.345]. Như vậy, tình tiết là đơn vị lớn hơn chi tiết. Những yếu tố cụ thể - chi tiết cụ thể tạo thành sự kiện được gọi là các tình tiết. Tình tiết chính là diễn biến của cốt truyện. Đó là những khúc đoạn mà chính tại đây nhân vật thăng hoặc trầm. Một yếu tố của cốt truyện có thể được trình bày qua nhiều tình tiết khác nhau.

Trong sáng tác của Lan Khai mỗi câu chuyện chứa đựng một mâu thuẫn xã hội được đặt ra. Mâu thuẫn được phát triển theo chiều hướng tăng cấp đến đỉnh điểm. Đây là nơi để nhân vật bộc lộ tính cách và bản chất một cách rõ nét. Lan Khai xây dựng các câu chuyện trên những mâu thuẫn, xung đột theo chiều hướng tăng cấp. Các tình tiết ở đây được sắp xếp một cách logic, có trình tự nhằm mang lại hiểu quả nghệ thuật cao nhất. Đây là một thủ pháp nghệ thuật thu hút sự chú ý của độc giả. Người đọc bị cuốn hút bởi sự tò mò, không biết truyện sẽ đi đến đâu. Cách sắp xếp tình tiết tăng cấp mâu thuẫn làm cho các biến cố, sự kiện trở nên căng thẳng. Từ đó nhà văn nêu ra những vấn đề khái quát có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Trong Tội và thương, người phụ nữ tống tiền Liên đã dần tăng thêm theo số lần mà người này đòi hỏi, từ vài chục đến trăm và vài trăm, rồi còn lấy luôn cả nhẫn ngọc của Liên. Trọng cũng dần đối xử khác với Liên làm cho Liên cảm thấy càng ngày càng lo sợ, càng thấp thỏm, lo âu rồi

đến đau đớn, tuyệt vọng. Tâm trạng của Liên diễn biến ngày càng theo hướng bế tắc hơn qua mỗi tình tiết tăng cấp như thế. Lúc đầu, nàng vẫn giữ được bình tĩnh khi tin rằng người phụ nữ tống tiền kia không biết mình. Dần dà, sự tự tin trong Liên nhường chỗ cho sự lo lắng, sợ hãi, răm rắp đưa tiền theo yêu của người phụ nữ ấy. Cuối cùng, Liên bị dồn đến đường cùng, hoặc là chấp nhận mất phẩm giá thú thật với chồng hoặc là chọn cái chết. Sự sắp xếp các tình tiết tăng cấp dần ở tác phẩm này làm cho chất kịch được thể hiện rõ.

Sắp xếp tình tiết tác phẩm theo kiểu tăng cấp mâu thuẫn thể hiện rõ rệt và sâu sắc trong Lầm than. Giữa Thuật, Tép và cai Tứ, chủ Tây đã có mâu thuẫn bởi cai Tứ và chủ Tây là những kẻ hãm hại Tép, khiến Tép phải chịu bao ánh mắt khinh bỉ, bao búa rìu của dư luận. Thuật là người hơn ai hết yêu và bênh vực Tép, là người hiểu rõ bản chất xấu xa của bọn áp bức, bóc lột kia. Mâu thuẫn đó được tăng cấp lên khi cai Tứ và chủ Tây không để yên cho cái gia đình nhỏ nhoi, hạnh phúc của hai vợ chồng tép cùng đứa con thơ. Chủ Tây muốn Tép thỉnh thoảng lên “hầu hạ” nên cho cai Tứ thỏa thuận với Thuật. Lúc này cai Tứ và chủ Tây gặp phải sự phản kháng quyết liệt của Thuật và Tép. Xung đột xảy ra Thuật “dạy cho chúng một bài học làm người” đã một lần nữa khẳng định bản chất của con người lương thiện. Sự tăng cấp mâu thuẫn trong câu chuyện không chỉ nhằm vạch trần bản chất của mâu thuẫn giai cấp giàu - nghèo mà còn vạch trần bản chất của xã hội thực dân biến chất đầy bi kịch.

Như vậy, xây dựng tình tiết theo hướng tăng cấp mâu thuẫn là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo làm tăng sự chặt chẽ trong kết cấu theo một mạch thẳng. Thủ pháp nghệ thuật này cũng tạo ra những yếu tố giàu kịch tính mà trong đó, các nhân vật thể hiện mâu thuẫn như đang biểu diễn trên sân khấu, hoặc như trong một cảnh phim để “lộn trái” bộ mặt xã hội và

vạch trần bộ mặt của nó.

