ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA LAN KHAI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN
2.2.2. tài người trí thức
Trong văn học giai đoạn 1930 – 1945, không ít nhà văn đã viết về đề tài người trí thức. Cùng chung thời đại, nhà văn Lan Khai cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tiểu thuyết Mực mài nước mắt (1941) cùng với truyện ngắn Kiếp con tằm (1935) là bức tranh về bi kịch tinh thần của
người nghệ sĩ. Trong hai tác phẩm ấy, tác giả nói lên nỗi tủi nhục xót xa và những mâu thuẫn giằng xé ở người nghệ sĩ sống trong cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng vẫn ánh lên cái khát vọng nhân văn cao cả từ trong sâu thẳm của tâm hồn người nghệ sĩ, luôn yêu thương con người và khát khao sáng tạo, muốn phá tan cái xấu xa, lỗi thời để xây dựng một nền văn hóa mới cho đất nước.
Trong Mực mài nước mắt, Khải là người “mê văn chương như
người ta mê gái hay mê đánh bạc” [66, tr.8]. Chàng chấp nhận bỏ tất cả để theo nghiệp văn chương “Chàng có thể nào trở nên một phú ông tiền kho thóc đụn, hay một viên chức sang cả, khi mà chàng đã bỏ cái thanh xuân của chàng vào sự đọc sách và sự luyện tập cái nghệ thuật rất khó của nhà văn. Làm thế, Khải đã bị tất cả chê là dại, nhưng chàng đã tìm được lẽ để tự cao ngay chính sự chê bai ấy” [66, tr.6]. Khải mong muốn dùng ngòi bút để làm cho người Việt Nam thấy được tầm quan trọng của văn chương và tôn trọng nhà văn “Bây giờ, điều cần kíp là làm thế nào cho người Việt Nam nhận rõ được cái sứ mệnh của văn chương và hiểu rằng văn nhân thi sĩ là không thể thiếu được cho một dân tộc cũng như cho cả nhân loại, bởi
họ là những tay đạo sĩ tuyệt luân đã gắn tai, gắn mắt và đã cho người đời có một tấm lòng” [66, tr.7]. Là nhà văn, Khải luôn tâm niệm “sự độc lập của ngòi bút là một cái gì cần được tôn trọng nên đã quyết định sẽ không bao giờ lấy ngòi bút làm cái vật mưu sinh” [66, tr.8]. Vì thế, Khải đã chịu khó làm bất cứ nghề nào có thể làm phụ được như thầy giáo tư thục, vẽ truyền thần, thư ký cho một hiệu sơn phố Hàng Nón. Thế nhưng, chàng luôn nhanh chóng bị thất nghiệp, bệnh suyễn của chàng lại luôn tái phát khi trái gió trở trời. Trong khi ấy, các tai nạn cứ nối đuôi nhau dồn dập đến gia đình chàng, làm cho tài sản khánh kiệt rồi bốn thằng con lần lượt ra đời, vấn đề cơm áo càng nguy cấp. Sau cùng, để có tiền ma chay cho mẹ, Khải đã nhắm mắt ký với Nhà xuất bản Văn Nghệ một tờ giao kèo hạn ba năm “Chàng đã bị bắt buộc làm cái việc mà chàng đã cố tránh: đánh đĩ ngòi bút. Theo giao kèo nói trên, Khải mỗi tháng phải có cho nhà xuất bản một quyển tiểu thuyết dày một trăm hai nhăm trang, mỗi trang ba mươi ba dòng, mỗi dòng mười hai chữ...” [66, tr.8]. Từ đó mở ra trong cuộc đời Khải một bi kịch tinh thần tối tăm và kéo dài không biết đến bao giờ, thêm vào cái bi kịch những nhu cầu vật chất.
Khi đưa vợ con về quê, Khải càng thấy đau đớn, tủi hổ vì đã không mang lại cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc cho vợ con và cả người cha của mình “Thực chưa bao giờ Khải ái ngại cha mẹ, vợ con chàng bằng bấy giờ, lại cũng chưa bao giờ cái vấn đề mưu toan sự no ấm và sự yên ổn cho gia đình chàng thúc giục lòng chàng đến thế! Cùng một lúc, cả cuộc đời chàng hiện ra, ngửa nghiêng và lỡ dở một cách vô cùng tuyệt vọng” [66, tr.23]. Rồi từ đó, chàng lại hoài nghi tính đúng đắn của con đường mình đã chọn, chàng thấy mình là tội đồ của hoàn cảnh đói khổ hiện giờ của gia đình, có một “...tấn kịch nó đương diễn ngấm ngầm trong lòng Khải – trong lương tâm một nhà văn đã gần bốn mươi tuổi mới nhận ra rằng tất
cả quan niệm của mình về nhân sinh cũng như về nghệ thuật đều hư ngụy đến hầu thành một tội ác” [66, tr.19]. Chàng đã trót mang nghiệp văn, đem tên đánh đĩ với đời nhưng hơn nửa đời người nhìn lại chỉ nhận được sự nghèo khổ, đầu đường cuối phố kẻ cười người chê. Với nỗi niềm ấy, chàng càng cảm thấy xấu hổ, tủi nhục khi mọi người nhòm ngó, chê bai, khích bác sự nghèo khổ của mình, chẳng hạn như Phương - em họ của Khải “...kể về tài học, em chỉ đáng là học trò của bác. Lại còn nhiều đứa kém hơn nữa. Vậy mà, tất cả đều sống phong lưu, trong khi bác quanh năm chịu túng bấn” [66, tr.39]. Khải muốn làm việc gì đó để gia đình đỡ chật vật nhưng dù nghĩ mãi cũng không ra “Thực là khó quá! Làm thế nào khiến gia đình và bản thân được no ấm, được sung sướng mà đồng thời, vẫn không để thiệt đến ai, không phải dối trá, lừa đảo và tàn ác...”[66, tr.25]. Chàng cứ mãi loay hoay tính toán, chàng không thể làm việc gì khác để kiếm tiền ngoài viết văn. Cuối cùng, điều mà Khải nhận được chỉ mãi là sự túng bấn triền miên.
