ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA LAN KHAI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN
2.1.2. Cảm hứng phê phán
Lan Khai từng quan niệm: “Văn chương quý nhất ở sự thành thực! Nhà văn cảm xúc bởi sự vật thế nào cứ viết ra như thế, và như thế nhà văn đã làm tròn cái chức vụ của mình” [49, tr.26]. Không chỉ thế, ông còn cho rằng: “Nghệ thuật chính là cái biểu thị tối cao của sự bất bình”. Như vậy, sức nặng của văn chương không chỉ là phản ánh mà còn ở nhiệt tình phê phán hiện thực xã hội. Nhà văn phản ánh cuộc sống hiện thực không phải bằng cách sao chép máy móc y nguyên cuộc sống, nhìn cuộc sống một cách dễ dãi, đơn giản. Bởi cuộc sống vốn bên cạnh những mặt tích cực, tốt
đẹp, còn có những mặt hạn chế của con người. Phê phán ở đây không đơn thuần là chỉ trích mà tác giả trình bày với ý thức trách nhiệm trước những điều mắt thấy, tai nghe về hiện thực xã hội giai đoạn 1930 - 1945. Lan Khai đã dựng lên bức tranh chân thực về xã hội, về bộ mặt thật của những kiểu người, phản ánh những sự kiện lịch sử của đất nước trong thời kỳ đen tối. Cuộc sống của người dân vô cùng gian khổ. Cái đói, cái nghèo cứ vây hãm cuộc đời họ. Lầm than là một minh chứng trong nhiều minh chứng cho cảm hứng phê phán của ông.
Ngay từ khi lên tám, Lan Khai đã sống giữa môi trường những người thợ mỏ, tận mắt chứng kiến những cảnh đời lem luốc, những tai nạn bất ngờ đến với họ. Cuộc sống của họ quá cực khổ như họ đang sống trong địa ngục ở trần gian. Vì thế khi trưởng thành, ông ấp ủ dự định viết tác phẩm về những người thợ. Nhưng mãi đến năm 1938, Lầm than mới
ra đời vì nhiều lý do khác nhau. “Lầm than là một tấn kịch não nùng trong các tấn kịch não nùng hằng ngày diễn ra trong bóng tối mịt mù của hầm mỏ” [49, tr.69]. Nó là thước phim diễn tả chân thật những cảnh đời cơ cực của tất cả các phu mỏ lúc bấy giờ. Những phu mỏ hầu hết là nông dân bị bão tố của công cuộc khai thác thuộc địa thổi bay đến những khu công nghiệp như vùng mỏ này. Họ bán sức lao động cho chủ Tây với giá rẻ mạt, bị cai thầu áp bức, bóc lột vì họ không còn con đường nào khác. Hơn thế, họ còn bị những tai nạn bất thình lình đổ ập xuống cướp đi mạng sống ngay tức thì, bị đánh đập dã man. Cả thể xác lẫn tinh thần họ đều bị đày đọa. Họ là miếng mồi ngon cho con quái vật mang tên Cực Khổ nhưng họ không biết lý do vì đâu, dần dà họ đổ lỗi cho số phận. Họ cam chịu đè nén, họ quen sống khổ rồi, họ dần mất đi nhân cách và cả tinh thần chiến đấu. Nếu có vùng lên - như Thuật - thì họ cũng là nạn nhân của luật pháp vị kẻ có tiền lúc bấy giờ.
Lan Khai không cần lý giải trừu tượng về chủ nghĩa thực dân nhưng lại gợi cho người đọc nhận ra căn nguyên của mọi thống khổ người thợ mỏ đang chịu đựng là từ đâu. Chế độ xã hội thực dân nửa phong kiến ghì con người xuống đáy của sự cực khổ, đói nghèo, tăm tối. Họ như đang đứng bên bờ vực của cái chết nhưng sống thì cũng là địa ngục ở trần gian. Trong tiểu thuyết Lầm than số lượng nhân vật đại diện cho giai cấp bóc
lột không nhiều nhưng chỉ cần một chân dung cai Tứ, một tên chủ mỏ ngoại quốc, một tên sếp cẩm và một vị quan tòa cũng đủ nói lên khá rõ bộ máy thống trị của giai cấp tư sản thuộc địa. Sự liên minh chặt chẽ giữa chúng tạo nên ách kìm kẹp đối với người lao động và ở đó công lý luôn thuộc về kẻ có tiền.
