6. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Con người cá nhân, đa diện với bản sắc riêng
Cuộc chiến tranh chống Mĩ, với độ dài gần một phần tư thế kỉ, rốt cuộc vẫn luôn là một mảnh đất bao la và có một chiều sâu vô tận cho sự khám phá và sáng tạo của các nhà văn. Những tác phẩm đã ra đời của Phan Tứ với Gia
đình má Bảy, Mẫn và tôi… của Nguyễn Minh Châu với Cửa sông,Miền
cháy, Dấu chân người lính… mới chỉ như những bước chân đầu tiên “đặt lên
cái bậc cửa của toà thâm cung đồ sộ” đầy biến động và bí mật ấy. Vẫn đang còn đó biết bao nhiêu cuộc đời của những con người bình thường nhưng chứa đựng cả lịch sử, số phận của dân tộc, chứa đựng cả những bài học lớn về cuộc đời, về nhân sinh, về nhân tính đang chờ các nhà văn khám phá và sáng tạo. Ngày 30-4-1975 ấy có đúng thực chỉ toàn là cờ hoa, nườm nượp, bừng bừng, hân hoan, hạnh phúc như trên màn ảnh? Những nét tâm lí nào của con người đã thực sự diễn ra lúc chiến tranh phát khởi, lúc chiến tranh ác liệt, lúc chiến
tranh tạm im, lúc chiến tranh sắp kết thúc, rồi kết thúc hẳn và dần chuyển sang hoà bình? Người chiến thắng có thực sự vui? Cuộc chiến tranh có mặt trái không? Người anh hùng chiến trận có lúc nào yếu mềm, có phút nào hèn đớn, tâm hồn họ có góc nào mờ, khuất, tối mà chúng ta chưa biết?
Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh sẽ
đúc kết những giá trị tinh thần thấm đẫm tính nhân bản, nhân văn của con người, của cuộc chiến đã qua để nó không bị lãng quên từng ngày dù vẫn biết rằng mỗi thế hệ đều có cách đi riêng của mình. Khuynh hướng chuyển dần từ việc miêu tả, phản ánh con người trong dòng thác của những sự kiện chiến tranh, con người với bao phẩm chất tốt đẹp, gắn bó với truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá, đạo lí sang khám phá con người cá nhân, đa diện với bản sắc riêng là một quá trình đổi mới tư duy tiểu thuyết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh nói riêng và của nền tiểu thuyết chiến tranh nói chung. Dĩ nhiên, sự vận động, đổi mới đó không tách bạch một cách tức thì mà có sự giao kết, kế thừa, chuyển hoá, có những bước dò đường, tạo tiền đề và giai đoạn quá độ của nó.
2.2.2.1. Quan niệm nghệ thuật mới về người anh hùng
Bằng ý thức và thái độ trách nhiệm của một cây bút đầy tài năng và luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, Nguyễn Minh Châu đã mở ra lối tư duy mới cho tiểu thuyết chiến tranh của mình. Dần dà nó trở thành khuynh hướng mới trong dòng tiểu thuyết viết về chiến tranh. Đó là từ con người mà nhìn sự việc, sự kiện, khối lượng thông tin và qua đó soi rọi vào thế giới tinh thần của con người, mà viết về thân phận con người trong cuộc chiến.
