Sản xuất kinh doanh theo hình thức liên kết với tư sản nước ngoà

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 59 - 64)

2 Hà Văn Mao có mỏ tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ Nguyễn Văn Nhân (còn gọi là Ký Sao) nổi tiếng trong giới mỏ, quê làng Thịnh Liệt, Hà Đông, có mỏ ở Hà Đông và Quảng Yên.

2.2.3. Sản xuất kinh doanh theo hình thức liên kết với tư sản nước ngoà

Ở Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, đa số những ngành kinh tế quan trọng do tư bản Pháp, mà trực tiếp là giới tư sản Pháp ở Việt Nam nắm, sau đó tới lực lượng tư sản Hoa kiều. Trong những năm khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933, dù tư sản Pháp có gặp khó khăn nhưng với sự trợ giúp của chính quyền đã vượt qua khủng hoảng và vẫn giữ vị thế thông trị trong nền kinh tế Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong khi đó, tư sản Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, bị phá sản hàng loạt. Cụ thể, khi khủng hoảng nổ ra, chính

quyền thực dân Pháp ở Đông Dương ban hành một số biện pháp để “chống khủng hoảng” theo tinh thần chính sách “ba trụ cột” của Pierre Pasquier. Chính phủ Đông Dương còn tăng cường đầu tư vào các công trình công cộng lớn nhằm thu hút vốn của tư nhân, thu hút số công nhân thất nghiệp - được cho là cơ sở của những “rối loạn xã hội” đồng thời có thể làm tăng sức mua của xã hội. Trong những năm 1915 - 1930, vốn đầu tư công (tức vốn của chính phủ) chỉ hơn 159 triệu phơ răng, trong khi vốn của tư nhân là 640 triệu phơ răng, đến những năm 1930 - 1935, vốn chính phủ là 393 triệu phơ răng trong khi vốn tư nhân chỉ 150 triệu phơ răng. Để tăng nguồn vốn công, chính phủ thuộc địa đứng ra vay công trái cả bên chính quốc cũng như bên thuộc địa và tăng cường các giải pháp cân bằng cán cân thu chi trong nội địa chủ yếu bằng cách tăng thuế trực thu và gián thu. Về các khoản vay của chính quốc, tổng cộng trong 5 năm (1931 - 1935), thông qua các đạo luật, Chính phủ Pháp đã cam kết cho Đông Dương vay gần 2 tỷ phơ răng và trên thực tế, số tiền Đông Dương đã vay là gần 1,5 tỷ phơ răng [63, tr.95]. Những khoản vay này cùng với khoản tiền lấy ra từ Ngân sách liên bang Đông Dương, chính phủ thuộc địa đã tiến hành xây dựng những công trình công cộng và đặc biệt trợ giúp cho các doanh nghiệp mà chủ yếu là giới điền chủ người Pháp trồng cao su, cà phê và trồng lúa.

Bối cảnh lịch sử đó, cùng với việc thế lực kinh tế nhỏ bé về cả số lượng vốn, lẫn thị trường và sức cạnh tranh, trong thời kỳ 1930 - 1945, tư sản Việt Nam buộc phải lựa chọn hình thức liên kết với tư sản nước ngoài, mà trước hết là tư sản Pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra (1939 - 1945), nhất là khi Nhật nhảy vào Đông Dương, tư sản Việt Nam còn liên kết kinh doanh với tư sản Nhật.

Thực ra, sản xuất kinh doanh theo hình thức liên kết với tư sản nước ngoài của tư sản Việt Nam không phải đến bây giờ mới có. Nó đã xuất hiện ngày từ đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, nếu như trước năm 1930, sự liên kết giữa tư sản Việt Nam với tư sản Pháp khá rộng, trên nhiều lĩnh vực như thầu khoán, đại lý phân phối, tiêu thụ hàng hóa, lập đồn điền kinh doanh, công nghiệp nhẹ, công

nghiệp chế biến, thì trong thời kỳ 1930 - 1945, sự liên kết này chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực công nghiệp (xem Phụ lục 1, Bảng 2).

Dầu vậy, tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể, cùng với nhu cầu thị trường, kinh nghiệm kinh doanh và tính toán của từng nhà tư sản, mà lĩnh vực liên kết, phương thức liên kết có diễn biến theo chiều hướng khác nhau. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933), trước tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, phần lớn tư sản Việt Nam đều chọn hình thức liên kết kinh doanh với tư sản nước ngoài, trước hết là Pháp, nhằm mục đích vượt qua được khủng hoảng, tránh sự phá sản. Tuy nhiên, dễ nhận thấy những người liên kết với tư sản Pháp đều là những tư sản vừa và nhỏ, những tư sản mới bắt đầu khởi nghiệp; đồng thời chỉ dừng lại ở việc xây dựng những xưởng sản xuất, hiệu buôn với quy mô nhỏ, những công ty, xí nghiệp có quy mô lớn dưới dạng thức liên kết với tư sản nước ngoài rất hiếm ở thời kỳ này.

