6. Tổng quan tài liệu:
1.2.2. Hệ thống kiểm soát nội bộ
Kiểm soát nội bộ theo định nghĩa của COSO có thể được xem định nghĩa thể hiện đầy đủ nhất và chính xác nhất về kiểm soát nội bộ: “Kiểm soát nội bộ là một quy trình chịu ảnh hưởng bởi Hội đồng quản trị, các nhà quản lý và các cá nhân khác của một tổ chức, được thiết kế để cung cấp mọi sự đảm bảo hợp lý trong việc thực hiện các mục tiêu sau: Báo cáo tài chính đáng tin cậy; Các luật lệ và quy định được tuân thủ; Hoạt động hữu hiệu và hiệu quả”.
Theo Liên đoàn kế toán quốc tế, hệ thống kiểm soát nội bộ là: “Một hệ thống các chính sách và thủ tục nhằm các mục tiêu sau: bảo vệ tài sản của đơn vị, bảo đảm độ tin cậy của các thông tin, bảo đảm việc thực hiện các chế độ pháp lý và bảo đảm hiệu quả của hoạt động và năng lực quản lý.
Quan điểm của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) Theo VSA 400 Hệ thống KSNB được định nghĩa như sau: “Hệ thống KSNB là các qui định và các thủ tục kiểm soát do đơn vị được kiểm toán xây dựng và áp dụng nhằm đảm bảo cho đơn vị tuân thủ pháp luật và các qui định để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và phát hiện gian lận, sai sót; để lập Báo cáo tài chính trung thực và hợp lý; nhằm bảo vệ, quản lý và có hiệu quả tài sản của đơn vị. Hệ thống KSNB bao gồm môi trường kiểm soát, hệ thống kế toán và các thủ tục kiểm soát”.
Trong đó:
Hệ thống kế toán: Là các qui định về kế toán và các thủ tục kế toán mà đơn vị được kiểm toán áp dụng để thực hiện ghi chép kế toán và lập Báo cáo tài chính.
Môi trường kiểm soát: Là những nhận thức, quan điểm, sự quan tâm và hoạt động của thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Giám đốc đối với hệ thống KSNB trong đơn vị.
Thủ tục kiểm soát: Là các quy chế và thủ tục do Ban lãnh đạo đơn vị thiết lập và chỉ đạo thực hiện trong đơn vị nhằm đạt được mục tiêu quản lý cụ thể.
Theo quan niệm này thì hệ thống KSNB được mô tả theo con mắt của các kiểm toán viên độc lập bên ngoài đơn vị và nó cũng hướng đến phục vụ các mục tiêu của các kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán tại đơn vị.
Tóm lại, “Hệ thống KSNB là hệ thống các cơ chế kiểm soát đơn vị được cụ thể bằng các quy chế quản lý do Ban lãnh đạo ban hành nhằm giảm thiểu những rủi ro làm cho đơn vị không đạt được mục tiêu của mình”.
Qua các định nghĩa đã nêu cho thấy KSNB không chỉ giới hạn trong chức năng tài chính kế toán mà còn có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như hành chính, quản lý, nó không chỉ thuộc về nhà quản lý mà đòi hỏi phải
có sự phối hợp đồng bộ của tất cả thành viên trong tổ chức.
KSNB được phân biệt thành hai dạng là kiểm soát kế toán và kiểm soát quản lý. Kiểm soát kế toán và kiểm soát quản lý có vai trò như nhau và luôn hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, kiểm soát kế toán có ảnh hưởng trực tiếp đến tính chính xác của thông tin kế toán hơn là kiểm soát quản lý. Kiểm soát quản lý gắn liền với trách nhiệm thực hiện các mục tiêu của tổ chức và là điểm xuất phát để thành lập kiểm soát kế toán.