Hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam thời kỳ 1930 1945 chịu tác động nhiều chiều của bối cảnh lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 64 - 68)

SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA TƯ SẢN VIỆT NAM THỜI KỲ 1930

3.1.1. Hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam thời kỳ 1930 1945 chịu tác động nhiều chiều của bối cảnh lịch sử

- 1945 chịu tác động nhiều chiều của bối cảnh lịch sử

Thời kỳ 1930 - 1945, lịch sử chứng kiến nhiều sự kiện có tác động nhiều mặt đến diễn trình lịch sử Việt Nam và thế giới. Trên thế giới, cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 diễn ra, tác động đến nhiều nước, cả chính quốc lẫn các nước thuộc địa và phụ thuộc. Tiếp đó, chủ nghĩa phát xít xuất hiện, trật tự thế giới thay đổi, nhất là khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Bối cảnh lịch sử đó đã tác động đến Việt Nam, dẫn đến những biến động chính trị to lớn trong nước. Trong khi đó, thực dân Pháp và sau đó là phát xít Nhật đề ra và thực thi chính sách kinh tế nặng về áp bức, vơ vét và phục vụ tối đa lợi ích của chính quốc. Tệ hại hơn, chính sách kinh tế của Pháp - Nhật chủ yếu hướng đến vơ vét của cải, nhân lực của Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung để ném vào cuộc chiến tranh nhằm thỏa mãn lợi ích vị kỷ của các nước đế quốc. Đây là những nhân tố cơ bản tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam trong thời kỳ 1930 - 1945.

Trong số các nhân tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam, trước hết và chủ yếu là chính sách kinh tế của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nhân tố này quyết định không chỉ đến chiều hướng lựa chọn lĩnh vực kinh doanh, hình thức và phương thức kinh doanh, mà còn quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, vị thế và tiềm lực kinh tế của tư sản Việt Nam. Từ đó tạo nên những điểm riêng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam ở thời kỳ 1930 - 1945. Lịch sử cho thấy, cứ mỗi lần bối cảnh lịch sử thế giới và trong nước có sự thay đổi, đế quốc phát xít Pháp - Nhật lại điều

chỉnh chính sách kinh tế đối với Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Và mỗi lần chính sách kinh tế của Pháp - Nhật có sự thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam lại có thay đổi chiều hướng phát triển. Điều này được minh chứng khá rõ ở “tần suất biến động” trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945.

Thế nhưng, điểm đáng chú ý là tác động của bối cảnh lịch sử đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam trong thời kỳ 1930 - 1945 không diễn ra theo một chiều, mà theo nhiều chiều. Tức là bối cảnh lịch sử đó, trước hết là chính sách kinh tế của đế quốc phát xít Pháp - Nhật không chỉ tác động ngược chiều (tiêu cực) mà còn tác động thuận chiều (tích cực) đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam.

Bước vào thời kỳ 1930 - 1945, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 diễn ra và giáng một đòn lớn vào nền kinh tế Pháp - mẫu quốc của Việt Nam. Ngay lập tức, thực dân Pháp có chính sách kinh tế mới nhằm chuyển gánh nặng của cuộc khủng hoảng sang các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Chính sách kinh tế đó dẫn tới hiện tượng hàng hóa ứ đọng, các ngành sản xuất bị ngừng trệ. Đặc biệt, chế độ quan thuế độc quyền làm cho hàng hóa chính quốc tràn ngập thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ sở sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam. Mức thuế phải đóng của tư sản Việt Nam tăng lên nhanh chóng, có nhà tư sản phải đóng mức thuế cao gấp 8 lần chỉ sau một năm như phản ánh của báo chí đương thời. Hệ quả là một bộ phận không nhỏ tư sản Việt Nam không thể trả được nợ nên bị các ngân hàng thu hồi tài sản.

Cùng với đó, trong những năm 1930 - 1935, hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam càng khó khăn hơn vì sức mua của người dân bị sút giảm do nông dân không bán được sản phẩm, thuế khóa nặng nề, công nhân, viên chức bị mất việc, đồng lương bị cắt bớt. Cũng giống như các cơ sở sản xuất kinh doanh nước ngoài, tư sản Việt Nam phải thải công nhân. Trong khi đó, tư bản Pháp ở Việt Nam do độc chiếm thị trường bán hàng với giá cao hơn 15%, lại được chính phủ thuộc địa trợ cấp nhiều triệu đồng nên ít bị thua thiệt và có

ngành, nhất là những ngành kinh tế “được che chắn” thậm chí còn phát đạt, tư sản Việt Nam không được ưu đãi, trái lại ngày càng thua lỗ, mắc nợ, bị phát mại hay phải tuyên bố vỡ nợ. Trong 4 năm (1929 - 1933), chỉ riêng thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn và Chợ Lớn, Toà Thương mại Đông Dương đã xử tới 502 vụ án khánh tận tài sản và 160 vụ án phát mại tài sản [46].

