So sánh về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 79 - 82)

SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA TƯ SẢN VIỆT NAM THỜI KỲ 1930

3.2.3. So sánh về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh

Từ khi ra đời cho đến thập niên 30 của thế kỷ XX, tư sản Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp đến giao thông vận tải, thầu khoán. Những công ty, xưởng sản xuất, hội buôn do tư sản Việt Nam lập ra kinh doanh tương đối phát

đạt với nhiều loại hàng hoá khác nhau. Thành phần kinh tế tư bản của tư sản Việt Nam giữ một vị trí nhất định, đóng góp cụ thể vào sự phát triển kinh tế của cả nước. Thế nhưng, thành phần kinh tế tư bản của người Việt chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng thể nền kinh tế của cả nước. Địa vị kinh tế của họ còn nhỏ yếu và thấp kém so với tư sản nước ngoài. Tư sản Việt Nam trong các ngành công nghiệp lực lượng của họ rất nhỏ “Toàn bộ vốn đầu tư vào các ngành mỏ than, cơ khí và giao thông vận tải của họ chỉ bằng 1% vốn của tư bản Pháp trong các ngành đó” [74, tr.142].

So với tư sản Pháp, tư sản Hoa kiều, tư sản Việt Nam có địa vị kinh tế nhỏ hơn rất nhiều. Phần lớn những ngành kinh tế công nghiệp quan trọng đều nằm trong tay tư sản Pháp, thương nghiệp bị Hoa kiều lũng đoạn. Nguồn vốn trong các xí nghiệp của tư sản của Việt Nam rất nhỏ. Số công ty, hội buôn có số vốn trên 100 ngàn đồng rất ít, như công ty nông nghiệp Đông Dương của Bùi Quang Chiêu có số vốn là 600.000 đồng; Công ty bảo hiểm ô tô Việt Nam của Trương Tấn Vị có số vốn là 200.000 đồng. Những công ty, xưởng sản xuất được xem là có số vốn lớn, sở hữu số chi điếm khắp cả nước, gây dựng được thương hiệu và đủ sức cạnh tranh với tư sản ngoại quốc như đã nêu trên cũng là những công ty cổ phần có sự góp vốn của nhiều người khác nhau, kinh doanh theo hình thức nguồn vốn chia lợi nhuận mà thôi. Đa phần những công ty, xưởng sản xuất sở hữu số vốn vài chục ngàn đồng, chủ yếu trong khoảng từ 30.000 đồng đến 80.000 đồng như công ty đồn điền cao su Xuân Hiệp Thôn có số vốn là 40.000 đồng, công ty Quảng Thịnh Lâm có số vốn là 40.000 đồng, công ty Trương Hoành và Dương ở Sài Gòn có số vốn là 35.000 đồng…, trong khi đó, số vốn trong các công ty, xí nghiệp của tư sản nước ngoài thường là hàng triệu phơ răng như công ty cao su Xuân Lộc, với số vốn 6 triệu phơ răng, công ty nông nghiệp Thành Ty Hạ, khi mới thành lâp năm 1910, vốn của công ty là 600.000 phơ răng, đến năm 1935 lên đến 3.311.800 phơ răng [57, tr.169 – 170].

Không chỉ có vốn ít mà số lượng các công nhân trong các xí nghiệp của tư sản Việt Nam cũng chiếm số lượng rất nhỏ. Trong tổng số 22 vạn công nhân

làm trong các xí nghiệp công – thương năm 1930 thì số công nhân trong các xí nghiệp của tư sản Việt Nam chỉ chiếm 3% tức là khoảng 7.000 công nhân [76, tr.145]. Ở nước ta, tư sản Việt Nam sử dụng nhận công nhiều nhất là Nguyễn Xuân Mỹ ở mỏ than mỏ Chân Tiên, Mỹ Dao (Bắc Kì) sử dụng 376 công nhân, tiếp đến xưởng dệt của Trịnh Văn Mai sử dụng 200 công nhân, xưởng nhuộm vải Kim Thời của Nguyễn Khắc Trương ở Sài Gòn sử dụng 80 công nhân, còn lại một số ít sử dụng từ 40 – 60 công nhân, đa phần sử dụng dưới 10 công nhân. Trong khi đó, các công ty của tư sản ngoại quốc như công ty Pooclăng của Pháp sử dụng trung bình của nhà máy là 4.000 công nhân, Công ty gạch ngói Đông Dương của Pháp năm 1939 sử dụng 500 công nhân [63, tr.335].

Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính sách thống trị của thực dân Pháp. Sự thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam dựa trên đặc quyền và độc quyền. Đế quốc Pháp dùng bộ máy thực dân phong kiến để thi hành chính sách vơ vét, bóc lột. Chúng sử dụng nhiều biện pháp trắng trợn để ngăn cản công thương nghiệp thuộc địa phát triển. Dùng tư bản đầu tư vào các ngành nông, công, thương nghiệp nhằm nắm hết mạch máu kinh tế; nắm giữ những thương cảng quang trọng trong cả nước. Do đó, kinh tế nước ta phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế của đế quốc Pháp. Tư sản Việt Nam bị tư sản Pháp chi phối trên tất cả các mặt từ thị trường, nguyên liệu và máy móc cho tới vị trí trong các ngành sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, bằng chính sách thuế quan, thực dân Pháp ngăn cản công thương nghiệp bản xứ tiếp xúc với thị trường ngoài nước. Ngay từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp quy định hàng hoá Pháp vào thuộc địa Pháp coi như vận chuyển trong chính quốc Pháp, phải chịu thuế rất thấp, hàng ngoại quốc vào thuộc địa Pháp coi như vào chính quốc Pháp, phải chịu thuế rất nặng. Vì thế, hàng hoá Pháp nhập vào Đông Dương càng tăng nhanh chóng. Trung bình mỗi năm trong và sau đại chiến tăng hơn gấp 5 lần giá trị hàng hoá Pháp nhập cảng trước đây. Hàng hoá Pháp lũng đoạn trên thị trường nội địa thì hàng hoá Việt Nam bị lấn át, nhất là những mặt hàng tiêu dùng như vải, đường, giấy.... Sự

cạnh tranh giữa hàng hoá Pháp với hàng hoá Việt Nam là sự cạnh tranh giữa đại xí nghiệp có kỹ thuật cơ khí tiên tiến với tổ chức thủ công nghiệp lạc hậu.

Những chính sách thống trị trên của thực dân Pháp đã tạo ra cuộc cạnh tranh bất bình đẳng đối với tư sản Việt Nam. Họ bị tư sản ngoại quốc chèn ép, thực dân Pháp kìm hãm phát triển. Vì thế, địa vị kinh tế của tư sản Việt Nam rất nhỏ bé, những lĩnh vực kinh doanh của tư sản Việt Nam phần lớn là những ngành nghề không có cạnh tranh với tư sản Pháp hoặc là những lĩnh vực không quan trọng trong nền kinh tế thì mới có thể tồn tại được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)