Sự phong phú trong việc khai thác thế giới nội tâm nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 61 - 64)

ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA LAN KHAI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN

2.3.2. Sự phong phú trong việc khai thác thế giới nội tâm nhân vật

Cái nhìn nhiều chiều về con người, về cuộc sống là xu hướng luôn tồn tại trong hầu hết các sáng tác của Lan Khai. Xu hướng đó trở thành một nguyên tắc cho việc khám phá những bí ẩn sâu xa trong tâm hồn con người.

Nhà văn biết cách “biến ngòi bút trở thành một cái lưỡi cày để xới thật sâu vào cõi lòng người ta”, khám phá ra tất cả những gì khó nắm bắt nhất xảy ra nơi thế giới bên trong của con người “cái vũ trụ bên trong của con người là huyền diệu, là một cõi vô tận, không ngừng khiến ta kinh ngạc”.

Diễn biến tâm lý của Liên từ lúc bị phát hiện và bị tống tiền đến lúc cô chọn cái chết thật sự rất phức tap. Lúc đầu, nàng suy xét cẩn thận, tự an ủi mình, tìm cách chống chế rằng người phụ nữ kia không biết rõ mặt mình và “Nàng sẽ chẳng bao giờ còn chạm trán với con đàn bà kia lần thứ hai” [68, tr.10]. Nhưng khi người phụ nữ đó tống tiền ngày càng nhiều và dọa sẽ đến nhà, nàng đã không còn giữ được sự bình tĩnh. Nàng nhốt mình trong nhà với sự lo lắng, bất an thường trực. Tiếng la to, tiếng gọi cửa cũng làm nàng giật thót vì sợ. Sau đó, nàng mơ những giấc mơ thật khủng khiếp, nàng tưởng như “Cả thế gian đều như chết. Trong sâu thẳm tâm hồn giá ngắt của nàng, duy chỉ có trái tim nàng là đập mạnh, và mỗi tiếng đập lại tăng thêm sự đau khổ của nàng lên một bậc...” [68, tr.26]. Cuối cùng, để giải thoát tất cả những dằn vặt, đau đớn và cả sự hổ thẹn, nàng chọn cách tự tử. Cả quá trình diễn biến tâm lý của Liên được Lan Khai thể hiện hết sức tinh vi.

Bên cạnh đó, viết về tuổi thơ, Lan Khai rất chú ý đến việc khai thác tâm lý trẻ thơ, tránh đem suy nghĩ, tâm trạng của người lớn để gán cho nhân vật... Nhà văn viết về trẻ thơ bằng chính lời kể, tâm trạng, suy nghĩ của chúng. Điều này, làm nên tính khách quan và ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm, hơn nữa nó còn thể hiện tài năng của ngòi bút phân tích tâm lý nhân vật cũng như sự am hiểu một cách tinh tế thế giới tâm hồn con người của nhà văn. Đời sống tâm lý của nhân vật Lộc trong Tội nhân hay nạn nhân hiện ra sống động, chân thực qua lời kể cũng như diễn biến tâm

trạng nhân vật. Gắn với mỗi sự kiện, mỗi hành động là một tâm trạng.

Cho nên, có thể nói toàn bộ tác phẩm là chuỗi tâm trạng, chuỗi bi kịch nội tâm đau xót. Đối với sự nghiêm khắc và cách xa của người cha đã làm Lộc “luôn luôn chìm đắm trong những mộng tưởng, những cần thiết, những ước ao, ngầm ngấm và mơ hồ, nó kế tiếp nhau không ngớt” [67, tr.6]. Dần dần, Lộc trở nên chai lì và bất cần “Tâm hồn tôi như một thứ quả hãy còn xanh đã bị đem rấm ép, một thứ quả mọi rợ vẫn âm thầm giữa thẳm rừng hoang, tự lúc mới thành hình” [67, tr.6]. Khi phá hoại vườn rau để trả thù, Lộc đã tỏ ra khoái chí hơn là lo sợ: “Tôi say ngây ngất như đã uống rượu. Xem nào, người lớn có phải thua tôi không! Tôi đã tỏ được với tôi rằng, về mặt trí khôn, tôi không kém chi họ, dù tôi chỉ là một đứa trẻ con” [67, tr.9]. Lộc như sống trong thế giới nội tâm của chính mình vì không nhận được sự quan tâm, đồng cảm “Thầy tôi sẽ không hiểu cho như thế ư? Thì từ trước đến nay, còn bao nhiêu cái khác, thầy tôi đã không hiểu cho tôi, mà vẫn có sao đâu! Tôi đã quen rồi, đã quen chỉ mình tự biết cho mình” [67, tr.9]. Nhu cầu được hiểu, sẻ chia, cảm thông và trên hết là sự quan tâm, yêu thương từ cha của Lộc ngày càng rơi vào bế tắc khi mỗi ngày sự nghiêm khắc, lạnh lùng của cha lại tăng thêm. Vì thế, ngày qua ngày Lộc càng rơi vào sâu hơn nữa của con đường sa ngã.

Trong Lầm than, tác giả xây dựng thành công tính cách điển hình

của giai cấp bóc lột và những người công nhân lao động qua khai thác thế giới nội tâm của họ. Các nhân vật: cai Tứ, chủ Tây, Thuật, Tép, già Tị, Dương là những nhân vật có ngoại hình và nội tâm rõ nét. Tính cách mỗi nhân vật hình thành do địa vị, môi trường và sự trừng trải cuộc đời. Đặc biệt, Tép là con người trung tâm của nhiều mối quan hệ xã hội về tình bạn, tình yêu, tình mẫu tử, tình vợ chồng và cả mối quan hệ với kẻ thù. Đó là một phụ nữ đẹp về ngoại hình, phong phú về nội tâm. Ấn tượng sâu sắc

của bạn đọc là những trang mô tả về trạng thái tâm hồn của người phụ nữ này ở từng hoàn cảnh khác nhau. Tép là con người nhạy cảm và giàu trí tưởng tượng. Khi Tép đến tận đề lao để thăm Thuật: “Tép ôm con từ cổng đề lao về nhà, vừa đi vừa khóc như mưa như gió. Mười tám tháng tù !...Tép coi mười tám tháng tù của chồng chị bằng mười tám năm ...” [49, tr.247]. Cô lo nghĩ rất nhiều: “ấy là chưa kể những khi trái gió, trở trời, chưa kể những nông nỗi giải nắng dầm mưa, chưa kể những cái buồn lo thương vợ nhớ con nó hun đốt lòng người chẳng khác mớ than hồng vùi trong tro ấm” [49, tr.247]. Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã đánh giá cao đoạn văn khai thác nội tâm nhân vật Tép của Lan Khai: “Cái đoạn mà tác giả tả Tép sau khi chồng bị bắt, ngủ một cách chập chờn, hoảng hốt,...là một đoạn tả tình rất tinh tế” [38, tr.916]. Nhà văn đi sâu vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn Tép để khám phá, phát hiện những diễn biến phức tạp của cô. Khi vui, buồn, yêu, ghét… thì tâm hồn cô lại thể hiện ở những góc cạnh khác nhau.

Cả cuộc đời của nhà văn là cuộc đời của một cây bút luôn sống hết mình cho nghệ thuật với khát vọng “tạo ra tương lai” và kiến tạo một nền “tân văn hóa” cho dân tộc. Cho nên thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Lan Khai rất phong phú, đa dạng, từ đó tạo nên sự phong phú trong khai thác thế giới nội tâm nhân vật trong sáng tác của Lan Khai

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)