SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA TƯ SẢN VIỆT NAM THỜI KỲ 1930
3.3.1. Trên phương diện kinh tế
Từ khi ra đời cho đến năm 1945, giai cấp tư sản Việt Nam không ngừng hoạt động, vươn lên khẳn định địa vị của mình trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong thời kỳ 1930 - 1945, do sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ như khủng hoảng kinh tế thế giới, Chiến tranh thế giới thứ hai, thế nhưng giai cấp tư sản Việt Nam chưa bao giờ thoái lui mà luôn tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động đó đã tác động khá tích cực đến kinh tế Việt Nam. Điều đó thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh tư sản Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945 tiếp tục thúc đẩy sự chuyển biến cơ cấu kinh tế Việt Nam thời kỳ cận đại.
Từ khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị, mặc dù với ý thức tiền định là kìm hãm nền kinh tế Việt Nam trong sự lạc hậu, phụ thuộc nhằm mục đích vơ vét, bóc lột nhiều nhất những gì có thể về kinh tế; những hoạt đầu tư, khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã gián tiếp trở thành một ngoại lực quan trọng làm cho mầm móng kinh tế tư bản dân tộc nảy nở mạnh hơn, nhanh hơn, mà biểu hiện rõ nhất chính là sự ra đời của gia cấp tư sản Việt Nam. Đến lượt nó, tư sản Việt Nam bằng chính thực lực và ý thức kinh doanh độc lập của mình đã vươn lên, tập trung vốn, học tập kinh nghiệm, liên kết với nhau cùng mở xưởng sản xuất, lập công ty kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực mà họ nắm bắt
được cơ hội, thúc đẩy thành phần kinh tế tư bản dân tộc ở Việt Nam vốn đã nảy sinh trước đây tiếp tục phát triển lên trong thời kỳ mới.
Tư sản Việt Nam thành lập các xí nghiệp, công ty và hội buôn kinh doanh độc lập nhằm phát triển kinh tế đất nước, cạnh tranh kinh tế với tư sản nước ngoài ngay tại thị trường trong nước, nên đã góp phần vào sự chuyển biến kinh tế Việt Nam thời cận đại. Một số nhà tư sản làm ăn theo lối tư bản chủ nghĩa, chuyển đổi kỹ nghệ sản xuất, mua máy móc thiết bị, xây dựng nhà máy, tổ chức sản xuất theo quy mô công nghiệp. Trường hợp của Trương Văn Bền trong công nghiệp chế biến xà bông. Năm 1931, ông thành lập hãng ép dầu và làm xà bông với tên chính thức “Công ty Trương Văn Bền và các con”. Từ những nguyên liệu có sẵn như mủ thông ở đồn điền, cơ sở xay lúa gạo ở vùng Đồng Tháp Mười. Hay như trường hợp nhà tư sản Đỗ Đình Thiện, ông đã bỏ tiền mua Nhà máy in Taupin của người Pháp…[11].
Nền kinh tế Việt Nam dần dần chuyển biến từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp sang một nền kinh tế thuộc địa - tư bản chủ nghĩa. Có thể hình dung kết cấu kinh tế Việt Nam thời kỳ này gồm hai bộ phận. Một khu vực hiện đại bao gồm công nghiệp, ngoại thương, ngành tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, và các đồn điền; và một khu vực truyền thống tập hợp các ngành kinh tế truyền thống như nông nghiệp và thủ công nghiệp. Việc sử dụng và phổ biến phương thức kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa của tư sản Việt Nam đã tạo ra bước phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất. Nền kinh tế hàng hóa đã bắt đầu hình thành và phát triển ở một số khu vực sản xuất. Một mạng lưới giao thông đồng bộ và tương đối hiện đại đã được thiết lập, tạo điều kiện hình thành thị trường dân tộc thống nhất. Theo nhà xã hội học Pháp A.Dumarest thì từ sau năm 1919 nền kinh tế ở Đông Dương phát triển rất nhanh chóng; và “nhờ đó xứ Đông Dương đã xa dần giai đoạn tiền tư bản để tiến sát gần với chủ nghĩa tư bản thật sự, trong đó đã xuất hiện sự tách rời giữa lao động và tư bản” [83, tr.34]. Đánh giá đó có vẻ cao hơn so với thự tế, nhưng nó đã khẳng định thêm sự chuyển biến về cơ cấu kinh tế Việt Nam thời Pháp thuộc.
Thứ hai, hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam thúc đẩy kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam tiếp tục phát triển, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa tiếp tục thâm nhập sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế.