Cùng với thủ pháp tổ chức cốt truyện trong hoàn cảnh xung đột và xây dựng tình tiết đậm chất kịch thì Lan Khai cũng tổ chức không gian, thời gian nghệ thuật đậm chất kịch.

Như các tác giả khác, Lan Khai cũng có cho riêng mình một phạm trù không gian nghệ thuật có ý nghĩa như một thủ pháp để truyền tải những thông số nội dung, tư tưởng. Với một diễn tiến cốt truyện nhiều tình huống gay cấn, bất ngờ, đầy mâu thuẫn thì không gian trong tác phẩm cũng thường góp phần tạo dựng nên mâu thuẫn ấy. Dưới đây là một số loại không gian tiêu biểu trong tác phẩm của Lan Khai:

Không gian làm việc: Trong Lầm than ta thấy những người thợ mỏ như Thuật làm việc trong một “cái hầm vuông ăn sâu vào trong lòng một gò đất sỏi. Chiều cao cái hầm độ tám thước, rộng chừng hai thước có nhiều khúc gỗ chống cho khỏi sụt. Tuy mỗi người tay đều cầm một chiếc đèn mà thoạt đầu Thuật cũng choáng váng, thấy mình vụt như bị mù cả hai mắt, không nhìn ra vật gì nữa” [49, tr.82]. Đó là một không gian ngột ngạt, ở đó không có bóng dáng của sự sống, cái chết lúc nào cũng cận kề với họ. Những tưởng rằng họ đi làm việc là đi theo gót chân tử thần nhưng đó lại là nơi cho họ kiếm miếng ăn, cái mặc. Không gian đó vừa bị bó hẹp bởi không khí ngột ngạt, vừa bị bó hẹp trong quan hệ giữa người với người.

Không gian sinh sống: Trong Mực mài nước mắt, cả gia đình Khải

có sáu người với thằng nhỏ giúp việc phải chen chúc trong một phòng trọ chật hẹp ở một phố xép tồi tàn. Một không gian như thế lại bị bệnh tật, túng thiếu vây hãm càng làm cho nó càng trở nên ngột ngạt, tù túng. Hay trong Lầm than, khu trọ của hàng trăm công nhân là những túp nhà tranh lụp xụp không đủ sức che nổi nắng mưa. Khu trọ ngột ngạt đó cùng với không gian làm việc chật hẹp vừa đề cập ở trên làm cho những người thợ

thật sự đang sống trong địa ngục giữa trần gian. Họ dần trở nên lầm lũi, cam chịu như rằng cuộc đời họ vốn đã là như thế.

Bên cạnh đó, đôi khi để tạo kịch tính tác giả tạo ra những thời gian khoảnh khắc. Khoảnh khắc là khoảng thời gian ngắn ngủi đến tột độ. Nó là một chớp, một nhoáng, tích tắc, lượng thời gian không thể co ngắn hơn. Tại thời điểm đó, biến cố bắt đầu nảy sinh báo hiệu một sự thay đổi bất ngờ.

Trong Tội và thương, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhận ra mình không còn có thể quay đầu lại, Liên đã quyết định chọn cái chết để giải thoát tất cả

Cái hẹn chẳng đã gần lắm ư! Ngày kia! Bây giờ thì là nhất định rồi. Liên đã biết nàng sẽ phải làm những việc gì rồi. Ngày kia!Cái hẹn ấy đem lại cho nàng một yên nghỉ, nó làm cho dịu bớt sự kinh hoàng. Một sức hăng hái mới vừa phát sinh trong lòng thiếu phụ. Nó là cái sức mạnh để cho một người bám lấy cuộc sống. Nó là cái sức mạnh để cho một người dám nhận lấy cái chết. [68, tr.45].

Hay hành động bộc phát trong khoảnh khắc của Tép khi bị cai Tứ dùng lời ngon tiếng ngọt để dụ dỗ “Tép bỗng hoạt động hẳn lên, dữ dội một cách phi thường. Chị giật phăng lấy tập giấy bạc và ném vào mặt cai Tứ: - Mẹ anh, chị anh, em gái hay vợ nhớn vợ bé anh, anh để làm gì! Bước ngay đi, đồ chó!” [49, tr. 250].

Có thể nói, Lan Khai đã thực sự vận dụng rất nhiều phương thức để thể hiện cốt truyện đậm chất kịch trong tiểu thuyết của mình và mỗi phương thức đều mang lại những thành công nhất định. Nhờ những phương thức đó, người đọc cảm nhận được kịch tính trong tác phẩm và thực sự bị cuốn hút bởi nó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 83 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)