Bước sang thời kỳ 1936 - 1939, với sự thay đổi trong chính sách cai trị của thực dân Pháp, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi và phát triển trở lại. Cùng với những biện pháp “chống khủng hoảng” trong lĩnh vực thương mại và tiền tệ của Chính phủ thuộc địa đã làm cho nền kinh tế Việt Nam cuối cùng cũng được phục hồi từ cuối năm 1935. Từ năm 1936 trở đi, Đông Dương như bước vào một đợt khai thác mới của tư bản chính quốc. Các hiệp định thương mại được Pháp ký với một số nước trong và ngoài khu vực như với Nhật Bản năm 1932, với Trung Quốc, Hà Lan năm 1935, với Mỹ năm 1936... cũng như sự điều chỉnh lại chế độ thuế quan giữa thuộc địa và chính quốc từ năm 1934 đã mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu cho thuộc địa và giảm thiểu sự phụ thuộc về thương mại của thuộc địa vào chính quốc. Để khuyến khích sự phát triển cùa thương mại, chính phủ thuộc địa còn miễn giảm thuế đăng ký hàng hoá, với số tiền miễn giảm trong hai năm 1936 - 1937 là 425.000 đồng [19]. Mặt khác, chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp được thực hiện ở chính quốc đã ảnh hưởng tới thuộc địa. Việc phá giá đồng phơ răng kéo theo sự phá giá của đồng Đông Dương. Trong quan hệ về thương

mại, nhất là với Trung Quốc, sau hai lần phá giá, đồng Đông Dương trở thành đồng tiền rẻ hơn so với đồng tiền của các nước khác ở Viễn Đông (trừ Nhật Bản) và làm cho chỉ số vàng theo giá bán buôn ở Đông Dương thấp hơn so với mức của tất cả các đối thủ cạnh tranh ở châu Á, tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu của Đông Dương [19]. Điều này càng thúc đẩy tư sản Việt Nam tiếp tục liên kết với tư sản Pháp, nhất là trong lĩnh vực thương nghiệp. Nhiều cơ sở kinh doanh dưới hình thức liên kết giữa tư sản Pháp với tư sản Việt Nam được thành lập. Tiêu biểu có Công ty Alcan Sài Gòn thành lập năm 1935, buôn bán xuất nhập cảng, nhất là cao su và phân bón, vốn đầu tiên là 25.000 đồng, năm 1938 tăng lên 400.000 đồng; ban quản trị có hai người Pháp và Trương Văn Can. Tân công ty Pháp - Việt thành lập năm 1936, có vốn là 75.000 đồng, buôn bán xuất nhập cảng các hàng hóa sản xuất ở Đông Dương, các hàng hóa ở Pháp và các thuộc địa Pháp. Công ty kỹ nghệ Pháp - Việt buôn bán săm lốp, đồ phụ tùng ô tô, xe đạp, thành lập năm 1939, với số vốn 50.000 đồng; ban quản trị có một người Pháp và Võ Văn Tài, Võ Hà Đạm, Đỗ Cao Sơ, Trần Văn Khá, Trần Văn Dương [8, tr.141].

Việc liên kết sản xuất kinh doanh giữa tư sản Việt Nam với tư sản Pháp diễn ra trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Tư sản Pháp cần có một lớp người làm trung gian cho việc kinh doanh và ủng hộ các chính sách cai trị của họ; ngược lại những nhà tư sản bản xứ này có được chỗ dựa vững chắc, chia sẻ lợi ích kinh tế. Sự thống nhất về quyền lợi ấy khiến họ về phương diện chính trị, dù ít hoặc nhiều những nhà tư sản bản xứ này cũng có thái độ ủng hộ thực dân Pháp, công nhận và bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Việt Nam.

Tư sản Việt Nam không chỉ liên kết với tư sản Pháp mà còn liên kết với các công ty của Nhật Bản để kinh doanh trong lĩnh vực thương nghiệp như Công ty vô danh Việt - Nhật nhập cảng hàng Nhật như máy móc, đồng hồ, kính, hàng xa xỉ, văn phòng phẩm, đá lửa, đồ sứ, thủy tinh, tơ sợi bán ở thị trường Đông Dương. Công ty này thành lập năm 1940, có số vốn là 500.000 đồng, ban quản trị có Mizutani và Bạch Thái Tòng, Nguyễn Quý Hưng [8, tr.144].

Tiểu kết chương 2

Trong thời kỳ 1930 – 1945, tư sản Việt Nam tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh khá sôi nổi. Lĩnh vực kinh doanh rộng lớn, với nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt có sự xuất hiện một số ngành nghề mới như xây dựng, thể thao, tín dụng…điều đó thể hiện sự sáng tạo trong kinh doanh của tư sản Việt Nam. Trong thời kỳ này, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong kinh doanh, nên phần lớn tư sản Việt Nam tham gia cùng một lúc hai hoặc nhiều ngành nghề khác nhau, mục đích là để hổ trợ và tạo tính bền vững trong kinh doanh, họ kinh doanh nông nghiệp để cung cấp nguyên liệu cho hoạt động kinh doanh trong công nghiệp, điển hình như Trương Văn Bền, Đỗ Đình Thiện, hoặc là trong kinh doanh nông nghiệp đến khi họ sở hữu một số vốn tương đối lớn thì lại chuyển sang lĩnh vực tín dụng, điển hình như Trần Trinh Trạch…

Cũng trong thời kỳ này với sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chính sách bóc lột của Pháp và Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai nên giai cấp tư sản Việt Nam bị phá sản hoặc bị phân hóa: yếu tố mại bản tăng lên, yếu tố dân tộc giảm sút, hình thức kinh doanh độc lập không còn phổ biến như thời kỳ trước năm 1930, mà chỉ còn lại một số nhà tư sản có quy mô vốn lớn, có kinh nghiệm nhiều trong kinh doanh mới có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời kỳ này. Phần lớn hình thức kinh doanh của tư sản Việt Nam là tự liên kết lại với nhau (hùn vốn) hoặc liên kết với tư sản nước ngoài mà trước hết là tư sản Pháp, Nhật để có điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 59 - 64)