Loại hình tác giả và kiểu tác giả nhà nho

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểu tác giả nhà nho hành đạo trường hợp ngô thì nhậm (Trang 28 - 33)

6. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Loại hình tác giả và kiểu tác giả nhà nho

Loại hình tác giả văn học là việc vận dụng phương pháp loại hình (loại hình học) vào nghiên cứu tác giả văn học.Để đánh giá một cách chuẩn xác về loại hình tác giả, cần phải dựa vào hoàn cảnh lịch sử, con người cá nhân, nhất là tính tự biểu hiện của tác giả trong tác phẩm văn học. Con người cá nhân và cái tôi tác giả trong văn học là tấm gương phản ánh của hoàn cảnh lịch sử và tư tưởng văn hóa của một dân tộc. Chính vì vậy, sự phức hợp của nhiều tư tưởng văn hóa mà tác giả chịu ảnh hưởng sẽ dẫn đến sự phức hợp biểu hiện

nhiều loại hình tác giả trong cùng một tác giả. Xét ở phạm vi khác nhau, có kiểu định danh loại hình tác giả khác nhau: loại hình tác giả văn học dân gian, loại hình tác giả văn học viết/ loại hình tác giả văn học trung đại, loại hình tác giả văn học hiện đại/ loại hình tác giả thiền sư, loại hình tác giả nhà nho.

Văn hóa Việt Nam thời trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa phương Đông, nhất là văn hóa Trung Hoa.Trong các luồng văn hóa thổi vào Việt Nam, có thể nói tư tưởng Nho giáo là tư tưởng chính thống đóng vai trò chủ đạo bởi sự quy định của nhà nước quân chủ chuyên chế. Sự xuất hiện của tầng lớp trí thức nho học như là một nhu cầu thiết yếu đánh dấu sự tồn tại của Nho giáo qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Chính điều này mà đội ngũ trí thức nhà nho không ngừng vận động và phân hóa, hình thành nên nhiều kiểu tác giả nhà nho khác nhau. Trần Đình Sử, trong Mấy vấn đề thi pháp văn học

trung đại Việt Nam, đã nhấn mạnh đến vai trò của việc phân loại các tác giả

nhà nho: “Việc phân chia nhà nho thành các kiểu nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật, nhà nho tài tử có ý nghĩa để nghiên cứu loại hình tác giả văn học

trung đại”[32; tr 122].

Trong các kiểu tác giả nhà nho, có thể nói, nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật là hai kiểu tác giả phát triển song hành trong suốt thời kỳ văn học trung đại. Sở dĩ có sự tồn tại đó bởi xã hội phong kiến Việt Nam chỉ tồn tại trong mười thế kỉ mà mãi đến nửa cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX khi xã hội phong kiến có dấu hiệu của sự thoái trào và chuẩn bị cho sự ra đời của mô hình nhà nước cận đại thì kiểu tác giả nhà nho tài tử mới bắt đầu xuất hiện. Hơn nữa trong tám thế kỉ đầu từ thế kỉ X đến XVIII, từ sự hưng thịnh đi đến suy vong các triều đại phong kiến và khả năng có thể ra đời của một kiểu nhà nước khác để thay thế là kết quả minh chứng cho kiểu tác giả nhà nho hành đạo đã vơi dần và thay vào đó là sự xuất hiện đông đảo tầng lớp nhà nho ẩn dật. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng giao thoa về tư cách tác giả trong cùng

một con người bởi sự chi phối của lịch sử xã hội và các hệ tư tưởng chính trị – triết học. Đây cũng là một hiện tượng phức tạp như Trần Đình Hượu nhận xét:

“Nho giáo không chiếm lĩnh được toàn bộ tâm hồn một nhà nho mà cũng không khống chế được toàn bộ một xã hội… Những tư tưởng khác như tư tưởng Lão – Trang, tư tưởng Phật chiếm một góc nhiều khi không nhỏ, trong

tâm hồn các nhà nho – nghệ sĩ”[35; tr 15]. Nhưng khi nghiên cứu về loại hình

tác giả nhà nho, hầu như các nhà nghiên cứu lưu tâm dòng chảy tư tưởng và nhân cách ứng xử đậm đặc của từng kiểu nhà nho để định danh cho họ kiểu nhà nho mang đặc trưng khu biệt với kiểu nhà nho khác.

1.3.2. Điều kiện hình thành và sự vận động của kiểu tác giả nhà nho hành đạo

Điều kiện cốt yếu hình thành nên kiểu tác giả nhà nho hành đạo trước hết chính là sự tiếp thu, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hệ tư tưởng Nho giáo. Trái với Phật giáo tìm đến sự tu hành, diệt dục hay Đạo giáo tìm đến sự an bần, lạc đạo; Nho giáo lại khẳng định tiếng nói của học thuyết chính trị, đạo đức. Nho giáo chủ trương ổn định xã hội bằng những lễ nghi chặt chẽ, lấy “tam cương” với ba mối quan hệ: vua tôi – cha con – chồng vợ làm giềng mối cơ bản, lấy “ngũ thường” với năm đức tính chủ yếu của con người: nhân – nghĩa – lễ – trí – tín, trong đó bao hàm cả đạo đức trung – hiếu – tiết – nghĩa làm cơ sở để điều chỉnh hành vi ứng xử của con ngườitrong xã hội. Để có thể thực hiện những lễ giáo trên, Nho giáo đề cao sự “tu thân”, tức là việc học hành, đỗ đạt, tu dưỡng đạo đức cá nhân với tinh thần “khắc kỷ phục lễ”. Khác với Phật giáo chủ trương lánh đời, Nho giáo càng quan tâm đến việc thế sự, chủ trương tích cực nhập thế. Tăng Tử từng dạy trong sách Đại học, người quân tử phải là người biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Nợ công danh hay chí nam nhi luôn là sự trăn trở suy tư đối với những nhà nho hành đạo. Người hành đạo luôn xây dựng cho mình khát vọng lập

