Kết cấu đồng hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự vận động của tư duy tiểu thuyết về chiến tranh (qua sáng tác của phan tứ, nguyễn minh châu, bảo ninh) (Trang 68 - 71)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Kết cấu đồng hiện

Đồng hiện là một kĩ thuật kết cấu tiểu thuyết để cho nhiều không gian có thể cùng hiện lên trên một đơn vị thời gian. Kết cấu đồng hiện là cách thức tổ chức song song các bình diện thời gian trong dòng mạch trần thuật của tác phẩm; các không gian khác xa nhau có thể đặt cạnh nhau thông qua hồi tưởng mà không nhất thiết phải có mối quan hệ nhân quả. Qua khảo sát, chúng tôi thấy có hai kiểu đồng hiện chính, đó là: Đồng hiện quá khứ - hiện tại đan xen và đồng hiện theo dòng tâm tưởng.

3.1.1.1. Đồng hiện quá khứ - hiện tại

đầu tác phẩm là cảnh nhân vật xưng “tôi” (Lực – nhân vật chính của tác phẩm) ghé thăm hiệu chụp ảnh của ông Quảng, người chồng hiện nay của Thai (Thai là người vợ trước đây của Lực). Qua tấm ảnh của mình chụp chung với Thai trong ngày cưới hai mươi bốn năm về trước và việc nhìn thấy cha mình đang cùng sống với gia đình Quảng – Thai, Lực hồi tưởng về cuộc sống gia đình ngày trước khi anh gia nhập Vệ quốc đoàn. Dòng hồi ức bị gián đoạn khi đứa con gái tinh nghịch của Thai bước vào, Lực trở về với hiện tại, cùng con bé đi thăm mộ mình và mộ của em trai mình. Trước hai ngôi mộ, kí ức của Lực lại hiện về, đó là những kỉ niệm khi Lực và Thai mới lấy nhau. Sau đó mạch truyện lại trở về hiện tại với cảnh Lực cùng với trung đoàn đi tìm hài cốt đồng đội trong vùng núi Đợi, gặp lại Quảng để dàn xếp câu chuyện gia đình đầy trớ trêu, éo le, nghiệt ngã, gặp lại những người dân cũng đi tìm hài cốt người thân đã chết trong chiến tranh. Đó là tác nhân để Lực tiếp tục hồi tưởng về câu chuyện chiến đấu ở Thành Cổ mà do sai lầm của anh đã dẫn đến việc anh chiến sĩ liên lạc bị hi sinh. Truyện kết thúc ở thì hiện tại với cảnh đời dang dở tình duyên của Lực và Thai cùng những suy ngẫm, chiêm nghiệm của Lực về cuộc đời hiện tại.

Trình tự trần thuật của tác phẩm đặc sắc ở chỗ mạch truyện hiện tại bị mạch truyện quá khứ cắt lìa. Một chi tiết nhỏ nào đó của hiện tại sẽ là tác nhân cho hồi ức hiện về và mạch truyện chuyển sang thời quá khứ. Cứ như thế, hiện tại và quá khứ đan xen nhau. Kết cấu đồng hiện này giúp Nguyễn Minh Châu dễ dàng pha trộn chất triết lí với chất sử thi và chất bi kịch, tạo ấn tượng về sự ám ảnh nặng nề trong tâm hồn nhân vật chính.

3.1.1.2. Đồng hiện theo dòng tâm tưởng

Trôi dạt vô định theo dòng kí ức của Kiên, nhân vật chính của tác phẩm, thời gian hiện tại và quá khứ, quá khứ xa và quá khứ gần, không gian hiện tại phố phường Hà Nội yên ả, thanh bình và không gian chiến trận ầm ào đạn

bom trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cùng đồng hiện. Các cảnh

vật, con người trong những thời gian khác nhau liên tục xoay, liên tục thay đổi như khi người ta xoay một khối vuông ru bic. Qua đó, hình hài cuộc chiến tranh dần hiện lên, số phận một con người dần hiện lên. Khai thác, khám phá chiều sâu tâm hồn, đời sống tâm linh là sợi chỉ đỏ chủ đạo, xuyên suốt trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Để thể hiện điều đó, không gì có thế mạnh bằng kĩ thuật đồng hiện theo dòng tâm tưởng một khi nó được tác giả sử dụng như một nguyên tắc nghệ thuật chi phối cách thức tổ chức kết cấu tác phẩm.