Dầu vậy, bản thân cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến hiện trạng vô sản hóa người nông dân diễn ra phổ biến hơn, công nhân mất việc làm. Nhờ vậy, nguồn nhân công giá rẻ cung cấp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam trở nên phong phú, có giá rẻ mạt. Hiện tượng bóc lột theo hình thức tăng giờ làm, giảm lương không chỉ có giới chủ Pháp hay các nước nước khác, mà cả giới chủ người Việt Nam. Xét theo khía cạnh đó, việc tích lũy tư bản từ lợi nhuận sẽ diễn ra nhanh và mạnh hơn thời kỳ trước khủng hoảng. Hơn nữa, chính cuộc khủng hoảng đã buộc tư sản Việt Nam phải thay đổi hình thức kinh doanh, đẩy mạnh hình thức liên kết với tư sản nước ngoài mà trước hết là tư sản Pháp để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường đầu ra. Đó là lí do dẫn đến hình thức kinh doanh liên kết với tư sản nước ngoài, mà trước hết là tư sản Pháp diễn ra mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945.

Từ cuối năm 1935, khi khủng hoảng kinh tế dần qua đi, nền kinh tế Việt Nam và Đông Dương dần được phục hồi, thực dân Pháp nới rộng chính sách độc quyền, thị trường lưu thông trở lại. Những hiệp ước thương mại mà Pháp ký với Trung Quốc, Nhật Bản... đã thúc đẩy hoạt động trao đổi buôn bán diễn ra thuận lợi hơn. Điều này tác động đến sự phục hồi và phát triển của tư sản bản xứ. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh bị phá sản trong khủng hoảng không lấy lại được nhịp độ sản xuất kinh doanh như trước đây, nhưng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mới ra đời. Chính giai đoạn 1935 - 1938, chứng kiến sự ra đời nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhất của tư sản Việt Nam.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) nổ ra, thực dân Pháp thực hiện chính sách “kinh tế chỉ huy”. Tiếp đó, Nhật đặt ách thống trị và thực hiện

chính sách vơ vét, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam thêm khó khăn. Ngoài những thứ thuế chung mà mọi người dân Việt Nam đều phải chịu như thuế thân, thuế phòng thủ, thuế cư trú, thuế rượu, thuế muối... Theo báo Dân chúng số ra ngày 7/1/1939, thuế đường sá tăng lên 10 lần từ 6 đồng lên 60 đồng vào năm 1939, khiến kinh doanh vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Buôn bán gạo từ nơi này đi nơi khác phải nộp 6 xu thuế. Ai gánh thêm một dó gạo phải nộp thêm 2 xu [39, tr.48]. Thuế kinh doanh lúc đó cũng tăng từ 1-2,5 lần, có cơ sở kinh doanh bị tăng thuế đến 6 lần. Lấy ví dụ một số hộ buôn bán ở phố Hàng Thiếc, Hà Nội để minh họa, năm 1936, cơ sở Thái Lĩnh ở số nhà 19 chỉ phải nộp mức thuế 12 đồng, nhưng năm 1937 liền tăng lên 72 đồng; cơ sở Trương Sửu ở số 24, nộp 22,25 đồng tăng lên 35,1 đồng; cơ sở Đinh Phong ở số 51 nộp 22,4 đồng tăng lên 54,5 đồng [4, tr.138].

Cùng với đó, Pháp - Nhật ra sức vơ vét nông phẩm và các thứ hàng hóa khác đưa sang chính quốc để phục vụ chiến tranh, khiến cho nguyên liệu sản xuất, hoạt động của thị trường khó khăn thêm. Cụ thể, khi Chiến tranh thế giới thứ hai mới diễn ra, thực dân Pháp ra lệnh cho các thuộc địa phải gửi sang chính quốc 3,5 triệu tấn thực phẩm, 1,1 triệu tấn hạt có dầu, 800 nghìn tấn dây thừng, 350 nghìn tấn than đá, 600 nghìn tấn cao su... Trong số các sản phẩm phải gửi sang chính quốc, Đông Dương chiếm phần lớn và riêng về lương thực, thực phẩm, Đông Dương phải nộp 1,6 triệu tấn gạo và ngô [27, tr.481]. Riêng trong năm 1942, phát xít Nhật bắt Đông Dương phải “xuất” sang Nhật 1,05 triệu tấn gạo và tấm, 45 nghìn tấn bột gạo [56, tr.355].

Chính sách kinh tế đó của Pháp - Nhật trong những năm 1939 - 1945 khiến cho phần lớn tư sản Việt Nam, nhất là tư sản vừa và nhỏ bị phá sản hoặc phải thu hẹp kinh doanh do khó khăn về nguyên liệu sản xuất, máy móc lẫn thị trường. Tuy nhiên, một số tư sản Việt Nam tham gia lĩnh vực sản xuất thiết bị, hàng hóa tiêu dùng nhân lúc hàng hóa Pháp không thể xuất sang thị trường Việt Nam do chiến tranh, đã chớp lấy cơ hội hoặc đầu tư thêm vốn, mở rộng cơ sở sản xuất hiện có, hoặc đầu tư vào những mặt hàng mà thị trường đang khan

hiếm như thực phẩm, xà bông, sợi vải, nấu rượu, săm lốp xe đạp, đồ sắt... Nhờ đó mà họ giàu lên trông thấy. Thế nhưng, tiếc rằng số này không nhiều và do bị tư sản Pháp, Hoa kiều chèn ép cũng như bị chính phủ thuộc địa “chỉ huy” từ khâu cung cấp nguyên liệu đến khâu sản xuất và bán sản phẩm nên việc sản xuất kinh doanh cũng gặp khó khăn và không kéo dài được lâu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 64 - 68)