Đồng thời, qua cảnh ngộ éo le của những người thợ: Dương bị cai ăn chặn tiền công, bị xua đuổi từ địa ngục này đến lầm than khác; già Mẫn bị thua kiện nên phá sản phải lang thang khắp đây đó, vợ chết, con chết rồi giạt đến đây; vợ của Nhỡ bị xe goòng đè chết khi đang mang thai, lão cu Tị chán nản chìm đắm trong men rượu, cờ bạc; Tép bị biến thành vật hi sinh cho cai Tứ lấy lòng quan trên...ta có thể thấy được một xã hội đầy nguy hiểm, người lương thiện dễ dàng đang từ cuộc sống yên ấm phút chốc sang cực khổ bần cùng. Nói như già Mẫn thật chính xác nhưng cũng đầy sự chua chát và cả căm hờn “chỉ một trò cá lớn nuốt cá bé, thằng khỏe ức hiếp thằng hèn, chứ làm chó gì có công bằng” [49, tr.109] và “Người ta đối với nhau, độc ác tàn nhẫn quá! Các loài hổ đối với nhau không bằng người ta đối với nhau. Cơn hung lên, hổ báo cắn xé nhau nhưng chúng nó không biết rằng làm như thế là không tốt. Người ta biết rõ ràng cùng một loài mà hại nhau như thường...” [49, tr.109].
Vùng mỏ với những số phận được tác giả miêu tả trong tác phẩm chỉ là một trong biết bao những khu công nghiệp như thế, con người như thế - đó là một bức tranh điển hình cho toàn bộ giai cấp công nhân lúc bấy giờ:
Tác phẩm như là một bản án đanh thép kết tội chính sách bóc lột tài nguyên ở đất nước thuộc địa của bọn tư sản Pháp. Đi đôi với chính sách khai thác thuộc địa là hệ thống bộ máy áp bức người dân bản xứ. Biết bao tài nguyên thiên nhiên quý giá trở thành món lợi khổng lồ cho giai cấp tư sản Pháp, từ mồ hôi và xương máu của người lao động. [49, tr.31].
Viết tiểu tuyết Lầm than, Lan Khai góp một tiếng nói tố cáo chế độ xã hội lúc bấy giờ, một vũ khí công kích giai cấp cầm quyền, một tiếng nói bênh vực cho giai cấp vô sản, sự đấu tranh của Thuật cũng là sự đấu tranh của giai cấp trong một ngày không xa.
Với Tội nhân hay nạn nhân, tác giả lại đưa ra một khía cạnh khác
của cuộc sống để mọi người suy ngẫm. Thiết nghĩ cha mẹ nào trên đời này đều yêu thương con cái dù cách yêu, cách thể hiện khác nhau. Người cha trong Tội nhân hay nạn nhân cũng vậy, yêu thương con, luôn muốn con
học hành thật giỏi, nên người nhưng cách yêu thương, cách giáo dục, răn đe con lại quá khắc nghiệt. Ông hầu như không gần gũi con vì theo ông, đó là cách làm con không tôn trọng mình. Tất cả những ý thích, mong muốn của con trẻ ông đều không chấp nhận được, ông luôn hướng con cái theo ý muốn, răm rắp tuân theo những mệnh lệnh mà không bao giờ ông gần gũi hay lắng nghe chúng. Ông cũng không bao giờ khích lệ, ca ngợi khi con làm tốt nhưng ngược lại ông rất khắc nghiệt khi con phạm lỗi “Thầy tôi cho sự nghiêm khắc là cái đức tính quan trọng nhất. Do đấy, lần nào nói với tôi, thầy tôi cũng giữ vẻ mặt lạnh lùng” [67, tr.4]. Trong cảm nhận của Lộc “Mỗi điều muốn của thầy tôi là một luật lệ bất khả xâm phạm, mỗi lời thầy tôi nói ra là một mệnh lệnh cho cả nhà” [67, tr.10]. Chính quyền uy và những nguyên tắc cứng nhắc lấn át tình thương yêu, đã dần làm cho Lộc “luôn luôn chìm đắm trong những mộng tưởng, những
cần thiết, những ước ao, ngầm ngấm và mơ hồ, nó kế tiếp nhau không ngớt” [67, tr.6]. Những diễn biến ngấm ngầm không được sẻ chia, mong muốn lại bị ngăn cản đó đã xô đẩy người con đến bờ vực của tội lỗi và sa đọa. Lúc đầu, Lộc là một đứa trẻ gan lì, bướng bỉnh “nổi tếng là đứa trẻ khó dạy và bướng bỉnh nhất ở xó tỉnh Vinh”. Sau đó, Lộc sẵn sàng đánh nhau giành vị trí được mọi đứa trẻ sợ nhất, phá hoại vườn rau để trả thù người bắt mình, chứng tỏ với mọi người rằng “về mặt trí khôn, tôi không kém chi họ, dù tôi chỉ là một đứa trẻ con” [67, tr.9]. Lộc như sống với hai mặt của bản thân, khi có cha và khi không có cha, rồi càng ngày càng chìm sâu vào thế giới đơn độc của riêng mình. Dần dà, cái tôi cá nhân với nhiều thói hư tật xấu lấn át được sự sợ hãi tính nghiêm khắc của cha. Cuối cùng, Lộc đã dấn thân vào nghề trộm cướp, lừa gạt. Qua đó, Lan Khai làm cho người đọc luôn trăn trở: đứa con đó là tội nhân hay nạn nhân của một sự giáo dục nghiêm khắc đến tàn nhẫn của những bậc làm cha làm mẹ? Có thể thấy, Lan Khai đã hướng ngòi bút đi sâu vào khai thác những diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Lộc để làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm và góp một tiếng nói phê phán cách giáo dục con cái quá khắt khe, cứng nhắc của bậc làm cha, làm mẹ.