Thực ra, không cần phải đợi đến sau chiến tranh mà ngay trong chiến tranh, tiểu thuyết được coi là “Sử thi hoành tráng” Dấu chân người lính đã
thấp thoáng hình ảnh người anh hùng đa diện. Đó là kiểu người không nhất phiến, có nội tâm không đơn giản thậm chí có khiếm khuyết trong tư cách con
người đời thường. Đó là Khuê lúc thì “như trẻ con”, lúc thì lại “đĩnh đạc như một người đứng tuổi”, “như một người đã từng trải hết sự đời”. Đó là Lượng, người cán bộ chỉ huy đã dạn dày chinh chiến có tình cảm với Xiêm, cô gái ở bản Huội San đã có chồng: “Có những lúc anh đã ao ước được ngồi bên cạnh Xiêm để ngắm chị và để nghe chị nói. Lượng đã tự thú với mình. Anh không muốn dối trá với mình. Anh đã yêu chị. Trái tim của Lượng như mặt đất cằn cỗi, khô nẻ và vì thế nên càng hút nước. Anh tự thú với mình anh đã yêu chị” [21, 199 - 200]. Đến Cỏ lau, ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đã già dặn hơn rất nhiều trong việc xây dựng nhân vật Lực, người anh hùng đa diện. Trong trận chiến ở Thành Cổ Quảng Trị, anh đã có những suy nghĩ rất tư lợi: “Tối nay làm nên chuyện thì tiếng tăm lừng lẫy, không chỉ riêng ở cái tấc đất tượng trưng dưới khoảng trời như cái vung lửa này mà còn chuyến đi xa, lên mặt trận chiến dịch, ra tận Hà Nội, không làm nên chuyện thì chắc chắn phải ở lại hẳn với cái tổ chốt mặt thành đông nam với danh nghĩa “tăng cường” mà hứng bom đạn đến rát mặt. Luật đời là thế” [25, 748]. Sau đó anh đã ra một mệnh lệnh vô lý khi cử Phi, người chiến sĩ liên lạc ra khỏi hầm trú ẩn trong lúc bom đang nổ bên ngoài dẫn đến cái chết đầy trách móc của Phi. Cho đến sau này, khi hòa bình đã được lập lại, tâm hồn anh vẫn không thôi bị dằn vặt, ám ảnh vì cái chết của người chiến sĩ liên lạc do lỗi lầm của anh gây ra. Với anh, “mỗi đêm là một sự tự thú”.
Kiên, người trung đội trưởng trung đội trinh sát trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là nhân vật anh hùng đa diện để lại nhiều ấn tượng sâu sắc
và ám ảnh người đọc không nguôi. Con người anh là cả một khối mâu thuẫn lớn. Trong tình yêu với Phương, anh vừa mãi mãi yêu lại vừa nhất quyết bỏ rơi nàng. Trong chiến đấu, anh rất dũng cảm nhưng cũng có khi hèn nhát bỏ chạy. Tâm hồn anh có khi đầy lòng trắc ẩn, nhạy cảm và tinh tế nhưng cũng có khi chai sạn, khô cứng.
Với nhân vật Kiên, Bảo Ninh đã làm nên chiều sâu mới cho nhân vật anh hùng, đó là kiểu người hoàn toàn không đơn giản, duy ý chí hay phiến diện. Người anh hùng đã được nhìn nhận như trong thực tế nó vốn có, cũng là một mảnh đời trong trăm ngàn mảnh đời đầy những vết dập xóa trên thân thể và chấn thương trong tâm hồn.
Với Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh như đã mở thêm ra một điều gì
mới mẻ về thế giới tâm hồn mênh mang của người lính, một thế giới có sự phối nhuyễn giữa lịch sử cuộc chiến tranh của dân tộc và lịch sử tâm hồn người lính chiến, nằm sâu trong cảm quan nhân bản. Điều đó góp phần quan trọng làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết chiến tranh với người đọc hôm nay.
2.2.2.2. Con người tự vấn - lời cảnh tỉnh về nhân tính
Trên con đường nghệ thuật để tìm kiếm sự thật về con người, tìm kiếm chân lí đời sống, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh đã xây dựng nên những nhân vật tự vấn, những nhân vật có khả năng tự soi thứ ánh sáng không tư vị vào đời sống tâm hồn của chính mình. Đó là một kiểu nhân vật cảnh tỉnh nhân tính, luôn đối thoại với mình và là người đối thoại với độc giả để cùng nhau chân thành, nghiêm túc nhìn lại chính mình, để mình trở nên NGƯỜI hơn.
Nỗi buồn chiến tranh là một “bản Xô nát buồn”. Nỗi buồn, niềm đau nhân tính như giai điệu chính luôn tuôn chảy miên man trong tâm hồn Kiên, trải dài từ thời liên miên chiến trận không bến không bờ cho đến thời hậu chiến cũng không bờ không bến. Trong chiến tranh, đó là những cái chết bi thương, thảm khốc của những người tham chiến của cả bên này lẫn bên kia và cả những người không tham chiến. Sau chiến tranh, đó là những giấc mơ hãi hùng, là nỗi thất vọng triền miên của con người mà tâm hồn đã bị chiến tranh xé rách, ám ảnh từng đêm và bị cuộc đời hòa bình lãng quên từng ngày.
