Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểu tác giả nhà nho hành đạo trường hợp ngô thì nhậm (Trang 56 - 60)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2. Không gian nghệ thuật

Theo Trần Đình Sử: “Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của

thế giới nghệ thuật”, “không có hình tượng nghệ thuật nào không có không

gian, không có một nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó”, và “không

gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sỹ nhằm biểu hiện con

người và thể hiện một quan niệm nhất định vềcuộc sống”[31; tr 88 – 89].

Với các nho sĩ hành đạo, không gian nghệ thuật trong sáng tác của họ tập trung ở không gian gắn với môi trường sống hành đạo như cung đình, triều chính. Đó còn là không gian dùng để nói chí tỏ lòng như không gian của chiến trường, trận mạc, cao sơn, lưu thủy; và cả ở không gian của chốn di dưỡng tinh thần khi họ lui về ở ẩn.Trong các sáng tác của nhà nho hành đạo Ngô Thì Nhậm, không gian mang dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến là không gian triều chính, trận mạc và không gian cao sơn, lưu thủy.

2.2.1.Không gian triều chính, trận mạc

Nhà nho hành đạo nói nhiều đến ơn vua, lộc nước, nghĩ đến an nguy bá tánh cho nên không gian triều chính là không gian đặc thù để họ luận bàn thế sự. Là cận thần tri âm của Quang Trung hoàng đế, hầu như các việc triều chính hay yến tiệc đều có sự hiện diện của Ngô Thì Nhậm. Từ điện Trung Hòa, điện Thanh Di cho đến Ngự Tiền và Ngự Doanh ông luôn nhận được nhiều ân sủng của vua Quang Trung từ việc ăn yến, uống trà đến đàm đạo thơ văn, luận bàn việc quân, việc nước. Không gian nơi nội điện được tái hiện là không gian của gươm vàng, áo gấm, phượng liệng múa cánh, rồng

nhả hạt châu… uy nghi lộng lẫy, giàu sang phú quý. Chẳng hạn trong bài

Tảo triều Trung Hòa điện tứ nhập nội thị độc chiến thủ tấu nghi, cung ký,

ông đã ghi lại vẻ đẹp uy nghi của các công hầu, khanh tướng khi đợi vua thượng triều:

Phủ tọa dĩ bài kim kiếm vệ,

Các thần phương chỉnh tú y hang.

(Văn võ vừa yên hang áo gấm,

Ngai rồng đã sắp đội gươm vàng.)

Hay tại điện Thanh Di, vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ nơi cung cấm cũng được tái hiện trong lúc đợi chầu triều:

Phượng tường nghi vũ khai cung phiến, Long phún minh châu nhiễu điện trì.

(Mở cửa cung, phượng liệng múa cánh, Quanh thềm điện, rồng nhả hạt châu)

(Khâm ban nhật thị Thanh Di điện, cung ký)

Cảm phục trước tài năng và đức độ của vua Quang Trung, không chỉ riêng Ngô Thì Nhậm, các công hầu khanh tướng luôn một mực cung kính từ nhận thức cho đến hành động. Nhận được cung cách kính cẩn trước đạo vua –

tôi, vua Quang Trung cũng hết lòng mở yến tiệc chiêu đãi hiền sĩ thật trang nghiêm, long trọng. Không gian triều chính được tái hiện trong bài Khâm Ngự Tiền phụng tứ trà cung ký (Kính hầu ở Ngự Tiền được cho uống trà, kính ghi)

là không khí trang nghiêm của quân – thần uống trà mà luận bàn việc quân, việc nước: “Năm Tân Hợi, sau tiết tiểu hàn hai ngày, trời lạnh buốt, mưa như trút. Hàng bên tả, quan nội các là tôi và Trực Lượng hầu, hàng bên hữu, quan bộ là Hiến Thành hầu và Kính Thận hầu, bốn viên vào hầu. Vua ôm lò ngự hương, mặt rồng vui vẻ, cho các bầy tôi ngồi, mời uống trà, thung dung

hỏi việc nước” [1; tr 222]

Không chỉ ở nơi Ngự Tiền được vua hỏi việc quân quốc, tại nơi Ngự Doanh thanh tĩnh, trước sự lắng nghe của các quan đại thần mang gươm vàng áo gấm, Ngô Thì Nhậm còn ngâm thơ để tỏ rõ hoài bão của một bậc công thần luôn hướng về Quang Trung hoàng đế:

Kim thanh lãnh tụng thần tiên cú, Thiết giáp kinh đương trở đậu xung.

