Sự đa dạng của thế giới nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 58 - 61)

ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA LAN KHAI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN

2.3.1. Sự đa dạng của thế giới nhân vật

Nhân vật trong tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai là hình tượng

nghệ thuật trung tâm, thể hiện sâu sắc tư tưởng và quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Đó là những con người được miêu tả đa chiều, từ ngoại hình đến nội tâm, có tính cách, có đời sống tinh thần phong phú.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Lan Khai thể hiện năng lực phản ánh hiện thực sâu sắc và ngòi bút xây dựng nhân vật tài hoa của nhà văn. Nhà văn Lan Khai đã xây dựng một hệ thống nhân vật đa dạng ở cả ba mảng đề tài trong sáng tác của mình.

Ở mảng tiểu thuyết tâm lý - xã hội, Lan Khai đã xây dựng một thế giới nhân vật đa dạng, thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Lầm than mở ra trước mắt bạn đọc một thế giới của những người lao động đủ các lứa tuổi giới tính và nguồn gốc quê hương cùng các cảnh ngộ khác nhau. Họ là những con người đủ lứa tuổi: già trẻ, gái trai, mỗi người một tính cách và cảnh ngộ riêng nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung là “vào chỗ chết để giành lại sự sống”. Đó là lão cu Tị cả đời vắt kiệt sức cho việc đào than, sống nghèo khổ, bế tắc, tàn tạ cho đến lúc chết. Đó là ông già Mẫn, mất hết ruộng vườn phải tha phương cầu thực rồi bán trọn đời mình cho mỏ. Đó là những người thợ lành nghề nhưng cơ cực gắn bó lại với nhau như Dương, Nhỡ, Thông, Lộc. Mỗi người một vẻ: Nhỡ thì lầm lũi, ưu tư vì nỗi đau quá khứ; Thông có tính khôi hài; Lộc thì hồn nhiên, rắn rỏi; Dương là người từng trải đời, trải nghề, đi từ chốn địa ngục này sang chốn lầm than khác, là người có khả năng phán xét cuộc đời. Anh đem đến cho người thợ những hiểu biết sơ khai về chủ nghĩa cộng sản, về tự do và hạnh phúc, cũng như nguyên nhân của sự đói nghèo và áp bức, bóc lột, bất công. Song, nổi bật trong thế giới nhân vật của Lầm than là hình tượng đôi thanh niên Thuật, Tép, họ đều là con những người phu mỏ nghèo khổ và bất hạnh, họ cũng là những người tiếp nối cuộc sống lầm than của thế hệ trước. Ở họ đã chứa đựng những tính cách điển hình của cuộc đời thợ mỏ.

Trong Lầm than còn có các nhân vật đại diện cho thế lực áp bức,

bóc lột như cai Tứ, chủ Tây ở hầm mỏ hay bọn hương lý, cường hào ở nông thôn. Nếu không có những nhân vật đó thì không có những biến cố trong cuộc đời những người thợ mỏ. Đồng thời, cũng phải kể đến hình tượng các nhân vật quần chúng lao động, tuy cuộc sống than bụi nghèo nàn nhưng họ vẫn sẵn sàng tập hợp lại bên nhau để bênh vực cho lẽ phải. Khi gia đình Thuật Tép gặp cảnh oan trái, mọi người đến an ủi, tỏ thái độ đồng tình với người lao động lương thiện và phản kháng những hành vi bỉ ổi của bọn áp bức: “Đám đông im lặng, cảm động. Có người chùi nước mắt. Có người nắm tay hằn học: - Bố đồ chó!... Nó ăn hiếp người ta đến thế là cùng!...- Nó bám lấy mình, rút hết mồ hôi, nước mắt của mình rồi lại đè nén mình!...” [49, tr.233].

Tất cả họ tạo nên một vùng mỏ sinh động, là bức tranh chân thật hết sức về tình cảnh hiện thời của giai cấp công nhân lúc bấy giờ.

Nhân vật trẻ thơ cũng được tác giả khắc họa qua Lộc trong Tội nhân hay nạn nhân với những suy nghĩ, cảm xúc của lứa tuổi chúng, hai

đứa con của Liên trong Tội và thương, bé Phúc được Dung nuôi nấng như con ruột của mình ở tiểu thuyết Cô Dung. Mỗi đứa trẻ trong tác phẩm đều có những vai trò, vị trí khác nhau. Nhân vật Lộc cho thấy khả năng nắm bắt tâm lý trẻ thơ một cách tinh tế của Lan Khai. Từ việc Lộc khát khao được yêu thương, thể hiện mình là người lớn thật sự đến việc dễ dàng thay đổi hình mẫu của cuộc đời, Lan Khai làm người đọc hồi tưởng về tuổi thơ của mình qua Lộc. Hai đứa trẻ trong Tội và thương là nguyên nhân chính để Trọng mong muốn Liên quay về với gia đình, chúng cũng là lý do làm Liên do dự khi tìm đến cái chết...

Hình tượng nhà văn Khải với nỗi lo gánh nặng cơm áo gạo tiền làm cho chàng ngày càng xa rời mục đích văn chương cao đẹp cũng là điển

hình cho những thế hệ văn sĩ hiện thời. Hay những người nông dân như Dung, Kính, Hạnh,... những người thành thị tưởng được sống hạnh phúc trong nhung lụa nhưng lại mang những nỗi đau riêng: Liên, Trọng,... Và các nhân vật trong tiểu thuyết Liếp Ly: Liếp Ly - cô gái Lào xinh đẹp,

Trâm, Thọ - viên cán sự lục lộ, ...cũng góp phần tạo nên sự đa dạng của thế giới nhân vật.

Ngoài ra, trong tác phẩm viết về đề tài tâm lý xã hội của Lan Khai có xuất hiện nhiều nhân vật người cao tuổi (thường là các nhân vật ông bố, bà mẹ). Họ thường xuất hiện với vai trò nhân vật phụ, nhưng lại có đời sống riêng, là những hình tượng nghệ thuật góp phần làm nổi rõ tư tưởng của nhà văn. Lan Khai khi viết về nhân vật người già thường có sự ám ảnh day dứt về hình ảnh song thân của mình, cho nên các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm vừa gần gũi, ấm áp, vừa thành kính, cao cả. Ví dụ: Ông bà đồ Khoan (Cô Dung), ông bà Tị (Lầm than), cụ lang Xuân Hoà (Mực mài

nước mắt), Ou Pha Hát Tướng công (Liếp Ly)... Có thể nói trong tiểu

thuyết tâm lý xã hội, hình tượng nhân vật người già trong sáng tác của Lan Khai luôn tạo được ấn tượng sâu sắc. Đó cũng là vẻ đẹp của truyền thống gia đình Việt Nam.

Qua sự quan sát và thể hiện của nhà văn, thế giới nhân vật hiện lên trong tác phẩm rất sinh động, mỗi người là một chân dung được đặt trong hoàn cảnh cụ thể. Người đọc có thể bắt gặp mình trong số các nhân vật ấy, vì thế đa số các tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lan Khai đều có sức sống lâu bền vì sự gần gũi, quen thuộc ấy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết tâm lý xã hội của lan khai (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)