Bảo Ninh đã chọn cách thể hiện nỗi buồn chiến tranh - nỗi buồn nhân tính chủ yếu qua tâm trạng nhân vật Kiên. Với Kiên, nỗi buồn chiến tranh là
niềm đau xót trước cảnh nhân tính bị hủy diệt: “cả thế hệ anh đã lao vào trận chiến một cách hăng say, một cách hung dữ, đã làm đổ máu mình, đổ máu người. Hàng đọi máu, sông máu” [113, 149]. Trong cảm nhận của Kiên:“Nỗi
buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát. Nghĩa là buồn, là nhớ, là niềm đau êm dịu có thể làm cho người ta bay bổng lên trong thời gian quá khứ” [113, 115]. Nỗi buồn chiến tranh hằn sâu vào kí ức người lính, là nỗi đau máu thịt, khi kí ức dừng lại ở một điểm nào đó thì nó trở nên xé đau trong lòng không thể chịu đựng nổi. với Kiên, buồn là một thể nguyên khối suốt cuộc đời, liền một mạch. Nỗi buồn chiến tranh dường như làm khuyết tật tâm hồn anh.
Sự miêu tả cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật Kiên không dừng lại ở góc độ là Kiên – người lính mà còn tiếp tục ở góc độ là Kiên – nhà văn. Điều đó cho chúng ta thấy chiều sâu đời sống bên trong của con người, đồng thời chứng tỏ sự phản tỉnh ở trong mỗi con người là không dễ dàng. Trái tim con người có khi như một chiến trường mà ở đó cái xấu và cái tốt, thiên thần và ác quỷ đang vật lộn với nhau.
Ở nhân vật Kiên – nhà văn, cũng luôn có những cuộc giằng xé nội tâm và những hành động bất thường, kì cục, nhất là trong những cơn say khướt, triền miên. Trong hành trình sáng tạo một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh mà Kiên cho là thiên chức thiêng liêng của mình, Bảo Ninh đã khéo léo đưa vào đó thông điệp về bản chất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, khẳng định nhân cách nhà văn, bản chất đích thực của người nghệ sĩ dám dấn thân vào cuộc hành trình đơn độc vì cái đẹp, vì những người đồng đội đã ngã xuống, vì nỗi buồn chiến tranh, vì nhân tính, vì ánh hào quang tột đỉnh của chiến thắng đã sớm lụi tàn, mai một trong từng thân phận, vì cuộc sống tầm thường và thô bạo của thời hậu chiến. Anh “viết để quên đi, viết để nhớ lại. Viết để có một
cứu cánh, một niềm cứu rỗi để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà còn muốn sống” [113, 188].
Văn học là ý thức về đời sống, tồn tại cùng với những giá trị tinh thần của con người. Văn học hướng con người đến cái chân, thiện, mĩ. Trong đời sống, điều đáng sợ là mất đi nhân tính, là sự vô cảm trước nỗi đau con người. Nhà văn Kiên bằng cuốn tiểu thuyết duy nhất của đời anh, hay chính là Bảo Ninh bằng cuốn tiểu thuyết duy nhất của đời mình muốn cất lên lời cảnh tỉnh về nhân tính trước nguy cơ bị xói mòn, bị tha hóa. Sự lãng quên, bội bạc với quá khứ là điều cần phải cảnh tỉnh.
Cuộc tự vấn, cuộc đấu tranh bên trong con người mình trước tòa án của lương tri chính là cuộc vật lộn để bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lí dù rằng sự thật ấy là nghiệt ngã với chính bản thân mình. Ở trong con người Kiên ta bắt gặp những nỗi niềm thực, những tự phán, giằng xé, tự trừng phạt đến nghiệt ngã. Đó chính là biểu hiện của sự tự hoàn thiện về nhân cách. Đó cũng chính là một thông điệp khác của Bảo Ninh.
Theo chúng tôi, khuynh hướng thể hiện con người tự vấn trong Nỗi buồn
chiến tranh của Bảo Ninh là khuynh hướng thể hiện sự đổi mới trong tư duy
tiểu thuyết về chiến tranh. Ở đó, chiến tranh không chỉ là mục đích phản ánh mà còn là chất liệu nghệ thuật, là phương tiện để khám phá, thể hiện con người. Thông qua việc miêu tả hiện thực khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh và những nỗi đau tột cùng, dai dẳng mà nó gieo rắc, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã giúp cho nhiều thế hệ bạn đọc hiểu được cái giá của hòa bình hôm nay để sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời. Tác phẩm xứng đáng là cuốn tiểu thuyết về chiến tranh đặc sắc đóng góp cho kho tàng văn chương nhân loại.