Có thể thấy trước Nam Cao, Lan Khai đã là người nói lên những nỗi tủi nhục xót xa vì cảnh đói nghèo của trí thức tiểu tư sản. Họ có ước mơ, lý tưởng cao đẹp nhưng tất cả đều không thể thực hiện được trong hoàn cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”. Họ chấp nhận vùi lấp tên mình “dưới một đống giấy lộn”, viết những thứ văn thơ phục vụ cho thị hiếu của đông đảo độc giả lúc bấy giờ để đổi lấy đồng tiền. Những tác phẩm đó thường đi ngược lại quan niệm nghệ thuật và lòng tự trọng của họ. Có khi cùng đường bí thế, họ cũng muốn từ bỏ nghiệp văn chương để làm một nghề khác nhưng họ không thể. Họ có thể chấp nhận sống nghèo khổ đến tủi hổ của nghề văn hơn là phải đau đớn, mất mát khi từ bỏ nó. Vì thế, khi vợ Khải nói với chàng rằng “Nghề văn đã không nuôi sống nổi người, cậu sao còn cứ đa mang nó mãi ?” thì “Khải giương to hai mắt nhìn
vợ chàng ngây ra chẳng khác một kẻ mộ đạo chợt nghe ai xui hạ chính ngay cái thần tượng của mình xuống mà làm củi! Im lặng giây lâu chàng mới thủng thẳng nói bằng một giọng đầy xót xa: Thôi, tôi đã trót rồi; và mợ, tôi xin mợ đừng nói nữa...” [66, tr.13].
Tiểu thuyết Mực mài nước mắt hay nói cách khác chính là tự truyện của Lan Khai đã nói hộ nỗi lòng của bao thế hệ văn sĩ lúc bấy giờ nên nó được đánh giá khá cao ngay từ khi mới ra đời. Năm 1991, trong bài viết
Lan Khai với truyện lạ đường rừng in trên Tạp chí Văn học số 6/1991,
Ngọc Giao nhấn mạnh đến sức cảm hóa người đọc về người trí thức qua tác phẩm Mực mài nước mắt: “Tác phẩm viết về những cơ cực của người cầm bút. Anh em trong nghề bán chữ nuôi thân, đọc ông, dầu chai đá mấy cũng ngậm ngùi đau xót” [13, tr.354].
Ngoài ra, nhân vật ông đồ Khoan - cha của cô Dung - trong tiểu thuyết Cô Dung cũng góp phần thể hiện rõ hơn về tình cảnh của người trí thức lúc bấy giờ. Khác với Khải, ông là người theo chế độ giáo dục của thời phong kiến. Được vợ tần tảo sớm hôm, ông chuyên tâm đèn sách để đi thi với ước mong tên tuổi được chói lọi bảng vàng nhưng “đùng một cái tin bãi khoa cử bỗng như tiếng sét giáng xuống đầu”[64, tr.16]. Khi hay tin, bà đồ Khoan không bao giờ gượng dậy được nữa. Ông tê tái cả cõi lòng vì mất đi người bạn đời tao khang quý báu, ngậm ngùi, đau đớn cho danh phận “nhà Nho kiết lỡ thời”. Từ đó, ông lấy việc gõ đầu trẻ vừa là thú vui vừa là cách để trang trải cho sự túng thiếu của gia đình. Vì quá khóc thương vợ mà ông bị đau mắt dẫn tới mù lòa, nhà đã túng nay càng quẫn bách.
Ông đồ Khoan chỉ là một trong số những người trí thức của chế độ cũ, sinh ra trong thời buổi giao thời, Tây Tàu lẫn lộn, việc dùi mài kinh sử đã là uổng công, theo cái mới thì họ không thể. Họ đành buông xuôi bất
lực, họ chấp nhận là “nhà Nho kiết lỡ thời”. Đa số họ sống nghèo khổ về vật chất, bế tắc về tinh thần, chết trong bệnh tật. Viết về ông đồ Khoan cũng là một cách Lan Khai đồng cảm với thế hệ đi trước, đồng cảm với cả những người trí thức đương thời đang dần đánh mất ước mơ hoài bão văn thơ cao đẹp để vật lộn với gánh nặng mưu sinh ngày càng nặng nề.
Với đề tài về người trí thức, có thể nói “Trước Nam Cao khá lâu, Lan Khai đã mở ra trước mắt người đọc cái thế giới đầy mâu thuẫn, đôi khi nhỏ bé, thảm hại và mòn mỏi của những người cầm bút và một bộ phận trí thức đương thời” [18, tr.804]. Tác giả đã khá thành công, nhận được nhiều ý kiến phê bình tích cực ở mảng đề tài này. Qua đó, sự đa dạng trong cách viết, lựa chọn đề tài cũng như khả năng quan sát tinh tế, nắm bắt tâm lý sắc sảo của Lan Khai trước những vấn đề khác nhau của cuộc sống được khẳng định chắc chắc hơn nữa.