Tài người phụ nữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 54 - 58)

ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA LAN KHAI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN

2.2.3. tài người phụ nữ

Bên cạnh đề tài về đời sống công nhân, người trí thức, đề tài người phụ nữ cũng là một trong những đề tài nổi bật trong tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai. Hầu như không có một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội nào của Lan Khai lại không có bóng dáng của người phụ nữ. Viết về người phụ nữ không phải là đề tài mới trong văn học Việt Nam, tuy nhiên khi xây dựng hình tượng người phụ nữ trong các tiểu thuyết, Lan Khai đã làm mới đề tài này qua thái độ, quan niệm của mình về phái yếu.

Tép trong Lầm than là nhân vật có ngoại hình “xinh xắn, với một

gương mặt trái soan màu da trắng hồng, một cặp mắt trong, cái miệng nhỏ và tươi như cái nụ hoa tầm xuân và cái dáng người tầm thước” [49, tr.123]. Gia đình nghèo khó, Tép phải vất vả từ nhỏ, rồi cô cũng sớm mồ côi cha, mẹ thì đau ốm liên miên. Vì thế, Tép phải vào mỏ than làm thợ. Trong một lần mẹ ốm nặng không có tiền chạy chữa, Tép phải đến Cai Tứ

vay tiền. Nhan sắc của cô không thoát khỏi con mắt chủ Tây. Từ đó, cuộc đời cô hoàn toàn rơi vào bế tắc. Từ một cô gái được mọi người yêu mến, cô trở thành đối tượng bị bàn tán, giễu cợt, thóa mạ của mọi người. Đi đâu cô cũng bị người ta chế nhạo, ghê tởm, thành kiến khắc nghiệt về một tội lỗi không phải do cô gây ra. Tép tủi nhục, cô đơn nhưng thân phận mỏng phải câm lặng lao động kiếm tiền nuôi mẹ. Tép yêu Thuật nhưng mặc cảm với thân phận của mình nên không dám thổ lộ. Sau khi được Thuật và cha mẹ Thuật chấp nhận mình, Tép rất cảm động, hạnh phúc. Cô yêu Thuật hồn nhiên, chân thành và mang cả lòng biết ơn sâu sắc. Khi về nhà chồng, Tép luôn tỏ ra là một người vợ hiền, dâu thảo. Cha chồng bị bệnh, Tép chăm lo hết mực. Cô luôn biết kính trên nhường dưới, quan tâm săn sóc chồng tận tụy. Khi Thuật bị bắt giam, Tép rất đau khổ. Cô rất sợ cuộc đời cô sẽ lại bước vào con đường bi kịch như trước. Cô đến đề lao thăm chồng rồi “ôm con từ cổng đề lao về nhà, vừa đi vừa khóc như mưa như gió...Tép coi mười tám tháng tù của chồng bằng mười tám năm” [49, tr.247]. Cô tưởng tượng ra cái chết của chồng khi chập chờn mê tỉnh “...Một hôm trời đất u ám, chồng chị tắt thở trong nhà thương làm phúc. Người ta bỏ thây chồng chị vào một cái săng gỗ gạo mỏng chừng hai phân tây.” [49, tr.248]. Tép là một phụ nữ dịu hiền, nhưng cũng đồng thời chứa đựng trong mình một tiềm năng phản kháng. Khi bị đẩy đến giới hạn cuối cùng của sự đau đớn và phẫn nộ, Tép đã vạch trần bộ mặt xấu xa của tên cai thầu đểu cáng, khi hắn tiếp tục đến nhà dùng tiền mua chuộc Tép làm trò vui cho chủ “Tép bỗng hoạt động hẳn lên, dữ dội một cách phi thường. Chị giật phăng tập giấy bạc và ném vào mặt cai Tứ: Mẹ anh, chị anh, em gái hay vợ nhớn vợ bé anh, anh để làm gì ! Bước ngay đi đồ chó !...” [49, tr.250]. Lúc này, sức mạnh tinh thần của Tép được nhân lên gấp bội, bởi cô bị cai Tứ chạm đến vết thương lòng và bị xô đẩy đến bờ vực thẳm. Cô

đã vùng lên lột trần bản chất lòng lang dạ sói của tên cai thầu bóc lột - kẻ thù đối với sự bình yên, hạnh phúc.

Bên cạnh Tép, người đọc còn thấy xuất hiện những người phụ nữ lao động khác. Họ là những người mẹ, người vợ của những người phu mỏ. Họ cùng chung số phận người nghèo khổ bần cùng. Đó là vợ anh Nhỡ, do nhà nghèo nên bụng mang dạ chửa, sắp tới ngày sinh vẫn phải xuống hầm lò làm việc, chẳng may xe goòng đã cướp đi sinh mạng của hai mẹ con. Đó còn là hình ảnh hai người mẹ có chồng làm phu mỏ (mẹ Tép và mẹ Thuật), cả hai đều phải chịu cảnh đắng cay, cơ cực. Bà mẹ Tép, chồng chết vì sập lò, bản thân thì đau ốm, bệnh tật liên miên. Mẹ Thuật cả đời lầm lũi đắng cay, gánh chịu mọi sự khổ nhục của người chồng do giận cá chém thớt “Cuộc đời mụ là cuộc đời lặng lẽ và tối tăm lúc nào cũng chờ đợi sự đánh đập và những câu chửi bới” [49, tr.74].

