ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA LAN KHAI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN KẾT CẤU,
3.2.1. Các mâu thuẫn dẫn đến kịch tính trong cốt truyện
Tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai thể hiện sinh động những kịch tính trong đời sống mà mỗi kịch tính thường được tạo nên từ những mâu thuẫn xã hội. Ở mỗi góc độ mâu thuẫn, Lan Khai có một cách thể hiện rất riêng, tạo nên nét đặc sắc trong ngòi bút của ông.
Trong các tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai nổi lên hai mâu thuẫn chủ yếu: mâu thuẫn giữa khát vọng chân chính với hoàn cảnh éo le và mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị với người dân lương thiện.
Sống trong xã hội đầy rẫy những bất công, Lan Khai đã thể hiện sâu sắc mâu thuẫn giữa khát vọng chân chính với hoàn cảnh éo le.
Nhà văn Khải trong Mực mài nước mắt là người có hoài bão cao
đẹp, ý thức sâu sắc về nghề cầm bút, mong muốn sáng tác những tác phẩm có giá trị để hiến dâng cho bạn đọc. Nhưng do bệnh tật liên miên, con đông, gia cảnh khốn khó cho nên ước mơ văn chương cao đẹp của Khải đành sắp sau gánh nặng cơm áo gạo tiền. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi sắp đến Tết, Khải lại bệnh không viết được, hàng chục thứ nợ bủa vây, mặt khác cha Khải không hiểu cho nỗi khổ của anh mà giận vì Khải hai năm liền không về quê ăn Tết. Tết này, ông cụ nhất quyết bắt mấy đứa cháu về để ép buộc Khải về quê. Vì thế, dù bị những cơn ho hành hạ nhưng anh vẫn cố viết, cố gõ cửa các nhà xuất bản để bán bản thảo, tự cảm thấy chua xót, tủi nhục cho thân phận của mình.
Chúng ta có thể bắt gặp một nhân vật tương tự như nhà văn Khải trong truyện ngắn Kiếp con tằm. Truyện kể về cảnh ngộ éo le của một văn sĩ tên Thanh. Truyện chủ yếu khai thác mối mâu thuẫn giữa chủ xuất bản với nhà văn. Thanh - một nhà văn có ý thức sâu sắc về nghề cầm bút, có hoài bão sáng tác những tác phẩm văn chương lớn, có giá trị để hiến dâng cho độc giả. Vì thế dù gia cảnh chẳng khấm khá nhưng Thanh lại rất thận trọng trong sáng tác: “Một chữ dùng chưa đúng hẳn, một đoạn nghe chưa êm tai, một lối đặt câu chưa mới lạ chàng nhất định chưa dùng.” [53, tr.234]. Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi ông chủ xuất bản là người luôn đặt lợi nhuận lên trước mắt và chỉ mong Thanh sáng tác ra những tác phẩm văn chương nhằm đáp ứng phần đông cái thị hiếu tầm thường của độc giả đương thời. Điều này đã khiến Thanh “buồn rầu nhận thấy cái vô vị của cuộc đời nghệ sĩ mà tự do đã thuộc đồng tiền sai khiến” [53, tr.232].
Mực mài nước mắt, Kiếp con tằm là hai tác phẩm đã khắc họa được
cuộc sống của lớp văn sĩ lúc bấy giờ: Có lương tri, có ý thức về nghề
nhưng lại bị gánh nặng cơm áo ghì sát đất. Thế nhưng không vì vậy mà họ bán rẻ lương tâm nghề nghiệp của mình. Nỗi đau khổ trong đời cầm bút của họ là sự mâu thuẫn giữa khát vọng chân chính của bản thân với hiện thực xã hội. Tất cả những mâu thuẫn, xung đột ấy được đưa đẩy, dồn nén đến mức độ căng thẳng, giàu kịch tính để từ đó thấy được bản chất tốt đẹp của những người nghệ sĩ chân chính.
Mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị, áp bức bóc lột với người dân lương thiện bao giờ cũng là vấn đề gay gắt và đòi hỏi sự giải quyết cấp thiết trong mọi thời đại. Trong Lầm than của Lan Khai, chân dung những người thợ mỏ hiện lên một cách chân thực và sinh động. Đó là cuộc đời tăm tối của Nhỡ, Dương, Thông, Thuật, Tép…những con người cùng cực trong xã hội cũ, họ là nạn nhân của chính sách khai thác thuộc địa. Những người thợ ấy là tiêu biểu cho những người nông dân bị tước đoạt ruộng đất, bị bần cùng hóa, phải vào hầm mỏ để kiếm lấy miếng ăn nuôi sống gia đình. Tài sản quí giá nhất của họ là sức khỏe, nhưng qua thời gian bị áp bức, bóc lột tài sản ấy chỉ còn là những hình hài tiều tụy, dật dờ như những bóng ma. Cuộc sống nơi hầm mỏ là địa ngục trần gian, không chỉ bào mòn sự sống mà cái chết luôn rình rập, đổ ập xuống cuộc đời họ bất cứ lúc nào. Bên cạnh bức tranh thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của những người thợ nghèo khổ là bộ mặt tàn ác bất nhân của những kẻ thống trị, những tên thực dân cướp nước và bè lũ tay sai. Chúng là những tên chủ mỏ, cai Tứ, sở cẩm, quan tòa… chúng được coi là “phụ mẫu” là đại diện cho công lý nhưng thực chất chỉ là một thứ công cụ đắc lực cho chính sách áp bức, bóc lột của thực dân. Những kẻ “mặt người dạ thú” ấy luôn tìm cách hà hiếp, đàn áp những người nghèo, chà đạp lên lẽ phải và cuộc sống người lương thiện. Vì thế mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và người dân lương thiện trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Lan Khai đã thể
hiện nó khá rõ nét trong tiểu thuyết này. Điển hình cho bọn thống trị thực dân trên mảnh đất thuộc địa là tên chủ mỏ ngoại quốc. Hắn vừa có uy quyền, vừa có sức mạnh trực tiếp điều hành bọn tay sai bóc lột xương máu của người thợ. Hắn tuy là kẻ bề trên, không trực tiếp quản lý công nhân nhưng lại có bộ máy cai trị rất mạnh. Hắn trả lương cho công nhân thấp, bắt họ làm việc vất vả mà không có bất kỳ sự bảo hộ lao động nào, khi công nhân không may chết vì tai nạn lao động hắn cũng giải quyết qua loa cho xong chuyện. Chủ Tây sai người mai táng sáu người thợ xấu số “một cách lặng lẽ không kèn trống và sau khi đã an táng thi hài của sáu anh phu mỏ, ông chủ truyền gọi thân nhân họ lên giảng dụ và cho mỗi người hai mươi đồng” [49, tr.211]. Hai mươi đồng để đổi lấy một mạng người, thật đau xót! Nhưng đó được cho là cái giá cao của những phu mỏ lúc bấy giờ. Vậy thì có thể kết luận một cách chua chát rằng, đến lúc chết họ vẫn còn bị bóc lột !
Trong văn học công khai 1930-1945, không ít tác phẩm lảng tránh phản ánh mâu thuẫn giữa chủ và thợ, thì Lầm than là một tác phẩm tiêu
biểu đi ngược lại xu thế ấy. Dưới ngòi bút giàu chất hiện thực, nhà văn như dắt ta vào chứng kiến tận mắt cuộc sống nơi hầm mỏ của những người thợ. Vì thế, tác giả Trần Mạnh Tiến đã nhận xét: “Khi đọc xong
Lầm than ta như thấy tác giả là một người làm phim thời sự, đưa ống kính
vào mọi ngõ ngách của cuộc đời người thợ mà không hề tô vẽ gì cảnh sống nơi địa ngục trần gian của họ” [49, tr.58]. Đây là tác phẩm biểu hiện rõ mối xung đột giữa chủ và thợ. Một bên là người thợ mỏ chăm chỉ nhưng nghèo túng. Một bên là ông chủ giàu có nhưng nhẫn tâm, chỉ biết tôn thờ đồng tiền.