(Tiếng vàng sang sảng đọc câu thần tiên,

Giáp sắt kính cẩn trước nơi trở đậu.)

(Dạ triệu thị ngự doanh tụng tiên thi, cung ký)

Việc tái hiện không gian triều chính cho thấy các cận thần của vua Quang Trung không chỉ riêng Hi Doãn mà các công hầu, khanh tướng đều luôn cận kề sát cánh bên ông vì mối an nguy của giang sơn, xã tắc. Trước sự nhận thức thông suốt ấy, nhà nho hành đạo còn phải tỏ rõ hành động thực tiễn bằng sự xông pha trận mạc để thể hiện thái độ nhập thế tích cực của mình. Chính vì điều ấy mà việc tái hiện không gian triều chính không tách rời không gian trận mạc.

Từ khi ra làm quan cho triều đình Lê – Trịnh, Ngô Thì Nhậm đã có nhiều chuyến đi thực tế thâm nhập vào các địa giới đóng quân của triều đình,

chính ông đã ghi lại những cuộc hành quân, xây dựng doanh trại, khai hoang, phá đường, mở núi của các binh sĩ. Năm 1779, ông được phái đi kinh lý Thái Nguyên, Tuyên Quang vào thời điểm Hoàng Văn Đồng ở mỏ Tụ Long chống lại triều đình. Bài thơ Kinh lược nhập Tuyên Quang giới được sáng tác trong hoàn cảnh này đã tái hiện lại không gian trận mạc nơi núi rừng đầy hiểm nguy, trắc trở:

Địa tận Lang Yên nhập Đại Man, Thái, Tuyên phong vực thử giang quan. Long du kinh quốc tây lưu thủy,

Hổ bão trung châu bắc thượng san.

(Hết đất Lạng Yên đến Đại Man, Cửa sông, Tuyên, Thái rẽ đôi đàng. Tay long: nước đổ miền tây xuống. Cánh hổ: non vòng phía bắc sang)

Dù công việc trăm bề khó khăn nhưng với lòng quả cảm, nhà nho hành đạo Ngô Thì Nhậm luôn làm tròn sứ mệnh của một bậc đại trung thần. Vì cuộc sống an cư lạc nghiệp của dân tình đói khổ, Ngô Thì Nhậm đón lấy chiếu chỉ của vua ban, lấy đức nhân tâm của mình thu phục binh đao, tránh cảnh “núi xương, sông máu”:

Biên tình nhất tự đạt thừa minh,

Ngưỡng phụng thiên luân dữ đạp bình… Công tể như thừa Tuyên Thất vấn,

Nghiêu dân nguyên tự bất tri binh.

(Tình huống ngoài biên sớm đệ trình Chiếu rồng ban xuống việc trừng thanh… Việc xong, Tuyên Thất như ban hỏi: Dân Đế Nghiêu nào biết việc binh!)

(Bình Trị trú quân)

Đến khi ra làm quan cho triều đình Tây Sơn, ông luôn làm tròn sứ mệnh của một quân sư tài ba. Trong tập thơ Thu cận dương ngôn, không ít những bài thơ đã tái hiện lại không khí khẩn trương, lẫy lừng thanh thế của các buổi tập trận, duyệt binh dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Quang Trung: Trong Tòng giá vọng trận cung xuân nhật xuất binh phụng ký (Theo xa giá đến hành cung xem tập trận, mùa xuân, kính ghi) ông đã ghi lại hào khí ngút trời của nghĩa quân Tây Sơn:

Trần thanh hoàng đạo điều bành tứ, Lôi lệ vương sư thí tiển cầm.

Nhị bút từ thần bồi pháp giá,

Nguyện canh Lục nguyệt khải ca âm.

(Sạch bụi đường vua đi, ruổi rong ngựa tứ,

Sấm vang quân vua tiến, săn bắt chim muông.

Bề tôi văn từ giắt bút theo hầu xa giá,

Nguyện hát khúc khải hoàn ca Lục nguyệt.)

Như vậy, với việc phục dựng không khí nơi chiến trường, trận mạc, Ngô Thì Nhậm luôn khẳng định mình là một bậc trung thần vì cuộc sống dân tình và an nguy thiên tử. Triều đình Lê – Trịnh và Tây Sơn trọng dụng ông là bởi khâm phục trước một thiên tài chính trị kiệt xuất mà không một đại biểu nào nửa cuối thế kỉ XVIII có thể sánh bằng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiểu tác giả nhà nho hành đạo trường hợp ngô thì nhậm (Trang 56 - 60)