Nhân vật cô Dung trong tiểu thuyết cùng tên cũng góp phần tô đậm những nét phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Cô là một người con gái xinh đẹp “Cứ kể về sắc đẹp thì nhiều cô gái đẹp trong làng cũng chẳng kém Dung là bao, nhưng nếu đem so với họ, Dung vẫn có một cái gì nó khiến cô như bông hoa thật lạc loài trong hoa giấy” [64, tr.13]. Hơn nữa, cô là người con gái hết sức hiếu thuận, đảm đang. Sau khi mẹ mất, cha bị bệnh, cô một mình lèo lái cả gia đình túng quẫn không một tiếng thở than. Cô yêu Kính nhưng không thể làm trái ý cha. Cô chấp nhận hi sinh tình yêu để làm tròn chữ hiếu, mặc dù, cô rất đau khổ và đến mãi sau này cô cũng chưa bao giờ quên Kính. Sau khi vâng lời cha lấy Nhuận thì:

Dung đột ngột thấy mình trơ lại với một trái tim đầy tiếc hận. Từ khi biết Kính, Dung chưa hề tưởng tượng có một ngày Dung phải xa cách Kính, chưa hề chờ đợi một éo le nào trong những éo le khe khắt mà cuộc đời vô thường vẫn đem

lại cho người ta. Dung yên trí sẽ trở nên vợ Kính,...Đã thế, vừa rồi cớ sao Dung lại nhận lời với Nhuận? Dung ngạc nhiên và hổ thẹn như mình đã dối lừa. [64, tr.28].

Cho dù còn yêu Kính nhưng sau khi về nhà chồng, Dung luôn làm tròn trọng trách của nàng dâu hiền thảo, người vợ đảm đang. Dung rất tháo vát, tính toán làm ăn rất khéo nên gia đình ngày càng giàu có. Cô chăm sóc mẹ chồng rất mực chu đáo, hầu hạ sớm tối. Khi biết chồng có con riêng, Dung không trách cứ, cô sẵn sàng nuôi đứa bé với tất cả tình yêu thương, chăm sóc đứa con như con ruột của mình. Sau khi chồng mất, cô có quyền đi tiếp bước nữa nhưng cô vẫn quyết định ở vậy để chăm sóc con chồng được đầy đủ, chu đáo. Đoạn đối thoại với Kính chứng tỏ được sự hi sinh cao thượng của Dung

...cớ sao ta lại cứ muốn pha lẫn hai dòng nước không thể hòa được với nhau ? Ngay từ khi vâng lời thầy để lấy Nhuận, em đã gác bỏ đời em ra một bên rồi. Nhuận, đối với em, không những chỉ là một người chồng mà còn là một ân nhân nữa. Nay Nhuận chết, gửi lại cho em một mẹ già, một con dại, em nỡ nào tham vui sướng để phụ lòng chồng em, phụ lòng ân nhân của em? Em đã trọn hiếu cùng cha, em đã vẹn nghĩa cùng chồng, em sẽ còn hết đạo làm dâu và cố lo đầy đủ cái phận sự của người mẹ. Có thế em mới xứng đáng với tình yêu thủy chung của anh. [64, tr.63].

Từ chối Kính nhưng cô vẫn còn lo cho anh rất nhiều, cô cũng muốn anh được hạnh phúc. Vì thế, cô mai mối Kính với Hạnh “em hãy làm mối cho anh một người... một người vừa có lòng tốt, có tài đảm đang, có sắc đẹp lại vừa có cái cảnh ngộ đáng thương” [64, tr.64].

Trong Tựa tiểu thuyết Cô Dung năm 1938, tác giả Thiều Quang

Lộc đánh giá tác phẩm xứng đáng là “đài kỉ niệm “chiến sĩ vô danh” của tất cả các thế hệ phụ nữ Việt Nam, qua bao nhiêu đời đã hi sinh cho sự tồn tại của Tổ Quốc” [64, tr.6]. Cũng trong năm này, trên Phổ thông bán nguyệt san, Vũ Ngọc Phan có bài viết phê bình tiểu thuyết Cô Dung. Ông

chỉ ra những thành công của Lan Khai trong nghệ thuật xây dựng nhân vật: “Lan Khai đã tạo ra một cô gái đức hạnh ở thôn quê ta, nhưng lại khác hẳn các cô gái mà ta thường thấy trong các tiểu thuyết xuất hiện ở nước ta ngày nay”.

Cùng với các tác giả đương thời như Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố..., ở mảng tiểu thuyết tâm lý xã hội, Lan Khai cũng quan tâm đến người phụ nữ, khai thác đề tài này ở nhiều phương diện khác nhau. Đa số những nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Lan Khai đều là những người phụ nữ đẹp, mạnh mẽ, giàu lòng vị tha và sự hi sinh cao cả. Họ là sự tiếp nối cho những phẩm chất tốt đẹp, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam xưa và viết tiếp trang mới cho lịch sử dân tộc, trao truyền cho thế hệ mai sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)