6. Cấu trúc của luận văn
3.4.1. Huyền thoại và phương thức huyền thoại hoá
Phương thức huyền thoại hóa trong văn học hiện đại nói chung và tiểu thuyết nói riêng là một phương thức nghệ thuật sử dụng những yếu tố kì lạ, bí ẩn, hoang đường, do tưởng tượng, hư cấu mà có, phải suy đoán mới tìm ra ý nghĩa của nó. Nhà văn sử dụng nó như một phương tiện nghệ thuật để khám phá, thể hiện chiều sâu tâm linh, tâm thức con người, hoặc tạo ra bệ phóng cho trí tưởng tượng, cho cảm xúc mới, nhằm đạt được mục đích nghệ thuật nào đó của mình. Huyền thoại hoá ở đây khác hoàn toàn với kiểu tư duy thần thoại ngây thơ trong văn học dân gian.
Trong tiểu thuyết chiến tranh trước 1975, do ý thức hệ chi phối, do yêu cầu “phản ánh chân thực và hùng hồn” cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, yếu tố huyền thoại ít được các nhà văn sử dụng. Sau 1975, đặc biệt là
sau 1986, tiểu thuyết viết về chiến tranh đã xuất hiện yếu tố huyền thoại. Nó đã góp phần làm nên giá trị, thành công cho nhiều tác phẩm, chứng tỏ được khả năng, tác dụng trong việc khám phá thể hiện đời sống tâm linh, con người đa diện, hiện thực đa chiều. Yếu tố huyền thoại làm cho hiện thực chiến tranh và hiện thực tâm hồn con người, thế giới tâm linh hiện diện với một diện mạo mới lạ và có chiều sâu, trở nên đa nghĩa và đạt hiệu quả nghệ thuật hơn. Nó như một dòng sông đưa con thuyền trí tưởng tượng của bạn đọc phiêu du vào cõi mộng ảo, vào miền vô thức huyền bí để trải nghiệm những cảm xúc mới. Đưa yếu tố huyền thoại vào một đề tài trang nghiêm, chính sử như đề tài chiến tranh vệ quốc là một việc cực khó, đòi hỏi bản lĩnh nghệ thuật, tư duy đổi mới, tinh thần tự do dân chủ đã đạt đến trình độ cao của nhà văn. Với Nỗi
buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã thể hiện thành công được điều đó.