Cảm hứng phê phán cũng hiện diện trong Tội và thương. Liên là
người đã có chồng, có con với một cuộc sống đủ đầy nhưng cô lại ngoại tình. Trong xã hội nào ngoại tình cũng là việc đáng lên án. Trọng - chồng của Liên - đã thuê một người phụ nữ tống tiền cô với mục đích làm cho cô sợ mà thú thật, quay về với gia đình. Người phụ nữ đó đã làm Liên luôn sống sợ hãi, lo lắng đến mức đau đớn, hoảng loạn và tìm đến cái chết. Tuy nhiên, cuối cùng Trọng đã kịp thời cứu Liên, tha thứ cho cô. Tất cả những thấp thỏm, sợ hãi, dằn vặt, đau đớn Liên đã trải qua cũng là cái giá cho tội lỗi của cô. Cảm hứng phê phán ở đây tuy kín đáo nhưng rất sâu sắc.
Như vậy, viết về hiện thực cuộc sống, về những mặt trái của xã hội không phải là vấn đề hoàn toàn mới mẻ. Song, tác giả Lan Khai đi sâu vào bên trong, phát hiện ra những vấn đề mang tính chất xã hội sâu sắc. Hơn bao giờ hết, nhà văn nói thẳng, nói thật, phản ánh những mặt trái xã hội… để từ đây cải tạo nó với mong muốn hướng tới một xã hội của chân - thiện - mĩ.
Văn chương bên cạnh ngợi ca, khẳng định phải có tiếng nói của sự phê phán mạnh mẽ. Vì thế, trong mảng tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai, bên cạnh những tác phẩm được viết bằng cảm hứng lãng mạn còn có sự hiện diện những tác phẩm được viết bằng cảm hứng phê phán. Ở Lan Khai, phê phán không phải chỉ là sự lên án, chỉ trích gay gắt mà tác giả còn thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia, phản ánh sự thật với tất cả tinh thần trách nhiệm.
2.1.3. Cảm hứng xót thương về thân phận con người
Văn học ở thời đại nào cũng lấy con người làm đối tượng phản ánh. Mặc dù, ở mỗi giai đoạn và trong sáng tác của mỗi người nghệ sĩ lại có cách phản ánh, thể hiện riêng xuất phát từ hoàn cảnh xã hội, thế giới quan, cách nhìn và quan niệm riêng.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, văn học Việt Nam đã có sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, con người được khám phá đầy đủ, toàn diện hơn. Thế giới nội tâm và những ước mơ, hi vọng về một cuộc đời tươi sáng, hạnh phúc của mỗi con người là điều mà các nhà tiểu thuyết luôn hướng đến. Cuộc sống với những buồn vui, đau khổ hay hạnh phúc của con người trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà văn. Hòa chung vào dòng chảy của thời đại, Lan Khai tập trung phản ánh về thân phận con người trong các tiểu thuyết tâm lý xã hội của mình. Hơn nữa, ông là người sớm đưa ra quan niệm nghệ thuật về con người vào những năm 30 tương đồng với các nhà lý luận hiện nay:
... Dù nghệ thuật văn chương đã bị chia làm văn chương cổ điển, văn chương lãng mạn, văn chương tả thực xã hội chủ nghĩa đi nữa, cái mục đích của nó cũng chỉ là phô diễn con người, nạn nhân vĩnh viễn của xã hội, của yếu hèn, của đau khổ và của sự chết. Diễn tả cho đúng hệt con người, nghệ thuật văn chương đã đạt được mục đích và, do đó, có thể trở nên thứ nghệ thuật văn chương muôn đời vậy. [49, tr.27].
