Sản xuất kinh doanh theo hình thức hùn vốn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 57 - 59)

2 Hà Văn Mao có mỏ tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ Nguyễn Văn Nhân (còn gọi là Ký Sao) nổi tiếng trong giới mỏ, quê làng Thịnh Liệt, Hà Đông, có mỏ ở Hà Đông và Quảng Yên.

2.2.2. Sản xuất kinh doanh theo hình thức hùn vốn

Đây cũng là hình thức kinh doanh phổ biến. Bởi khi mới ra đời cũng như trong quá trình kinh doanh trước và sau thập niên 30 của thế kỷ XX, tư sản Việt Nam gặp phải sự chèn ép, ngăn cản từ tư sản Pháp, lại chịu sự cạnh tranh quyết liệt của tư sản Hoa kiều. Hơn nữa vốn của họ ít, nhiều người không đủ khả năng lập công ty, xí nghiệp riêng cho mình. Vì vậy, để lập được công ty đủ sức cạnh

tranh với các công ty của tư sản nước ngoài, đồng thời thúc đẩy kinh tế công - thương nghiệp dân tộc phát triển, nhiều nhà tư sản Việt Nam cùng hùn vốn với nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cách thức hùn vốn của họ hoặc là trực tiếp không quy định là bao nhiêu, tùy theo khả năng của từng người, hoặc là lập công ty cổ phần, rồi quy định mỗi cổ phần là bao nhiêu để những người có tiền góp. Sự tham gia hùn vốn làm ăn thể hiện trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận thu được của mỗi người tùy thuộc số lượng cổ phần của họ trong công ty đó.

Hình thức hùn vốn để mở công ty kinh doanh ở thời kỳ 1930 - 1945 có số lượng đông đảo hơn trước năm 1930, một mặt là do số lượng tư sản thời kỳ này tăng lên, mặt khác cũng do tác động của tình hình thế giới và trong nước nên điều kiện kinh doanh độc lập khó khăn, các nhà tư sản rủ thêm người khác góp vốn kinh doanh với mình, rồi chia lợi nhuận với nhau. Đồng thời, kinh doanh theo hình thức hùn vốn của tư sản Việt Nam diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp... Lợi nhuận chia theo tỷ lệ tiền đóng góp (xem Phụ lục 1, Bảng 1).

Tiêu biểu cho hình thức kinh doanh này là Công ty Bắc Kì Nam tửu thành lập tháng 9/1932 tại Hà Nội. Những người góp vốn đầu tiên gồm: Đỗ Hữu Thục, Trương Hoàng Tĩnh là thầu khoán ở Hà Nội, Nguyễn Hữu Như là điền chủ ở Hà Nội, Trần Quang Vinh là nhà buôn ở Hà Nội, mỗi người góp cổ phần 25.000 đồng, tổng cộng số vốn ban đầu của công ty này là 100.000 đồng. Đến tháng 6/933, trụ sở công ty dời xuống Văn Điển, Hà Đông và xây dựng ở đó một nhà máy rượu. Bốn người góp vốn đầu tiên đã nhượng bớt cổ phần cho bốn người khác, mỗi người còn lại số cổ phần 22.500 đồng. Cụ thể Nguyễn Văn Thịnh là điền chủ ở Nam Định, Đỗ Đình Đắc điền chủ ở Hà Nội, Lê Văn Phúc chủ nhà in ở Hà Nội và Đỗ Thúc Phách điền chủ ở phủ Lạng Thương góp mỗi người 2.500 đồng. Tháng 8/1934, vốn công ty từ 100.000 đồng tăng thành 200.000 đồng. Các cổ phần hầu hết đều thuộc về Đỗ Hữu Thục, Trương Hoành Tĩnh, Trần Quang Vinh, Nguyễn Hữu Như. Nhà máy rượu này rất lớn, theo báo

cáo của Trần Quang Vinh năm 1933, trong nhà máy có hơn 800 công nhân làm việc, có ba nồi súp-de và sản xuất mỗi ngày chừng 40.000 lít rượu [8, tr.131].

Một điều dễ nhận thấy là ở thời kỳ 1930 - 1945, hình thức hùn vốn trong sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam dưới dạng thức các công ty cổ phần hay hội buôn không xuất phát từ động lực và mục tiêu như thời kỳ trước năm 1930. Mà chủ yếu là từ động lực kinh tế, vì lợi nhuận. Đồng thời thành phần góp vốn là những nhà tư sản thật sự, số lượng góp vốn lớn hơn và có quy định cụ thể. Trước năm 1930, hình thức này nảy sinh trước hết từ cuộc vận động yêu nước của giới sĩ phu cấp tiến và sau đó là tư sản Việt Nam. Ở đầu thế kỷ XX, giới sĩ phu Việt Nam bằng cuộc vận động phát triển công - thương nghiệp nước nhà, đồng thời thực hiện phương châm “dĩ thương hợp quần” đã cùng hùn vốn lại, lập các hội buôn. Một số hội buôn có tiếng đã được lập nên khắp ba miền đất nước. Do đó, trong số những người góp vốn có đủ thành phần xã hội, thậm chí có sự tham gia của các sĩ phu yêu nước tiến bộ hay quan lại. Sau đó, tư sản Việt Nam dấy lên cuộc vận động “chấn hưng thực nghiệp” cũng nhằm kêu gọi người Việt hợp lực “tranh thương” với tư sản nước ngoài. Hàng loạt công ty, hội buôn ra đời từ cuộc vận động này. Từ đó có thể thấy trước năm 1930, kinh doanh theo hình thức hùn vốn ngoài động lực và mục đích kinh tế còn bao hàm cả động lực và mục đích chính trị, gắn chặt với mục tiêu đấu tranh, tính rầm rộ và quyết liệt của phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam trong ba thập niên đầu thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)