Tiêu biểu cho mâu thuẫn giữa những người lương thiện với thế lực thống trị là mâu thuẫn giữa cai Tứ với Thuật và Tép. Do nhà nghèo không
có tiền chữa bệnh cho mẹ, Tép đi vay tiền bị cai Tứ lừa, dâng cô cho chủ Tây. Kể từ đó Tép bị bao thành kiến bủa vây. Với tình yêu chân thành của Thuật, cô vượt qua mọi rào cản dư luận và cập bến bờ hạnh phúc. Nhưng thế lực đen tối luôn rình rập gây những tai họa khôn lường. Mâu thuẫn lại nhen nhóm khi cai Tứ gọi Thuật đến uống rượu để thỏa thuận một việc rất hệ trọng. Đó là Thuật đồng ý cho vợ mình qua lại tình ái với ông chủ Tây, đổi lại Thuật sẽ có tiền và một công việc nhàn hạ hơn. Câu chuyện thắt nút khi Thuật bất bình đánh lại cai Tứ và còn chửi vào mặt hắn nữa. Từ điểm nút đó dẫn đến xung đột lần lượt phát triển. Thuật bị bọn chủ tống vào tù, còn Tép bị cai Tứ đến dùng lời đường mật và tiền bạc dụ dỗ Tép làm vợ bé của ông chủ. Xung đột đến đỉnh điểm khi Tép giật phăng tập giấy bạc và ném vào mặt cai Tứ rồi nói: “Mẹ anh, chị anh, em gái hay vợ nhớn vợ bé anh, anh để làm gì. Bước ngay đi, đồ chó!” [49, tr.250]. Đó là một hành động của một con người bé nhỏ dám chống lại cường quyền, và cũng là sự dồn nén cao độ những mâu thuẫn giữa thế lực áp bức bóc lột với người dân lương thiện. Sự phản kháng ở đây chỉ là tự phát nhưng đó cũng là một trong những nguồn sáng soi rọi cho bước đường tiếp theo của cuộc cách mạng dân tộc.
Những tình huống gay cấn đó trong truyện hoàn toàn có thể chuyển thành những vở diễn đầy kịch tính. Tác giả đã tạo ra hai thái cực tinh thần đối lập: một bên là lòng ngay dạ thẳng, một bên là độc ác, xảo quyệt: một đằng gợi ý thăm dò và hăm dọa, một đằng thì thận trọng nghi ngờ rồi phản kháng. Với bút pháp tả thực linh hoạt, tác giả đã tạo ra các tình huống mâu thuẫn diễn ra rất tự nhiên phù hợp với logic như bản thân câu chuyện cần phải có.
Trong Tội nhân hay nạn nhân, kịch tính được thể hiện qua những
mâu thuẫn bức bách trong mối quan hệ giữa cha con Lộc. Đó là mâu
thuẫn giữa ý thức cá nhân với hoàn cảnh gia đình gò bó, ngột ngạt, mâu thuẫn giữa ý thức muốn khẳng định sự trưởng thành của mình với những thành kiến của người thân. Cậu vốn là một thiếu niên có cá tính mạnh mẽ. Để thể hiện bản lĩnh của mình cậu ra sức học tập và khẳng định mình qua kì thi đạt điểm cao, rồi muốn làm hướng đạo sinh đem tài năng và tình yêu thương để giúp đỡ mọi người. Thế nhưng bao nhiêu cố gắng của Lộc dưới mắt người cha chỉ là những trò trẻ con và đáp lại là những mệnh lệnh, yêu cầu khô khan lạnh lùng của người cha. Mâu thuẫn của tình cha con ở đây là giữa một bên là tính hồn nhiên, nhạy cảm của trẻ thơ với một bên là sự hà khắc của người cha có quan niệm giáo dục lỗi thời. Tình cha con trở thành nghịch cảnh gần mà hóa xa. Tình thương trách nhiệm thành sự hà khắc, giáo dục thành phản giáo dục. Cuối cùng đứa trẻ sa vào tội lỗi do giáo dục sai lầm. Mâu thuẫn đến đỉnh điểm khi Lộc sa vào nghiện ngập bị gia đình bỏ bê, từ đó càng lún sâu vào vũng bùn tội lỗi.
Có thể nói, sống trong một xã hội có nhiều bất công, nhiều áp bức bóc lột, Lan Khai nhận thấy rõ những mâu thuẫn, xung đột của đời sống. Vì thế, ông kết hợp lối tư duy tiểu thuyết với lối tư duy của kịch để viết nên tác phẩm, một phần cũng là để tái hiện lại những mâu thuẫn trong đời sống, một phần tạo tính chân thực, hấp dẫn. Do đó, kịch tính trong mỗi tác phẩm của ông đều mang ý nghĩa quan trọng: tạo bất ngờ, hấp dẫn cho bạn đọc. Nhờ kịch tính các hành động của nhân vật đi sâu vào trong tâm trí, tạo ra một hình ảnh độc đáo không dễ phai mờ trong lòng bạn đọc.