6. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật
Hiểu một cách đơn giản và ngắn gọn nhất, điểm nhìn trần thuật là vị trí, là chỗ đứng của người trần thuật để từ đó mà nhìn và miêu tả trong tác phẩm. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy những tiểu thuyết của Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu sáng tác trước 1975 thường nhất quán về điểm nhìn. Ở đó, vị trí người trần thuật luôn thấp hơn các nhân vật chính diện. Tác giả, nhân vật chính diện và người đọc đều cùng nhìn về một hướng, có chung trường nhìn.
Sau 1975, quan niệm về chiến tranh và quan niệm nghệ thuật về con người đã thay đổi. Nhà tiểu thuyết không chỉ kể chuyện và tả cảnh mà còn lồng vào đó những quan niệm, kinh nghiệm, ý thức cá nhân, vốn văn hóa và cả vốn văn học tiếp thu được từ những nền văn học hiện đại, thậm chí là hậu hiện đại của thế giới. Từ đó xuất hiện đa bội các điểm nhìn trong tác phẩm: có điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài, có điểm nhìn tác giả, điểm nhìn nhân vật… Nó đem lại cho người đọc, người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống, đa dạng hơn, đầy đủ hơn, nhiều màu sắc hơn.
Trong tư duy tiểu thuyết truyền thống, tác giả là người đứng ở bên ngoài để kể chuyện, là người biết rõ, biết hết về nhân vật, là người có toàn quyền lái câu chuyện, hướng đạo cho người đọc về những giá trị, chân lí đã mặc định. Giờ đây, nhà văn không có đặc quyền ấy nữa. Điểm nhìn được đa dạng hóa, được trao cho nhiều người nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Do đó, hiện thực chiến tranh, hiện thực lòng người được phơi lộ ra với nhiều chiều kích khác nhau, có nhiều mặt, nhiều màu và luôn luôn biến động khi điểm nhìn di
chuyển, thay thế bằng điểm nhìn khác. Nó là minh chứng cho nhu cầu khám phá cuộc sống, tâm hồn con người một cách sâu sắc, thận trọng, toàn diện và nhu cầu bình đẳng giữa nhà văn và người đọc. Nhiều điểm nhìn sẽ tạo ra nhiều tiếng nói, nhiều giọng nói, nhiều đối thoại, nhiều ý thức. Nó tạo nên sự “phức điệu” cho tiểu thuyết. Đó là một đặc điểm, một đẳng cấp, một bước tiến của tư duy tiểu thuyết hiện đại.
Nỗi buồn chiến tranh có ít nhất là ba điểm nhìn khác nhau. Điểm nhìn
thứ nhất là điểm nhìn của người trần thuật kể câu chuyện về Kiên và cuộc chiến của anh. Điểm nhìn thứ hai là của nhân vật Kiên, trực tiếp kể câu chuyện của đời mình. Điểm nhìn thứ ba là của nhân vật xưng tôi khác, người đã sắp xếp đống bản thảo và công bố tác phẩm của Kiên. Ngoài ra, còn có những đoạn sử dụng điểm nhìn mà không xác định được chủ thể, một thứ siêu điểm nhìn. Điểm nhìn trần thuật của tiểu thuyết này di động hết sức linh hoạt. Nó giúp cho người đọc như đi vào cuộc chiến tranh bằng nhiều đôi chân, đôi mắt khác nhau. Tác giả tổ chức điểm nhìn trần thuật từ nhiều nhân vật, từ đó tạo nên cái nhìn đa chiều về hiện thực chiến tranh, về con người, tránh được sự phiến diện.
Chỉ một ví dụ cũng có thể thấy rõ điều này.Dưới góc nhìn của Kiên khi anh mười bảy tuổi, cuộc chiến tranh thật hấp dẫn: “Chiến tranh: từ nay mới thật là sống!” [113, 232]. Mười năm sau, bước ra từ cuộc chiến tranh, anh thấy: “Chao ôi! chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” [113, 40]. Dưới góc nhìn của Can thì: “Cả đời đi đánh nhau, thú thật, tôi chả thấy cái trò này là có gì vinh” [113, 30]. Dưới góc nhìn của nhân vật trưởng ban quân lực thì: “Đánh nhau còn xơi, chả biết bao giờ mới mãn cuộc - trưởng ban quân lục rầu rĩ nói khàn khàn - phải giữ giống không thì tiệt. Sau vụ thu
hoạch thất bát, dù có đói nhăn vẫn phải chọn những hạt thóc tốt nhất cho mùa sau… Khi các cậu học xong trở về thì bọn tớ, lớp cán bộ chỉ huy hiện nay chả chắc còn sót mống nào. Trung đoàn và nói chung chiến tranh là do chính các cậu xoay vần” [11, 25]. Có những đoạn không thể xác định được điểm nhìn ở đâu cho chính xác: “Chao ôi! Như vậy đấy: Hòa bình, hạnh phúc, ánh huy hoàng của chiến thắng, ấn tượng êm dịu của ngày trở về, niềm tin đầy đắc thắng về tương lai” [113, 100].
Đưa vào tác phẩm nhiều điểm nhìn, Bảo Ninh đã khám phá, phản ánh chiến tranh bằng sự chiếu soi của nhiều ý thức khác nhau. Đó là một cách khước từ kinh nghiệm của cộng đồng để đến với kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Chiến tranh nhờ đó được nhìn nhận khách quan, chân thực hơn, đa tầng hơn.
Không chỉ đa bội điểm nhìn, Bảo Ninh còn thường xuyên di chuyển và phối hợp các điểm nhìn. Truyện có ba mạch kể chính: mạch kể của người trần thuật, mạch kể của nhân vật Kiên và mạch kể của nhân vật xưng “tôi”. Nhân vật Kiên tự kể về đời mình trong những tháng năm trước, trong và sau chiến tranh theo dòng hồi ức miên man và bấn loạn, nhân vật tôi kể về quá trình làm ra cuốn tiểu thuyết. Sự di chuyển, phối hợp, lồng ghép giữa ba mạch trần thuật này làm cho cảnh và người hiện lên như trong kĩ thuật điện ảnh. Nhờ đó, nó phá vỡ được sự đơn điệu, tạo thuận lợi cho kĩ thuật độc thoại nội tâm, cho đối thoại nội tâm, tạo nên nhiều tiếng nói, nhiều giọng nói, tính “đa thanh”, “đa âm” cho tác phẩm.
Với việc trần thuật từ nhiều điểm nhìn, luôn di chuyển và phối hợp các điểm nhìn, nhất là trần thuật theo trường nhìn nhân vật, Bảo Ninh đã đoạt được sức mạnh của tinh thần dân chủ trong tư duy tiểu thuyết. Nó giúp cho nhà văn khám phá hiện thực chiến tranh, hiện thực con người có chiều sâu hơn hẳn, đa dạng, nhiều chiều kích và theo nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Đồng thời nhà văn chiêm nghiệm, tự vấn, tự ngẫm, triết lí trước hiện thực
được phản ánh, khám phá.