2.2.2.3. Con người bản năng với khát vọng tình yêu, hạnh phúc
có khát vọng mưu cầu hạnh phúc, tình yêu. Đó là bản năng sống, bản năng tồn tại. Văn học lấy con người làm đối tượng phản ánh thì không thể không đề cập đến vấn đề này.
Trong văn học, tùy từng giai đoạn lịch sử, tùy từng hoàn cảnh cụ thể, vấn đề trên được đặt ra với tầm quan trọng khác nhau. Tiểu thuyết chiến tranh trước 1975 tất yếu đặt lên hàng đầu vấn đề đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, lợi ích cộng đồng nên gần như không quan tâm đến phương diện con người bản năng. Khi chiến tranh qua đi, cuộc sống thời bình trở lại, tình yêu và hạnh phúc cá nhân lại trở thành vấn đề bức xúc. Hòa bình, con người có thể vì thế mà hạnh phúc hơn? hay nó vẫn luôn biến động, chẳng bình yên, vẫn ở đâu xa lắc mà con người vẫn phải vật vã kiếm tìm, đặc biệt là với những người đã đánh mất nó trong một thời đạn bom nghiệt ngã của chiến tranh? Còn gì gian khổ hơn việc tìm lại một tình yêu đã mất, một tình yêu đã chết mà lại là tình yêu đầu đời, thuở người ta còn son trẻ, trong trắng và chân thành?
Tình yêu của Lực và Thai trong Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu là một
mối tình như vậy. Họ cưới nhau, hạnh phúc trong cảnh nghèo của vùng đất nghèo Quảng Trị với ước mơ nho nhỏ, bình dị “em sẽ đi học lái máy cày”, “anh sẽ làm chủ tịch cái nông trường núi Đợi này”. Mới bén hơi nhau được một tuần, đôi vợ chồng trẻ đã phải chia li. Lực cầm súng lên đường đi chiến đấu. Thai ở nhà phụng dưỡng cha già. Rồi nghe tin Lực bị địch giết bỏ xác trôi sông, Thai cùng gia đình tìm lấy xác về chôn tin chắc rằng Lực đã hi sinh, hàng năm cúng giỗ. Rồi Thai lấy chồng khác, sinh con và cuộc sống cứ thế chảy trôi trong cảnh huống sống với chồng mới mà vẫn nhớ về chồng cũ. Một ngày của hai mươi bốn năm sau, khi tiếng súng đã im, Lực trở về:“Hai mươi bốn năm, cả tôi và Thai đều đã già. Chúng tôi đã đánh mất nhau suốt cả một thời trẻ tuổi, nhưng trừ khi kẻ sống người chết, bây giờ gặp lại nhau chúng tôi
không thể nào quen được trông thấy mỗi người có một cuộc đời khác. Chúng tôi vẫn còn yêu nhau. Tôi không dám nghĩ đến ngày mai Thai lại trở về với gia đình. Tôi biết rằng chỉ có người đàn bà đang đi bên cạnh, giữa đáy con sông khô này mới có thể xoa dịu bao nhiêu vết thương mà chiến tranh đã để lại trong lòng tôi” [25, 774-775]. Nguyễn Minh Châu là tác giả đã kinh qua những tháng năm chiến tranh tàn khốc. Ông thấu hiểu rằng trên khắp mọi miền quê đất Việt có biết bao người con gái, con trai đã giành giật từng giây từng phút với đạn bom để được sống với tình yêu, hạnh phúc và phải chịu đựng mất mát của hạnh phúc, tình yêu. Viết về nỗi mất mát này, Nguyễn Minh Châu như đang giãi bày một nỗi niềm riêng, vừa như trả một món nợ cho đồng chí, đồng đội, cho những người đã mãi mãi ra đi cùng với cỏ lau và cho những người còn lại cùng với Thành Cổ.
Còn mãi trong ta vang ngân ca từ cùng giai điệu luyến láy trầm hùng trong nhạc phẩm “Cỏ non thành cổ” của Tân Huyền: “Cỏ non xanh tơ, cỏ non xanh tơ, xin chớ vô tình với người hi sinh trên mảnh đất quê mình” và lời thơ da diết của Lê Bá Dương:
“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm Có tuổi hai mươi thành sóng nước Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.”
Đó là tiếng nói của lòng trắc ẩn, là sự giãi bày về thân phận con người hay thân phận tình yêu trong cuộc chiến tranh vừa qua.
Với tư chất thiên phú của người cầm bút đầy tài năng và nhạy cảm, Bảo Ninh coi tình yêu như là “tín hiệu con người”. Từ những cảm xúc nóng hổi,