nên sự nghiệp với hoài bão ý chí lớn lao để phò vua, giúp nước. Thời bình,họ mong thi thố đỗ đạt làm quan.Còn với thời chiến, họ anh dũng xông pha nơi trận mạc với khát khao tiêu diệt giặc để báo đền ơn vua, đem lại cuộc sống bình yên cho thiên hạ. Đã là trang nam nhi thì phải lập được công danh để lại tiếng thơm cho muôn đời. Trả được nợ công danh tức là hoàn thành sứ mệnh của kẻ làm trai…

Lịch sử Trung Quốc đã không ít những bậc thánh đế, minh quân đem tấm lòng nhân ái vì giang sơn xã tắc để cai trị thiên hạ như vua Nghiêu, vua Thuấn,… Không thoát xa khỏi hệ tư tưởng ấy, các triều đại lịch sử Việt Nam Lý – Trần – Hồ – Hậu Lê, bằng đức độ và ân huệ của nhiều vị vua sáng, họ luôn giữ vai trò thúc đẩy những tôi hiền tướng giỏi dốc tâm thực hiện lý tưởng “trung quân ái quốc”.Đến thế kỉ XVIII, khi nhà Lê không giữ vững được chiếc ngai vàng, vương triều Tây Sơn thành lập, mặc dù sĩ phu Bắc Hà có một số còn kiêng dè, tuy nhiên với niềm mong mỏi “chiêu hiền đãi sĩ” và tấm lòng “ái quốc ưu dân” của vua Quang Trung, các sĩ phu Bắc Hà trong đó phải kể đến những cựu trung thần bậc nhất như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Lượng…, đặc biệt là Ngô Thì Nhậm, họ vẫn không thoát xa hệ tư tưởng Nho giáo chủ trương nhập thế hành đạo.

Chịu ảnh hưởng, tác động bởi hoàn cảnh lịch sử - xã hội, nhà nho hành đạo thời kỳ trung đại Việt Nam ít nhiều cũng có sự vận động và phân hóa linh hoạt. Trải qua năm thế kỉ, từ thế kỉ thứ X đến thế kỉ XV, trong buổi đầu giành lại độc lập tự chủ từ sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938) và liên tục giữ vững độc lập trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm phương Bắc như nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh,… có thể nói giai cấp phong kiến, mà lực lượng nòng cốt là nhà nho được xem là đại diện tiêu biểu gánh vác sứ mệnh lịch sử cùng với nhân dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Từ thời nhà Trần, Nho giáo đã được xem là quốc giáo, nho sĩ

ngày càng trở nên đông đảo, giữ vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền và cũng là lực lượng sáng tác văn học chủ yếu. Tình hình chính trị ổn định và những cuộc chiến tranh vệ quốc vẻ vang đã xuất hiện không ít những minh quân, tôi hiền, tướng giỏi. Họ không ngừng đem tài năng, đức độ và khát vọng “kinh bang tế thế” để xây dựng một nhà nước phong kiến vững mạnh. Cho nên cảm hứng khẳng định, tự hào và ngợi ca về triều đại, giang sơn, những anh hùng kiệt xuất trở thành cảm hứng chủ đạo trong sáng tác văn chương. Đó là cơ sở cho sự xuất hiện một đội ngũ tác giả nhà nho hành đạo được xem là trung thần kì cựu như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi,Lê Thánh Tông,...

Sang thế kỉ XVI, nội bộ phong kiến đã có sự mâu thuẫn giữa các phe phái, đời sống nhân dân cũng không được quan tâm chu đáo. Xuất phát từ tình hình triều chính và đất nước như vậy, nho sĩ thời bấy giờ bắt đầu có những biểu hiện phân hóa thành nho sĩ quan liêu, nho sĩ bình dân và nho sĩ ẩn dật. Tuy đội ngũ nhà nho ẩn dật bắt đầu hoàn thiện nhưng vẫn còn những con người hành đạo băn khoăn đi tìm minh chủ như Phùng Khắc Khoan hay Đào Duy Từ lên đường vào Nam để tìm đến chúa Nguyễn; đến Tuyết Giang Phu tử như Nguyễn Bỉnh Khiêm trong buổi đầu cũng chủ động tích cực để cộng sự với vương triều nhà Mạc. Nhìn chung, ở thời kì này, nhà nho lúc bấy giờ đã có phần ly tâm so với chính thống.

Đến nửa cuối thế kỉ XVIII, khi vương triều nhà Lê diệt vong, những người hoài Lê đã quyết định chọn con đường từ quan để thủ tiết… Mặt khác,phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, kết tinh ở người anh hùng Nguyễn Huệ đã đem lại một đảo chính toàn thắng, thổi vào một luồng sinh khí mới cho dân tộc, cho nên nhiều nho sĩ bấy giờ đã có những ứng xử linh hoạt trước thời thế. Thoát xa tư tưởng “ngu trung”, những nho sĩ thức thời và có tinh thần dân tộc vẫn trở lại con đường hành đạo. Hầu như những công hầu khanh tướng tiền

triều đều ra cộng sự cho Quang Trung và giúp ích cho đất nước như Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Hành, Ninh Tốn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích,.. và một trong những trung thần bậc nhất phải kể đến nhà nho hành đạo Ngô Thì Nhậm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểu tác giả nhà nho hành đạo trường hợp ngô thì nhậm (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)