Truyện mở đầu bằng thời gian hiện tại vào mùa khô đầu tiên sau chiến tranh (1976) , Kiên tham gia vào đội tìm kiếm hài cốt đồng đội từ bờ tây sông Pô Cô đến truông Gọi Hồn. Từ đây, dòng tâm tưởng đưa anh về trận đánh mùa khô năm 1969 đã xóa sổ tiểu đoàn 27 của anh, hồi ức về mùa mưa năm 1974, bệnh nghiện hồng ma, chuyện cúng giỗ các linh hồn đồng đội, chuyện Can bỏ trốn, chuyện tình của đồng đội với ba cô gái, rồi những ngày cuối tháng 4 – 1975, hồi ức về chuyện bài bạc của bốn anh em tiểu đội trinh sát… Cứ như vậy, các mốc thời gian, các sự kiện được hồi tưởng tạt ngang, tạt chéo, không theo một trình tự nào như những sợi dây cứ bất chợt thường xuyên thêm vào, chen nhau, thay nhau, quyện vào nhau, không theo một logic hay một quan hệ nhân quả nào. Dòng tâm tưởng là một dạng cực đoan của nội tâm. Những giấc mơ trong dòng tâm tưởng là hiện thực cuộc sống được tái tạo lại từ cõi vô thức. Do đó, những gì bề ngoài của nhân vật như hình hài, chân dung… thường mờ nhòe và đậm chất tượng trưng.

Tâm tưởng là một dòng sông miên man chảy về quá khứ. Trong dòng sông đó tất cả các ý nghĩ, suy tư, cảm giác, những liên tưởng đều mang tính chợt nhớ, mơ về. Nỗi buồn chiến tranh xây dựng bởi cấu trúc này nên mạch truyện không liên tục, luôn bị gián đoạn, đứt gãy, cấu trúc cốt truyện mờ nhạt, lỏng lẻo và bị cảm xúc của nhân vật chi phối, lôi đi. Ví dụ: Từ trang 44 đến

trang 50 miêu tả cảnh Kiên xử mấy tên lính thám báo. Khi Kiên chuẩn bị bóp cò để cho chúng vừa chết vừa nhìn thấy đáy huyệt thì giấc mơ chấm dứt bởi tiếng gọi của Trần Sơn, người lái xe trong đội chuyên chở hài cốt. Người đọc không biết câu chuyện trong giấc mơ kết thúc ra sao. Đến trang 176 câu chuyện xử mấy tên thám báo mới được tiếp tục nhớ về, lồng vào trong nỗi nhớ của Kiên về Phương. Hoặc kí ức của Kiên về đoàn tàu chiến tranh từ Hà Nội vào Thanh Hóa chia làm bốn đoạn rải ra trong tác phẩm. Bảo Ninh đã để cho câu chuyện về cuộc đời Kiên trôi dạt theo cấu trúc riêng của nó – cấu trúc của cuộc đời anh; trôi chảy, phiêu dạt, lãng du như chính cuốn tiểu thuyết mà anh đã viết dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời, đứt gãy, điên rồ và mộng mị. Cấu trúc ấy biểu hiện một trạng thái tinh thần bất ổn, bấn loạn của hiện tại.

Với kết cấu đồng hiện theo dòng tâm tưởng, Nỗi buồn chiến tranh của

Bảo Ninh đã mang trong mình những dấu hiệu hậu hiện đại của tiểu thuyết thế giới đương đại. Nó phá vỡ kết cấu truyền thống, giảm nhẹ, nới lỏng cốt truyện; chất kịch tính, những hành động, xung đột giữa các nhân vật, tuyến nhân vật bị chủ động mờ hóa đi; dần chuyển dịch vào trong tâm hồn nhân vật, trở thành những nghịch lí của lòng người. Từ đó và bằng cách đó, nó soi tỏ cõi tiềm thức, vô thức, tầng sâu thẳm của tâm linh con người. Đó là con người bị đa chấn thương bởi chiến tranh và cuộc sống hậu chiến. So với các tiểu thuyết về chiến tranh trước đó, đây là sự chuyển hướng thành công của Bảo Ninh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự vận động của tư duy tiểu thuyết về chiến tranh (qua sáng tác của phan tứ, nguyễn minh châu, bảo ninh) (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)