Sản xuất kinh doanh theo hình thức độc lập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 54 - 57)

2 Hà Văn Mao có mỏ tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ Nguyễn Văn Nhân (còn gọi là Ký Sao) nổi tiếng trong giới mỏ, quê làng Thịnh Liệt, Hà Đông, có mỏ ở Hà Đông và Quảng Yên.

2.2.1. Sản xuất kinh doanh theo hình thức độc lập

Đây là hình thức kinh doanh khá phổ biến, một số tư sản khi đã có số vốn nhất định, họ tự đứng ra lập công ty, xí nghiệp trên các lĩnh vực phù hợp cho riêng mình. Do đó những công ty, xí nghiệp đó thuộc sở hữu của bản thân các nhà tư sản, đồng thời lợi nhận thu được không phải chia sẻ với ai. Trong thời kỳ 1930 - 1945, hình thức kinh doanh độc lập vẫn được duy trì trên các lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp và một số lĩnh vực khác.

Kinh doanh độc lập có thể nói trở thành xu hướng của đại đa số tư sản Việt Nam. Bất kỳ tư sản nào cũng muốn hướng theo hình thức này. Một mặt muốn tự mình bỏ vốn, mở cơ sở sản xuất kinh doanh, không muốn chia sẻ lợi nhuận với ai; mặt khác hàm ý muốn độc lập trước sự chèn ép và tránh phụ thuộc vào tư sản nước ngoài, trước hết là tư sản Pháp. Do đó, đối với bộ phận tư sản này, ít nhiều thể hiện tinh thần dân tộc, ý thức tự tôn khá cao, muốn chứng minh người Việt có đủ bản lĩnh, tự tin và trí tuệ để “tranh thương” với tư sản các nước khác. Chống lại tư tưởng khinh thường khả năng kinh doanh của người Việt của người nước ngoài và chống quan niệm “trọng nông khinh thương” của người Việt Nam. Do đó, đa số những tư sản kinh doanh theo hình thức này đều tự lập những cửa hiệu buôn bán, xưởng sản xuất hay công ty riêng, kinh doanh theo kinh nghiệm thực tế học hỏi và số vốn tích lũy được qua các hình thức và lĩnh vực kinh doanh khác nhau trước đó.

Thời kỳ 1930 - 1945, trước những khó khăn của thời cuộc, số lượng tư sản Việt Nam kinh doanh theo hình độc lập vẫn chiếm số lượng khá lớn, họ kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, số lượng tư sản “cầm cự” và duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh và “có tiếng” trong kinh doanh như trường hợp Trương Văn Bền, Trần Trinh Trạch, Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Tòng, Nguyễn Sơn Hà... lại rất ít. Đa phần những cơ sở sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam kinh doanh theo hình thức độc lập thời kỳ này thường có số vốn không lớn, việc kinh doanh khó mở rộng ra khỏi địa bàn một tỉnh và đặc

biệt chưa lập được những công ty lớn. Kinh doanh của họ phần nhiều nhỏ bé, vốn từ dăm bảy nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Số lượng nhân công mà họ thuê mướn cũng không lớn, thậm chí nhiều tư sản còn kinh doanh theo kiểu lấy công làm lời, tận dụng nhân lực trong gia đình.

Tư sản Việt Nam kinh doanh theo hình thức độc lập thường xuất thân từ nhiều nguồn gốc khác nhau, họ là những địa chủ, thương nhân, chủ xưởng sản xuất... Phương thức kinh doanh theo hình thức này chủ yếu là dựa trên số vốn không lớn ban đầu, lựa chọn lĩnh vực phù hợp, bước đầu tổ chức sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ. Sau một thời gian, họ mạnh dạn bỏ thêm vốn và dựa vào kinh nghiệm kinh doanh tích lũy được, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Hai chiều hướng thường thấy trong hình thức kinh doanh này là một số tư sản bắt đầu từ kinh doanh đa lĩnh vực, đa hình thức rồi sau đó tập trung vốn vào một lĩnh vực vốn có thế mạnh và nhiều am hiểu nhất; số khác khởi đầu công cuộc kinh doanh từ một lĩnh vực duy nhất, nhưng khi phát triển quy mô lại chuyển sang kinh doanh đa lĩnh vực.

Có thể thấy rõ phương thức, hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hình thức độc lập của tư sản Việt Nam thông qua tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tư sản Việt Nam tiêu biểu trong từng lĩnh vực cụ thể sau:

Trước hết là trong lĩnh vực công nghiệp, số nhà tư sản Việt Nam theo đuổi và thành công từ hình thức kinh doanh này tuy không nhiều nhưng hiệu quả kinh doanh khá cao. Tiêu biểu cho hình thức kinh doanh này là Trương Văn Bền, năm 1931 ông thành lập hãng ép dầu và làm xà bông với tên là “Công ty Trương Văn Bền và các con”. Từ những nguyên liệu có sẵn như mủ thông, lúa sản xuất ra ở các đồn điền do ông sở hữu..., cùng với sự tìm tòi khám phá, ứng dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất xà bông, ông đã tiết kiệm được khá nhiều vốn đầu tư ban đầu. Sản phẩm tung ra thị trường, với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, lại giá rẻ, sản phẩm xà bông của Trương Văn Bền đã đánh bại được xà bông nhập cảng và thâu tóm được thị trường toàn Đông Dương, xuất sang cả Hương Cảng, qua châu Phi và Tân Đảo (Vanuatu). Khi đã định hình

được tên tuổi, sản phẩm và thị trường tiêu dùng, Trương Văn Bền đặc biệt chú trọng vào khâu quảng cáo khuếch trương thương hiệu. Trong suốt thời gian dài, hầu hết báo chí thời đó đều có đăng mục quảng cáo “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” và “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam” [14].

