So sánh về lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 75 - 78)

SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA TƯ SẢN VIỆT NAM THỜI KỲ 1930

3.2.1. So sánh về lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tư sản Việt Nam cũng như tư sản Pháp, Nhật và tư sản các nước khác đều tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghiệp, thương nghiệp, đến nông nghiệp, giao thông vận tải… Nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản Việt Nam chủ yếu là trong lĩnh vực thương nghiệp và nông nghiệp ít có mặt trong các ngành công nghiệp quan trọng. Đối với một nước thuộc địa như Việt Nam, tư bản

Pháp nắm độc quyền về thị trường và chi phối nền kinh tế bản địa về mọi mặt. Chính sách không phát triển công nghiệp thuộc địa của thực dân Pháp làm cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Việt Nam mang hình thái thực dân, phiến diện và lạc hậu. Do đó, tư sản Việt Nam khó làm ăn và ít chen chân được vào những ngành công nghiệp quang trọng mà nặng về kinh doanh thương nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghiệp, số lượng tư sản Việt Nam tham gia khá khiêm tốn, đa phần là hoạt động trong ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến. Công nghiệp dệt, sản xuất đường, chế biến nước mắm…có số tư sản Việt Nam tham gia đông đảo nhưng quy mô sản xuất của họ chỉ dừng lại ở một xưởng sản xuất với vài chục công nhân mà thôi. Riêng ngành công nghiệp khai thác mỏ, trong thời kỳ 1930 – 1945, tư sản Việt Nam tham gia với số lượng đông đảo nhất với 365 số chủ mỏ và 471 mỏ. Nhưng nếu so sánh với tư sản Pháp, tư sản Việt Nam mặc dù vẫn là những đại sở hữu chủ về diện tích mỏ chấp chiếm, nhưng bị lép vế và thua xa số lượng mỏ và diện tích mỏ mà tư sản Pháp sở hữu. Người Pháp bằng nhiều cách khác nhau đã chiếm được gần như toàn bộ ngành công nghiệp khai thác mỏ ở Việt Nam. Người Pháp chiếm 75,8% tổng số chủ mỏ, 85,87% tổng số mỏ và 87,02% tổng diện tích mỏ, trong khi đó tư sản Việt Nam chỉ chiếm 23,56% tổng số chủ mỏ, 13,6% tổng số mỏ và 12,6% tổng số diện tích mỏ. Trong đó, riêng ngành than, thì các công ty Pháp chiếm hơn 90% sản lượng mỏ thuộc về 6 công ty và hơn 45% các mỏ than ở Bắc Kì. Nếu so với các công ty Nhật ở Đông Dương thì số vốn đầu tư trong ngành khai thác mỏ thì cũng kém xa, như Công ty đầu tiên của Nhật đầu tư vốn vào kinh doanh ở Đông Dương là Công ty Thương mại và Kỹ nghệ Đông Dương, được thành lập vào năm 1938, với số vốn ban đầu là 100.000 đồng, năm 1941 tăng vọt lên 5.000.000 đồng. Ngoài ra, trong chiến tranh còn có 3 công ty liên doanh Nhật - Pháp hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ ở Đông Dương: Công ty Crôm Đông Dương được thành lập năm 1942, với số vốn ban đầu là 500.000 đồng, khai thác mỏ chrômes ở Thanh Hoá, liên hệ mật thiết với Công ty Thương mại và Kỹ nghệ ở trên. Công ty Kỹ nghệ mỏ Đông Dương thành lập năm 1940,

số vốn 1.000.000 đồng, Công ty Khai thác phốt phát Đông Dương, được thành lập năm 1940, vốn ban đầu 250.000 đồng…[63, tr.556].

Phần lớn, những tư sản ở lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, in ấn là xuất thân từ tư sản thương nghiệp. Ban đầu, khi mới bước vào kinh doanh, họ đều chọn thương nghiệp làm lĩnh vực hoạt động chính của mình. Sau khi trải qua một thời gian kinh doanh, tích luỹ được một số vốn nhất định, họ mới lập ra các xưởng sản xuất, công ty chế biến hay mở nhà in. Điển hình như trường hợp của Trịnh Văn Mai, lúc đầu, ông buôn bán đường mứt tại căn nhà số 33 phố Cửa Dinh, Hà Đông. Vài năm sau, ông Mai học được nghề dệt kim, dệt áo thun và chuyển sang ngành sản xuất này với tên hiệu Cự Gioanh. Trường hợp công ty Liên Thành, ban đầu là một công ty thương mại, buôn bán hàng nội hoá đi khắp các khu vực trong và ngoài nước. Sau đó nắm bắt được thị trường cộng với việc đã tích luỹ được một số vốn nhất định đã mở các xưởng sản xuất nước mắm ở Phan Thiết, Mũi Né, Chợ Lớn…

Sở dĩ, tư sản Việt Nam chỉ tham gia sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực nhỏ hẹp nhất định là do chính sách thống trị của thực dân Pháp đối với nền kinh tế Việt Nam. Chính sách của thực dân Pháp đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung là độc quyền, không phát triển công nghiệp thuộc địa và cố tình duy trì lối bóc lột phong kiến nên tư sản Việt Nam bị chi phối trên tất cả các mặt từ thị trường, nguyên liệu, máy móc đến vị trí trong ngành sản xuất. Hơn nữa, do trọng tâm của thực dân Pháp là xuất khẩu tư bản để kinh doanh thuộc địa, mà chủ yếu kinh doanh về thương mại nền sự phát triển kinh tế ở Việt Nam không giống với sự phát triển kinh tế ở một số nước thuộc địa khác như Ấn Độ, Ai Cập.... Nếu chủ nghĩa đế quốc Pháp lấy việc tiêu thụ hàng hoá và vơ vét nguyên liệu làm mục đích chính thì đế quốc Anh lại dùng chủ trương nguyên liệu thuộc địa sản xuất tại chỗ, với giá thành rẻ, rồi sau đó bán cho nhân dân thuộc địa với giá lũng đoạn. Chính sách thuộc địa của Anh mặc dầu cũng kìm hãm chủ nghĩa tư bản dân tộc ở Ấn Độ, song không triệt đường phát triển của nó. Về khách quan mà nói, nếu thực dân Pháp ít nhiều chú trọng phát triển công nghiệp ở

thuộc địa Đông Dương thì nền kinh tế hàng hoá ở nước ta còn phát triển hơn nữa và cố nhiên tư sản Việt Nam sẽ không dừng lại ở chỗ chỉ là lực lượng nhỏ bé trong cơ cấu giai cấp xã hội cả nước. Với chính sách lấy xuất khẩu tư bản để kinh doanh về thương mại là chủ yếu, tư bản Pháp không cần dựa vào một lực lượng xã hội nào mới hơn ngoài giai cấp địa chủ phong kiến. Vì chỉ có duy trì nền sản xuất đến mức lạc hậu nhất thì việc kinh doanh của chúng mới kiếm được lợi nhuận cao nhất, mau ăn nhất và chắc ăn nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động sản xuất kinh doanh của tư sản việt nam thời kỳ 1930 1945 (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)