Cảm hứng về thân phận con người đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí nhà văn Lan Khai:
Nghệ thuật là kết quả của những cảm xúc trong tâm hồn nghệ sĩ trước những điều khơi dậy từ cuộc sống. Con người ta dù là sống dưới chế độ cộng sản, chế độ nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản, chế độ xã hội chủ nghĩa hay dưới chế độ gì đi nữa cũng chỉ có một trái tim, nghĩa là sống nhịp theo bất ngoại bảy tình mà tạo hóa đã cho mang trong lòng. [50, tr.200].
Khi viết về thân phận con người, Lan Khai tập trung hướng tới những cảnh đời bất hạnh, những hi sinh cao cả trong tình yêu, những khát vọng hạnh phúc, những vấn đề nhạy cảm trong hôn nhân và gia đình, ...Vì vậy, nhân vật trong tác phẩm của ông có đủ các tầng lớp. Đó là những mảnh đời khác nhau trong cuộc sống. Viết về con người, đi sâu vào tính cách, số phận trong những cảnh ngộ khác nhau nhà văn như trải lòng mình sống với các kiểu người, buồn vui với họ: Lầm than, Tội nhân hay nạn nhân, Cô Dung, Mực mài nước mắt… Cuộc đời mỗi con người được
miêu tả một cách chân thực, không chỉ có hạnh phúc mà còn có khổ đau, mất mát. Lan Khai bám sát từng số phận nhân vật và phát hiện ra những
bi kịch chủ yếu của con người vốn xuất phát từ những câu chuyện tình yêu, những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình và bởi những áp bức bất công trong xã hội nô lệ lúc bấy giờ.
Mực mài nước mắt khai thác tấn bi kịch tinh thần và cả cơm áo gạo
tiền của người trí thức lúc bấy giờ. Khải là một văn sĩ vốn mang trong mình hoài bão cao đẹp: dùng ngòi bút để làm cho mọi người Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của văn học trong cuộc sống. Từ đó, văn nhân thi sĩ sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho văn học nước nhà. Nhưng vì bệnh tật, nghèo đói lại đông con nên Khải đã đưa gia đình nhỏ của mình rơi vào cảnh quẫn bách. Dù bị cha buồn và giận nhưng Khải hai năm trời không thể về quê ăn Tết vì không có tiền, anh sợ dân làng sẽ cười chê, sẽ làm cha xấu hổ. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cả trong lúc đau ốm cũng hành hạ đã làm Khải dần xa ước mơ văn chương của mình. Vậy đâu là lối thoát cho những trí thức như Khải? Một câu hỏi mà mỗi người đọc đều cảm thấy băn khoăn khi gấp trang sách Mực mài nước mắt. Đúng như tựa đề của tác phẩm, nhà văn Khải đã phải trải qua biết bao khổ cực, tủi hổ khi theo đuổi nghiệp văn:
...có rất nhiều trang trong cuốn sách là nước mắt hòa lẫn với từng con chữ, nước mắt của những ai đã từng trót đa mang cái nghiệp bạc bẽo khốn khổ, những ai đã nhiều phen bất lực trước cơm áo gạo tiền, phải viết những tác phẩm nhạt nhẽo để kiếm tiền và phải nhìn thấy những tác phẩm máu thịt bị nhà xuất bản trả giá bèo bọt. [18, tr.803-804].
Lộc trong Tội nhân hay nạn nhân lại đem đến cho độc giả một suy nghĩ về cách giáo dục con cái. Cha của Lộc có cách giáo dục con cái quá nghiêm khắc, lạnh lùng làm cho Lộc càng thu dần vào thế giới cá nhân của mình, chỉ Lộc mới hiểu mình. Lộc dần mất phương hướng và ngày
càng đánh mất bản thân mình khi chúng bạn rủ rê. Sau khi phạm lỗi lần đầu, giá như Lộc có được sự quan tâm, thấu hiểu từ gia đình đặc biệt là hơi ấm tình thương của cha thì có lẽ Lộc đã khác. Nhưng ngược lại, Lộc