Trong lĩnh vực thương nghiệp tiêu biểu là trường hợp Trịnh Văn Bô. Ông là chủ tiệm buôn Phúc Lợi có tiếng ở Hà Nội. Hoạt động kinh doanh của ông bắt đầu từ thời niên thiếu, ông từng xin mẹ tiền, ra chợ buôn bán tơ gần nhà mua rồi xuống cuối chợ bán lại. Những đồng lãi đầu tiên dù ít ỏi nhưng đủ để nhen nhóm tham vọng kinh doanh của ông sau này. Con đường kinh doanh của vợ chồng ông Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ bắt đầu từ năm 1932 - thời điểm sau khi kết hôn, họ được cha mẹ cho thừa kế thương hiệu vải Phúc Lợi ở số 7 Hàng Ngang với số vốn 30 ngàn đồng [33]. Nhờ tiếng tăm của gia đình, với tài kinh doanh thiên bẩm, Trịnh Văn Bô và vợ đã kế tục sự nghiệp của cha mẹ, từng bước tạo dựng và đưa thương hiệu Phúc Lợi phát triển vượt bậc. Họ rất coi trọng chữ tín trong kinh doanh. Đó là bí mật và cũng là bí quyết vàng trong mọi giao dịch làm ăn. Ông rất cần mẫn trong kinh doanh, từ bán hàng đến kiểm duyệt các đơn hàng, có nhiều đơn hàng phải giao cho khách họ không muốn xảy ra bất cứ sai sót nào. Chính vì điều này, nhiều thương gia nước ngoài sang Hà Nội đã nghe tiếng vải Phúc Lợi và về nước họ chia sẻ với bạn kinh doanh. Từ đó, uy tín của gia đình lan rộng ra các nước trong khu vực. Từ những hợp đồng trong nước, hai vợ chồng Trịnh Văn Bô còn mở rộng thị trường, đưa sản phẩm tơ lụa Việt Nam sang khắp các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ… Nhờ sự sắc sảo, linh hoạt, bà Hoàng Thị Minh Hồ phụ trách phần giao dịch, ông Trịnh Văn Bô học rộng, biết nhiều tiếng (Anh, Pháp) đảm nhận luôn vai trò thông ngôn (phiên dịch) cho hiệu buôn Phúc Lợi.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết tư sản Việt Nam đều muốn bỏ vốn ra kinh doanh độc lập, bởi không vấp phải sự ngăn của thực dân Pháp, thậm chí còn được khuyến khích phát triển, nên hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực này khá an toàn và bền vững. Nắm bắt cơ hội kinh doanh từ chính sách phát triển

đồn điền của chính quyền thực dân, một số tư sản bỏ vốn mua ruộng đất, thành lập đồn điền trồng lúa, cao su, cà phê cung cấp sản phẩm xuất khẩu, điển hình như Trần Trinh Trạch, Trương Văn Bền, Đỗ Đình Thiện... Nổi bật nhất lĩnh vực này phải kể đến Trần Trinh Trạch ở Nam Kì. Khởi dầu sự nghiệp kinh doanh, Trần Trinh Trạch kinh doanh cầm đồ, độc quyền phân phối rượu, độc quyền cho vay..., từ đó dần tích lũy được vốn. Sau đó, ông đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, ông đầu tư vào ruộng sản xuất muối và lúa, ông trúng thầu và trở thành nhà cung cấp muối cho cả Nam Kì, lợi nhuận thu được từ ruộng lúa và ruộng muối rất lớn, ông tiếp tục mua thêm ruộng và trở thành đại điền chủ có sở hữu tư nhân về ruộng đất thuộc hàng lớn nhất Đông Dương thời Pháp thuộc. Vào những năm 1930 -1940, Trần Trinh Trạch sở hữu tổng cộng gần 200.000 hécta ruộng trồng lúa và làm muối ở Bạc Liêu và vùng lân cận. Cả tỉnh Bạc Liêu có 13 lô ruộng muối, Trần Trinh Trạch chiếm tới 11 lô, với hơn 50.000 mẫu. Riêng ruộng lúa ông có 74 sở điền với 150.000 mẫu [73].

Một số lĩnh vực khác như lĩnh vực bất động sản có nhà tư sản Trương Tấn Vị. Khởi nghiệp năm 1932, với số vốn ban đầu khá lớn 100.000 đồng, ông hướng vào mua bán bất động sản ở Sài Gòn, Chợ Lớn; sản xuất thuốc lá có Nguyễn Văn Hộ, chủ công ty thuốc lá Bắc Nam phương thành lập ở Gia Định năm 1933 với số vốn là 30.000 đồng; lĩnh vực quảng cáo có công ty quảng cáo Kim Thời của Trịnh Văn Ngẫu thành lập năm 1931 ở Sài Gòn, vốn 5.000 đồng và có 25 ô tô chuyên đi quảng cáo hàng cho các nhà công - thương Nam Kì; hay xưởng nhuộm vải Kim Thời của Nguyễn Khắc Trương ở Sài Gòn thành lập năm 1933 sử dụng 80 công nhân... [8, tr.130].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 54 - 57)