Trong thời kỳ 1930 - 1945, những hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam thúc đẩy thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam tiếp tục phát triển, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa tiếp tục thâm nhập sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế. Nhiều xưởng sản xuất, công ty xuất hiện, tăng thêm vốn, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, cạnh tranh mạnh mẽ với tư sản bên ngoài. Cùng với đó, tư sản Việt Nam liên kết lại với nhau hoặc liên kết với tư sản nước ngoài để có cơ hội thuận lợi hơn trong kinh doanh trên tất cả cá lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông vận tải. Nhiều ngành sản xuất theo lối tư bản chủ nghĩa xuất hiện. Cùng với quá trình tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, các xưởng sản xuất, công ty đã đưa vào sử dụng những trang thiết bị, máy móc hiện đại có xuất xứ từ phương Tây.
Trong khu vực kinh tế truyền thống, nông nghiệp vẫn giữ vai trò hàng đầu, nhưng diện tích đất canh tác không ngừng được mở rộng; cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, giảm tính chất độc canh với sự tăng cường các cây hoa màu, cây công nghiệp. Đến năm 1937, Việt Nam có tới 920 đồn điền, với diện tích 99.819ha [63, tr.332]. Trong các đồn điền, công cụ nông nghiệp được cải tiến, áp dụng phương tiện kỹ thuật, phân hoá học, thuốc trừ sâu..., máy móc bắt đầu đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đó là biểu hiện của sự xâm nhập sâu rộng của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vào ngành nông nghiệp Việt Nam sau năm 1930.
Kinh tế công nghiệp tiếp tục được mở rộng và phát triển. Nhiều công ty, xí nghiệp mở rộng quy mô sản xuất sau quá trình tích luỹ tư bản, một số doanh nghiệp mới được lập ra, một số ngành nghề mới xuất hiện trong nền kinh tế như ngân hàng, xây dựng, bất động sản, bảo hiểm... Chính hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam đã biến nền kinh tế thuần túy nông nghiệp lạc hậu thành một nền kinh tế có tính chất hiện đại, góp phần thúc đẩy quan hệ sản
xuất tư bản chủ nghĩa tiếp tục thâm nhập sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế dưới thời Pháp thuộc. Có thể nói cho đến trước năm 1945, cơ cấu của một nền kinh tế thuộc địa - tư bản chủ nghĩa đã thực sự được xác lập ở Việt Nam. Đặc trưng cơ bản của cơ cấu kinh tế ấy là sự đan xen của các yếu tố kinh tế truyền thống với các yếu tố kinh tế hiện đại, tạo nên một cơ cấu kinh tế hỗn hợp, trong đó bộ phận kinh tế hiện đại ngày càng mở rộng và đóng vai trò bao trùm, chi phối đối với bộ phận kinh tế truyền thống và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Thứ ba, hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam thúc đẩy toàn bộ nền sản xuất nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung phát triển và hội nhập với kinh tế thế giới.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tư sản Việt Nam đã không dấu diếm tham vọng của mình là đưa nền kinh tế cả nước thoát khỏi sự kiềm chế và lệ thuộc vào tư bản nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó phản ánh ở việc tìm kiếm và xúc tiến thị trường tiêu thụ hàng hóa, tránh “qua tay” tư sản Pháp và tư sản nước ngoài khác. Mục đích của việc làm trên là phát triển kinh tế tư bản dân tộc trong cả nước để đuổi kịp các cường quốc trên thế giới. Theo họ, muốn làm được điều đó nhất thiết phải “chuyển đổi một nền kinh tế tiểu nông sang một nền kinh tế công thương nghiệp hiện đại, coi công thương nghiệp là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, dân chủ hóa chính trị và tự do hóa thương mại” [43]. Để thực hiện tham vọng của mình, tư sản Việt Nam vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh vừa cạnh tranh quyết liệt với tư sản nước ngoài, đưa hàng hóa của cơ sở mình sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm, đồng thời mạnh dạn đòi chính quyền thực dân tiến hành cải cách dân chủ ở Việt Nam.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam, đặc biệt là ngành ngoại thương tạo điều kiện thúc đẩy toàn bộ nền sản xuất phát triển và bắt đầu đưa Việt Nam hòa nhập với nền kinh tế thế giới. Đến thập niên 30, 40 của thế kỷ XX, những trung tâm buôn bán lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn, Chợ Lớn không chỉ có quan hệ thương mại với những bạn hàng truyền thống như Trung Quốc, Singapo, Thái Lan..., mà cả các nước thuộc Châu Âu,
Châu Mỹ như Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan. Cùng với đó, cơ cấu hàng xuất khẩu thay đổi phong phú hơn trước, ngoài lúa gạo, khoáng sản còn có nhiều loại mặt hàng khác, trong đó có nhiều mặt hàng có sự tham xuất khẩu của tư sản Việt Nam. Thị trường xuất nhập khẩu cũng mở rộng hơn. Ngoài Pháp và các nước thuộc địa của Pháp, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn trở thành những thị trường và bạn hàng quan trọng của tư sản Việt Nam. Điều đó, không chỉ phản ánh sự trưởng thành của tư sản Việt Nam về địa vị kinh tế, mà còn góp phần thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trở nên sâu rộng hơn.